Con đường trở thành “đầu gấu” lớp

17:50, 04/05/2014
|

(VnMedia) - Có rất nhiều lý do khiến một đứa trẻ thích đi bắt nạt những đứa trẻ khác, trong đó nguyên nhân từ gia đình đóng một vai trò rất quan trọng. Ngoài ra, những đứa trẻ từng bị bắt nạt có xu hướng đi bắt nạt những kẻ yếu hơn…

Ảnh minh họa



>>Tẩy chay, hình thức bắt nạt đáng sợ
>>Bắt nạt ở trường học: mầm mống của bạo lực

Con đường trở thành “đầu gấu” lớp

“Khi em học lớp 6, em rất gầy nhỏ và yếu. Có một anh học lớp trên thân hình to lớn không hiểu vì lý do gì mà thường chặn đường em, hôm thì trấn lột đồ dùng học tập hoặc tiền ăn sáng, hôm thì bạt tai đá đít. Em đã âm thầm chịud dựng và đến một ngày, hôm đó em đứng gần ao, đường thì vắng, anh ấy đi qua và cố tình xô em ngã xuống ao. Em không biết bơi và vùng vẫy kêu cứu nhưng anh ấy cứ đứng nhìn. Thật may mắn lúc đó có người đi qua, anh ấy liền nhảy xuống ao cứu em. Quá hoảng sợ, em kể lại sự việc nhưng mọi người không ai tin em, thậm chí còn cho là em bịa đặt, vô ơn, vu khống cho người tốt.” – một học sinh chia sẻ.
 
Nhưng điều đáng chú ý hơn, học sinh này cho biết, từ đó, em luôn sống trong lo sợ và căm ghét mọi người. Em bắt đầu đi bắt nạt các bạn yếu hơn.
 
Trong khi đó, Hòa là một học sinh lớp 7. Em sống khép mình, học hành sa sút và thường xuyên gây gổ với các bạn cùng lớp. Trong giờ kiểm tra môn toán, bạn ngồi cùng bàn không cho Hòa chép bài. Khi bị điểm kém, Hòa rất giận và xông vào đấm bạn. Từ đó, cả lớp sợ hãi và dần xa lánh Hòa.
 
Cảm nhận được thái độ của cả lớp, Hòa càng trở nên hung bạo, tìm cách lấn át mọi người. Dù một chuyện nhỏ nhặt như bạn vô tình cầm nhầm sách của em về nhà, hay ai chơi đùa mà va vào mình, em cũng trợn mắt, đưa nắm đấm ra dọa nạt. Hòa không bao giờ làm bài mà “giao nhiệm vụ” cho những bạn học khá phải làm hộ mình, trong khi các bạn đó không dám nói với cô giáo vì sợ bị trả thù.
 
Các thầy cô sau khi biết chuyện đã áp dụng nhiều biện pháp giáo dục khác nhau như phê bình, khiển trách, khuyên nhủ, động viên, mời phụ huynh lên trao đổi… Sau những lần như thế, Hòa tỏ ra hối hận, xin lỗi thầy cô bạn bè và hứa rằng không tái phạm nữa. Tuy nhiên, chỉ được một thời gian ngắn sau, Hòa lại trở nên ngang ngạnh, ương bướng hơn trước.
 
Không chỉ phá các bạn trong lớp, em còn phá cả các tiết học của thầy cô bộ môn. Không ít lần giáo viên bộ môn buộc phải yêu cầu em ra khỏi giờ học để không ảnh hưởng đến các bạn khác. Hòa dần trở thành một học sinh cá biệt mà thầy cô phải đau đầu.
 
Quá trình tìm hiểu của giáo viên chủ nhiệm cho thấy, Hòa đang phải chịu những vấn đề không ổn trong mối quan hệ của bố mẹ.
 
Trên đây chỉ là 2 ví dụ có thật cho thấy, khi một đứa trẻ đi bắt nạt đứa trẻ khác, không đơn giản là vì đó là đứa trẻ vốn đã hư hỏng mà có rất nhiều nguyên nhân gián tiếp.
 
Trẻ đi bắt nạt cũng cần được hỗ trợ
 
Theo các chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA), cần xác định trẻ đi bắt nạt cũng là đối tượng cần được giúp đỡ chứ không phải chỉ dừng lại ở các biện pháp kỷ luật, vì thường trẻ đi bắt nạt cũng có những vấn đề của riêng mình.
 
Trẻ có thể đang phải trải qua giai đoạn khó khăn, trẻ cũng có thể đã từng là người bị bắt nạt, hoặc trẻ cũng có thể không hiểu những hanh vi của mình gây tổn thương cho người khác.
 
Điều trước tiên cần làm, theo các chuyên gia, đó là khẳng định và thể hiện rõ với trẻ rằng hành vi bắt nạt bạn là không được phép, và không chấp nhận được. Sau đó, giúp trẻ nhận ra và hiểu rõ những tổn thương mà trẻ đã gây ra cho bạn bị bắt nạt. Đặt trẻ vào vị trí của người bị tung tin đồn, bêu xấu, đe dọa…, nếu trẻ im lặng và không có câu trả lời, có thể phân tích để trẻ hiểu các hậu quả từ hành vi bắt nạt đó.
 
Tiếp theo đó, cần giúp trẻ hiểu rằng bạn (bố mẹ, giáo viên…) ở đó là để hỗ trợ trẻ giải quyết các vấn đề mà trẻ đã gây ra, gips trẻ chịu trách nhiệm về các hành vi của mình và trên tất cả, bạn muốn giúp trẻ nhìn nhận lại các quan điểm và cách ứng xử trong quan hệ bạn bè ở trường.
 
Điều đặc biệt quan trọng là cần tìm hiểu nguyên nhân sâu xa dẫn tới hành vi của trẻ bắt nạt, ví dụ như trẻ muốn tập trung sự chú ý của mọi người, muốn khẳng định vai trò thủ l ĩnh, trẻ sống trong gia đình có bạo lực, trẻ đã từng bị xâm hại, hay có mâu thuẫn gì với trẻ bị bắt nạt…
 
Điều cần làm sau khi tìm hiểu nguyên nhân là yêu cầu trẻ chấm dứt ngay các hành vi bắt nạt, gỡ các hình ảnh, bình luận thiếu thiện chí trên các thông tin đã nói không đúng về bạn. Trẻ sẽ không được hoặc hạn chế sử dụng internet trong một thời gian. Giáo viên cần thảo luận với cha mẹ của trẻ để đảm bảo tính khả thi.
 
Sau khi thống nhất với trẻ về hình thức sửa chữa lỗi, giáo viên cần trao đổi với trẻ về việc sẽ đưa sự việc ra trong buổi họp lớp, tuy nhiên, sẽ không nhắc đến tên các nhân vật trong chuyện, chỉ cần để các bạn trong lớp biết hành vi như vậy là không được chấp nhận và sẽ phải chịu kỷ luật. Giáo viên cũng cần chuẩn bị tinh thần cho trẻ để trẻ có thái độ bình tĩnh, hợp tác trong quá trình giải quyết sự việc.
 
Tiếp theo, giáo viên nên trao đổi với trẻ về việc sẽ thông báo sự việc cho gia đình. Nên hỏi trẻ ai là người trẻ muốn thông báo nhất? vì sao? Với cách tìm hiểu này, giáo viên cũng sẽ hiểu thêm về hoàn cảnh, gia đình và các yếu tố tác động tới hành vi bắt nạt của trẻ.
 
Đặc biệt, cần lưu ý các phản ứng của gia đình trẻ bắt nạt khi được thông báo sự việc, thảo luận với gia đình về hình thức kỷ luật phù hợp, tránh việc gia đình trẻ sử dụng các hình thức bạo lực để trừng phạt trẻ.
 
Giúp trẻ phòng ngừa tái diễn hành vi bắt nạt
 
Có rất nhiều trường hợp, sau khi bị khiển trách, kỷ luật hoặc xin lỗi bạn, trẻ tỏ ra hối lỗi và hứa sẽ sửa chữa. Trẻ cũng có thể thực hiện được trong một thời gian ngắn nhưng sau đó lại tiếp diễn. Vì vậy, một bước rất quan trọng là phải giúp trẻ phòng ngừa tái diễn hành vi bắt nạt, trong đó vai trò của giáo viên là cực kỳ quan trọng.
 
Để làm điều đó, theo các chuyên gia của CSAGA, cần tiếp tục hỗ trợ trẻ bằng cách kịp thời động viên trẻ trong học tập cũng như quan tâm hơn tới các mối quan hệ bạn bè của trẻ trong lớp học. Có thể hướng dẫn trẻ các biện pháp quản lý cảm xúc nếu trẻ thuộc đối tượng có vấn đề về cảm xúc.
 
Cần thường xuyên theo dõi những thay đổi trong hành vi, thái độ và cách xư xử của trẻ để kịp thời hỗ trợ. Hướng trẻ tham gia vào nhiều hoạt động của lớp ở trường, động viên trẻ phát huy những khả năng của mình, khen ngợi động viên trẻ khi có tiến bộ.
 
Một lưu ý nữa là đối với trẻ học cấp 2, cấp 3, cần phối hợp với phụ huynh để quản lý thời gian trẻ sử dụng internet, hướng cho trẻ vào các trang web hay và có ích, phù hợp với lứa tuổi.
 
Để việc phòng ngừa tái diễn hành vi bắt nạt đạt hiệu quả cao, giáo viên cần làm việc với tập thể lớp, giúp các em hiểu hành vi không lên tiếng bảo vệ bạn cũng là việc ủng hộ, thừa nhận bắt nạt, là đang đẩy bạn bị bắt nạt vào những tổn thương không đáng có. Cần tổ chức một buổi họp lớp, giúp các em xây dựng môi trường an toàn.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc