Cần cấm nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng

15:39, 31/05/2014
|

(VnMedia) - Góp ý cho Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường, đa số đại biểu cho rằng việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng có nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường nên cần phải cấm…

Ảnh minh họa

Việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng gây ô nhiễm môi trường


Chiều 30/5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Bảo vệ môi trường. Theo Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội, quá trình lấy ý kiến của các đại biểu về dự thảo Luật cho thấy, việc nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng là một vấn đề cần đặc biệt quan tâm và quản lý chặt chẽ.

Theo đó, có ý kiến không thống nhất với nội dung quy định điểm b khoản 2 Điều 84 “Máy móc, thiết bị, phương tiện giao thông vận tải đã qua sử dụng để phá dỡ; Đối với tàu biển đã qua sử dụng, giao Chính phủ quy định cụ thể”.

“Thực tế việc phá dỡ tàu cũ là hoạt động gây ô nhiễm môi trường rất lớn, nếu cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ là sẽ mâu thuẫn với các quy định về hành vi cấm của điều Luật và phá hỏng mục đích của cả dự án Luật là bảo vệ môi trường” – vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường nhận định.

Thảo luận tại hội trường chiều 30/5, đại biểu tỉnh Thái Bình Đỗ Văn Vẻ cũng nhận định: “Hoạt động tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ có nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường không khác gì hoạt động nhập khẩu phế liệu. Do đó, cần có những quy định cụ thể hơn và xu hướng kiểm soát nhập khẩu tầu biển đã qua sử dụng để phá dỡ như đã quy định với nhập khẩu phế liệu đã đề xuất”.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến khác tán thành quy định cho phép nhập khẩu một số loại tàu đã qua sử dụng để phá dỡ vì mục đích kinh tế và giải quyết việc làm nhưng phải quy định điều kiện nghiêm ngặt để bảo vệ môi trường; đề nghị tách riêng thành một điều (hoặc khoản) và quy định theo hướng bảo vệ môi trường (BVMT) trong nhập khẩu phế liệu.

Cũng liên quan đến vấn đề BVMT trong nhập khẩu phế liệu, một số ý kiến thống nhất quy định BVMT trong nhập khẩu phế liệu trong dự thảo Luật, tán thành việc giao cho Chính phủ quy định điều kiện nhập khẩu phế liệu và danh mục các phế liệu được phép nhập khẩu, tránh tình trạng các doanh nghiệp trong nước nhập khẩu “rác phế liệu” như trong thời gian vừa qua. Ngoài ra, các đại biểu đề nghị quy định cụ thể hơn về nhóm phế liệu được phép nhập khẩu, quy chuẩn kỹ thuật môi trường đối với phế liệu được phép nhập khẩu, điều kiện để tổ chức, cá nhân được phép nhập khẩu, cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.  

Có ý kiến, đề nghị bổ sung quy định tổ chức, cá nhân trước khi nhập khẩu phế liệu phải ký quỹ đầu vào bảo đảm phế liệu nhập khẩu, qua kiểm tra nếu phế liệu nhập khẩu đáp ứng các quy chuẩn kỹ thuật môi trường thì cơ quan quản lý sẽ hoàn trả lại số tiền đã ký quỹ, nếu trong trường hợp không đảm bảo các điều kiện về môi trường, gây ảnh hưởng môi trường thì sẽ sử dụng số tiền đó vào việc khắc phục hậu quả.

Có ý kiến đề nghị xem xét lại quy định cho phép nhập khẩu phế liệu có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng về môi trường, tránh nguy cơ biến Việt Nam thành “bãi rác thải của thế giới”.

Các đại biểu cũng đề nghị quy định chi tiết thẩm quyền, trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp, lực lượng chuyên ngành trong quản lý hoạt động nhập khẩu phế liệu và quá trình hậu kiểm đối với phế liệu nhập khẩu vào Việt Nam.

Nhiều đại biểu đề nghị dự thảo Luật quy định cụ thể: Quy trình tái xuất phế liệu trong trường hợp không đáp ứng được các quy chuẩn kỹ thuật môi trường; cơ quan có trách nhiệm hướng dẫn, giám sát giải quyết vấn đề này. Trong khi đó, ý kiến khác cho rằng “phế liệu” thực chất là chất thải 100%, hầu hết các nước trên thế giới đều ban hành các quy định rất nghiêm ngặt, rất cụ thể đối với các loại chất thải “phế liệu” nhập khẩu, đặc biệt là thuộc nhóm kim loại và hợp kim, giấy, thủy tinh và nhựa. Ở nước ta, việc nhập khẩu “phế liệu” thời gian qua đã để lại những hậu quả rất xấu về mặt môi trường. Đề nghị nghiên cứu quy định nhằm hạn chế tối đa việc nhập phế liệu.

Đối với Điều 119 về trách nhiệm trong khắc phục ô nhiễm và phục hồi môi trường, có ý kiến cho rằng, việc dự thảo Luật chỉ giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn là chưa phù hợp và chưa bảo đảm sự phân cấp trong quản lý môi trường; đề nghị nghiên cứu phân cấp nhiệm vụ này cho UBND cấp huyện và cấp xã theo hướng: UBND cấp xã tổ chức điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn, hàng năm báo cáo UBND huyện để tổng hợp, công bố thông tin và báo cáo UBND cấp tỉnh; UBND huyện tổ chức điều tra, xác định khu vực môi trường bị ô nhiễm trên địa bàn, hàng năm báo cáo UBND tỉnh để tổng hợp, công bố thông tin và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường. 


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc