Biển Đông dậy sóng: Cách nào vượt khó khăn?

11:10, 26/05/2014
|

(VnMedia) - Trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội, đại biểu Cao Sĩ Kiêm đánh giá trong giai đoạn hiện nay và sắp tới, sẽ có những khó khăn cho nền kinh tế. Điều kiện để vượt qua là sự chủ động, cụ thể hoá, đồng lòng, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng…

Ảnh minh họa

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm: Điều kiện để vượt qua khó khăn là sự chủ động, cụ thể hoá, đồng lòng, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng - ảnh: Tuệ Khanh



- Báo cáo kinh tế xã hội năm 2013 và đầu năm 2014 đã có những kết quả khả quan nhất định. Liệu đây có phải là dấu hiệu lạc quan cho nền kinh tế không, thưa ông?

Đại biểu Cao Sĩ Kiêm: Báo cáo bổ sung 2013 và 4 tháng đầu năm 2014 đều cho thấy những dấu hiệu phục hồi rất rõ. Kết thúc năm 2013 so với dự kiến ban đầu, các kết quả đều tăng hơn. 4 tháng đầu năm, cũng tiến bộ tương đối nhiều, kể cả công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ. Lạm phát kiềm chế, tăng trưởng vẫn giữ được nhịp độ. Những yếu tố này tạo thuận lợi, là cơ sở cho việc thực hiện kế hoạch năm 2014

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có những rủi ro tiềm ẩn khó khăn mới mà chúng ta cần hết sức lưu ý trong những tháng còn lại. Ví dụ như nền kinh tế dù có tăng trưởng nhưng chưa nhanh và chưa đột phá, tiềm ẩn rủi ro lớn, nhất là tác động từ sự kiện biển Đông vừa qua. Ảnh hưởng này có thể tác động mạnh mẽ đến tăng trưởng và lạm phát trong những tháng còn lại của năm 2014.

Tình hình văn hoá xã hội đã có những tiến bộ, nhưng đang có những bộc lộ mới trong quản lý. Ví dụ như bệnh dịch sởi, sách giáo khoa, rút đăng cai ASIAD, vụ phá hoại trong các khu công nghiệp... Đó là những vấn đề xã hội đang nảy sinh mà biểu hiện chủ yếu là trong khâu quản lý. Cần chú ý tập trung chỉ đạo giải quyết kịp thời, tránh gây phân tâm trong dư luận, giảm động lực phấn đấu.

Thứ ba là tập trung vào thể chế rất tốt. Biểu hiện là đã có sự tập trung hoàn thiện nhiều luật, giải quyết những tồn tại để tiếp tục đưa nền kinh tế có bước phát triển mới, tự chủ mới. Tuy nhiên, khâu triển khai còn rất chậm. 

Về tái cơ cấu nền kinh tế, tuy đã bắt đầu thực hiện trong doanh nghiệp nhà nước và trong ngân hàng, nhưng những tồn tại về thể chế, về quy định giải quyết tồn tại… vẫn chưa được. Ví dụ vấn đề vốn, thoái vốn, nợ xấu, vấn đề tài sản tổn thất, công nhân thừa, vấn đề xử lý những đơn vị làm không tích cực, cố tình trì hoãn. Minh bạch hoá trong chỉ đạo điều hành.

Tình hình diễn biến nhanh chóng, nếu không có phương hướng kịp thời, cụ thể hoá, thì sẽ có việc dân chúng hoặc doanh nghiệp mất phương hướng, thiếu tập trung. Cho nên phải minh bạch hoá, giải thích, tuyên truyền để không xảy ra sự việc đáng tiếc.

Ví dụ trong những ngày qua, tình hình biển Đông diễn biến rất nhanh, có khuynh hướng tác động đến nền kinh tế, trước hết tác động đến giá vàng, giá USD, rất nhanh. Nhưng Ngân hàng Nhà nước đã có phản ứng kịp thời, công bố kịp thời rằng việc này không phải do cung cầu mà do tâm lý, tuyên bố sẵn sàng can thiệp trong điều kiện chúng ta hoàn toàn có thể có, thì tình hình đã được cải thiện, giảm rất nhanh. Đó là một kinh nghiệm trong điều hành, khi có diễn biến mới, chúng ta kịp thời giải thích minh bạch, hướng dẫn cho dân yên tâm, doanh nghiệp yên tâm, tạo nên động lực mới cho phát triển.

- Một trong những giải pháp chủ yếu tập trung điều hành trong những tháng còn lại là tiếp tục tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, tập trung xử lý nợ xấu, nâng chất lượng tín dụng. Với tốc độ cổ phần hóa, tái cơ cấu hiện nay, thì chúng ta đã đạt yêu cầu chưa thưa ông ?

Theo tôi, việc tái cơ cấu ngân hàng và những vấn đề kèm theo như giải quyết nợ xấu, thoái vốn thì chúng ta đã bắt đầu xới lên và định hướng tổng thể đã rõ. Nhưng việc giải quyết cụ  thể và điều kiện giải quyết thì chưa rõ. Hay việc giải quyết vốn cho nền kinh tế, vừa qua thanh khoản của các ngân hàng tốt hơn, nhưng chủ yếu dành cho mua trái phiếu Chính phủ, vốn dành cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh dịch vụ rất hạn chế. Cho nên chúng ta phải tìm cách đưa dòng vốn này sang sản xuất kinh doanh.

Thứ hai là những tồn tại, khó khăn về thể chế, ví dụ như điều kiện vốn để giải toả tài sản thế chấp cũng như nợ xấu hay vấn đề nhà ở trong gói 30.000 tỷ; điều kiện để thanh lý tài sản, giải quyết công nhân thừa; Giải quyết những vấn đề đất, điều kiện thoái vốn… Những điều kiện cụ thể đó chúng ta phải làm đều hơn, mạnh hơn, sát hơn, để có những đóng góp tốt hơn.

- Có ý kiến cho rằng những ưu đãi cho doanh nghiệp là cần thiết, nhưng cần thiết hơn là chúng ta tạo ra môi trường minh bạch về chính sách, một nền hành chính mang tính phục vụ. Quan điểm của ông về vấn đề này thế nào?

Chúng ta phải hiểu vấn đề ưu đãi cho doanh nghiệp là mở về thể chế, tạo quyền tự chủ, chứ không phải là dùng vốn nhà nước ưu đãi hoặc giải quyết kiểu hành chính. Vừa qua chúng ta đã bắt đầu giải quyết những thể chế, chính sách, tiền tệ, tài khoá, thương mại, đầu tư, theo nguyên tắc của kinh tế thị trường. Đó mới là những cốt lõi để chúng ta đạt được cho phát triển bền vững và phát triển lâu dài. Còn những cái có tính chất bao cấp, hành chính thì rất không nên, cần hạn chế tối đa để nền kinh tế phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế.

- Theo ông, tình hình biển Đông sẽ đặt ra những vấn đề gì cho nền kinh tế, ít nhất là từ nay đến cuối năm?

Tất nhiên sẽ ảnh hưởng theo mức độ của chúng ta về quan hệ, nhịp độ, diễn biến tình hình, trong vấn đề huy động vốn đầu tư nước ngoài, mở rộng thị trường. Sẽ có tác động khi tình hình diễn biến không thuận lợi cho chúng ta, đó là những cản trở. Tất nhiên chúng ta cũng có những biện pháp phòng ngừa, che chắn, để chủ động giải quyết vấn đề như chủ động xuất khẩu, giải quyết thị trường; Tập trung, khôi phục sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khu vực nông nghiệp nông thôn... Đây là những đóng góp cho nền kinh tế của chúng ta vượt qua khó khăn, phát triển bền

- Trong các báo cáo hiện nay chưa nêu rõ về những tình hình này, liệu chúng ta có cần phải đánh giá lại và bổ sung thêm các giải pháp cho tình hình mới ?

Tất nhiên những vấn đề này đang các tổ, đại biểu Quốc hội thảo luận góp ý. Tới đây, Thường vụ Quốc hội sẽ tập hợp, Chính phủ lắng nghe và sẽ có thể hiện những đóng góp này thành chương trình hành động cụ thể. Chắc chắn trí tuệ tập thể này sẽ đóng góp vào khả năng chuyển biến, điều hành quản lý sẽ tốt hơn trong thời gian tới.

- Giao thương với Trung Quốc là thị trường lớn của Việt Nam. Vậy theo ông, tình hình hiện nay sẽ có ảnh hưởng bất lợi đến Việt Nam như thế nào?

Đây là thị trường xuất nhập khẩu lớn của Việt Nam về vật tư, nông sản, thiết bị công nghệ…  Vì thế nếu xảy ra những vấn đề thì phải có điều chỉnh, có phương án xử lý, tất nhiên là sẽ rất khó khăn. Thị trường của chúng ta đang ổn định, Khi chuyển hướng, điều chỉnh thì cần phải có thời gian xử lý, có thể sẽ có những trục trặc... Nhưng chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua. Điều kiện để vượt qua là sự chủ động, cụ thể hoá, đồng lòng, thực hiện nghiêm túc chủ trương, đường lối của Đảng.
 
- Xin cảm ơn ông.


Tuệ Khanh - (bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc