Điểm mặt các dự án chậm tiến độ do nhà thầu Trung Quốc thi công

11:17, 14/05/2014
|

(VnMedia)Hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm của Việt Nam: tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông, tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc Hà Nội - Lào Cai và xây dựng cầu Cao Lãnh có sự góp mặt của nhà thầu Trung Quốc thi công đang chậm tiến độ kéo dài....

>>
Điều ẩn giấu sau những dự án đội giá trăm triệu đô

>>Dự án đội giá 339 triệu USD là do ... chưa có kinh nghiệm!

>>Dự án đội giá triệu "đô": 6 năm không xong trụ cầu

Trung tuần tháng 4 vừa qua, người dân cả nước xôn xao về việc dự án đường sắt đô thị đầu tiên của Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông đội giá 339 triệu USD do chậm tiến độ kéo dài.
 
Dự án có tổng mức đầu tư ban đầu là 552 triệu USD (thời giá năm 2008) và được báo cáo nghiên cứu khả thi từ đầu năm 2004. Trong đó vốn ODA Trung Quốc 419 triệu USD, vốn tín dụng 169 triệu USD và đối ứng của Việt Nam là 133 triệu USD. Dự án gồm các hạng mục 13 km đường sắt trên cao, 1,7 km ra vào khu depot (sửa chữa), đường sắt đôi, 12 ga trên cao, nhà điều hành 9 tầng trong khu depot rộng 23 ha.

Điều đáng nói là trong dự án này, mặc dù Công ty hữu hạn Tập đoàn cục 6 đường sắt Trung Quốc chuyên về xây lắp và lần đầu tiên làm tổng thầu EPC trên lĩnh vực đường sắt đô thị nhưng để nhận được nguồn vốn ODA, dự án buộc phải để đơn vị này thực hiện gói thầu chính (thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và xây lắp) theo hình thức tổng thầu EPC. 
 
Thời gian thực hiện dự án theo kế hoạch ban đầu là 5 năm (từ tháng 11/2008 - đến tháng 11/2013). Tuy nhiên, đến nay sau 6 năm thực hiện công tác thi công xây lắp mới hoàn thành 286 trụ cầu khu gian/421 trụ (đạt 75%); triển khai thi công 7 nhà ga/tổng số 12 nhà ga; hoàn thành thi công xử lý đất yếu 5,6ha/23ha trong Depot, xây dựng bãi đúc và đúc được 232 phiến dầm, lao lắp được 30 phiến dầm. Tổng giá trị khối lượng thực hiện (bao gồm cả khảo sát thiết kế) là 2.701 tỷ đồng tương đương 31.08% giá trị dự án. Sự chậm trễ trong nhiều khâu đã đẩy giá thành xây dựng này lên tới 891 triệu USD, tăng 339 triệu USD so với tổng mức đầu tư ban đầu.

Không chỉ có dự án tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông, Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng có tổng mức đầu tư gần 25.000 tỷ đồng do một số công ty xây dựng của Trung Quốc tham gia cũng đang trong tình cảnh tương tự. 
 
Với chiều dài 105,5km từ đường vành đai 3 qua Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng. Đây là tuyến đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam với 6 làn xe lưu thông và 2 làn dừng xe khẩn cấp, vận tốc thiết kế đạt 120 km mỗi giờ.

Ðiểm đầu của tuyến đường nằm trên đường vành đai 3 của Hà Nội, cách mố bắc cầu Thanh Trì 1.025 m, điểm cuối là đập Ðình Vũ, quận Hải An (Hải Phòng). Phần qua Hà Nội dài 6 km, phần qua Hưng Yên dài 26 km, phần qua Hải Dương dài 40 km, phần qua Hải Phòng dài 33 km.

Chủ đầu tư là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI). Dự án có 10 gói thầu trong đó 3 đơn vị của Trung Quốc gồm: Tập đoàn cầu đường tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc đảm nhiệm gói thầu EX 8-9, Liên danh Công ty TNHH Đường cao tốc Trường Đại Quảng Đông và Công ty Hợp tác kỹ thuật và kinh tế quốc tế Quảng Châu (Trung Quốc) phụ trách gói thầu EX-5.

Công trình khởi công năm 2008 và dự kiến thông xe vào tháng 10/2015, nhưng đến nay vẫn vướng mắc ở nhiều vấn đề như giải phóng mặt bằng , thi công và tài chính. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tiến độ khó hoàn thành là thiếu vốn.

 Ảnh minh họa

Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có nhà thầu Trung Quốc tham gia đang chậm tiến độ dẫn đến đội giá 339 triệu USD. Ảnh: Vne

Một dự án giao thông trọng điểm khác có nhà thầu Trung Quốc tham gia cũng đang chậm tiến độ là Dự án xây dựng cao tốc Nội Bài - Lào Cai.
 
Với tổng chiều dài là 245 km đi qua Hà Nội và các tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, được chia làm 8 gói thầu xây lắp với tổng mức đầu tư gần 20.000 tỷ đồng. Đây là một trong những tuyến cao tốc lớn nhất hiện nay do Tổng công ty đường cao tốc (VEC) làm chủ đầu tư dự án. Phần lớn tuyến đường do nhà thầu Hàn Quốc thi công (chiếm 6/8 gói thầu). Gói thầu còn lại do Công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thực hiện.

Dự án khởi công từ tháng 9/2009 và dự kiến thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6/2014, chậm 2 năm so với kế hoạch ban đầu.

Chủ đầu tư lý giải dự án chậm tiến độ do khâu giải phóng mặt bằng ì ạch. Bên cạnh đó, năng lực thi công của các nhà thầu yếu kém, không huy động đủ thiết bị, vật liệu... Còn đại diện cơ quan tư vấn giám sát chỉ ra nguyên nhân dự án trì trệ do nhà thầu chính thuê các nhà thầu phụ yếu kém. Tại dự án cao tốc này, trong khi tập đoàn Doosan thuê 20 nhà thầu phụ thì Công ty cầu đường Quảng Tây chỉ thuê 3 thầu phụ và tự triển khai nhiều hạng mục. Các thầu phụ thường thuê lao động địa phương có tay nghề thấp, thậm chí là nông dân để làm đường.

Do chậm tiến độ nên đến nay, chủ đầu tư buộc phải tiến hành thông xe từng đầu. Tháng 12/2013, đoạn cao tốc từ huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đến huyện Tam Dương (tỉnh Vĩnh Phúc) dài 26 km đã chính thức hoạt động. Đầu tháng 4, đoạn đường từ điểm giao cắt với quốc lộ 2B sang quốc lộ 2, qua huyện Tam Dương, Lập Thạch, Sông Lô (tỉnh Vĩnh Phúc) và huyện Phù Ninh (tỉnh Phú Thọ) đã thông xe. 

Nguy cơ chậm tiến độ ở những công trình giao thông khác

Không chỉ có mặt trong các dự án giao thông lớn, các công ty xây dựng của Trung Quốc còn góp mặt ở những công trình giao thông nhỏ khác của Việt Nam và hiện cũng đang có nguy cơ chậm tiến độ.

Việc xây dựng cầu Cao Lãnh là những ví dụ điển hình. Có tổng chiều dài 2.014,74m, dự án xây cầu Cao Lãnh bao gồm: phần cầu chính là cầu dây văng hai mặt phẳng dây, chiều dài nhịp chính 350m, chiều dài mỗi nhịp biên 150m. Đây là cây cầu thứ 2 sau cầu Mỹ Thuận bắc qua sông Tiền, thuộc địa phận thành phố Cao Lãnh và huyện Lấp Vò.

Liên danh nhà thầu xây dựng Tổng công ty Cầu đường Trung Quốc (CRBC) và Công ty Vinaconex E&C Việt Nam đã được Bộ Giao thông vận tải trao thầu xây dựng cầu Cao Lãnh và đường dẫn đầu cầu, thuộc Dự án Kết nối khu vực trung tâm Đồng bằng Mekong. Theo đó, liên danh nhà thầu đã được Bộ Giao thông vận tải tuyên bố trúng thầu với giá trúng thầu trên 3.000 tỷ đồng.

Theo hợp đồng, trong thời gian 43 tháng, nhà thầu có nhiệm vụ xây dựng hoàn thành cầu Cao Lãnh dài hơn 2km và đường dẫn hai đầu cầu. Cầu Cao Lãnh là cầu dây văng 2 mặt phẳng dây bắc qua sông Tiền, có quy mô 4 làn xe cơ giới và 2 làn xe thô sơ (giai đoạn hoàn chỉnh bố trí thành 6 làn xe cơ giới), vận tốc thiết kế 80km/h.

Hiện dự án này đang có nguy cơ bị chậm tiến độ do 8 hộ dân không chịu bàn giao mặt bằng và việc di dời hệ thống cáp chưa được tiến hành.

Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, hiện có 4 nhà thầu Trung Quốc thực hiện thi công các công trình tại Việt Nam có năng lực yếu kém, gồm: Công ty Hữu hạn Tập đoàn Cục 6 Đường sắt Trung Quốc; Công ty Xây dựng Quảng Tây; Tổng công ty cầu đường Trung Quốc; Công ty cổ phần hữu hạn viễn thông Trung Hưng (ZTE – Trung Quôc).
 
4 nhà thầu Trung Quốc yếu kém nằm trong tổng số 57 công ty có năng lực yếu kém được Bộ Giao thông vận tải chỉ ra cuối tháng 4 vừa qua.

Các tiêu chí đưa ra để xếp loại nhà thầu của Bộ GTVT được dựa trên khả năng huy động nhân sự và máy móc thiết bị; khả năng đáp ứng tiến độ tổng thể và chi tiết; đáp ứng chất lượng, an toàn lao động, an toàn giao thông, phòng chống cháy nổ; giải quyết các thủ tục thanh, quyết toán; thực hiện bảo hành công trình.

Điều đáng nói là cả 4 nhà thầu Trung Quốc yếu kém này đều đang đảm nhận rất nhiều các công trình giao thông trọng điểm và có vốn đầu tư lớn ở Việt Nam. 

Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc