Bản lĩnh doanh nghiệp Việt trước sóng biển Đông

12:27, 24/05/2014
|

(VnMedia) - “Trong tình hình hiện nay, các doanh nghiệp trong nước thể hiện được bản lĩnh kinh doanh bằng cách sản xuất ra những mặt hàng có thương hiệu riêng, đủ sức cạnh tranh bằng giá thành,  chất lượng chính là thể hiện lòng yêu nước. - đại biểu Lê Thanh Vân nói.


Ảnh minh họa

Đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Dương)

 

Trao đổi với báo chí xung quanh những khó khăn của các doanh nghiệp trong nước ở thời điểm hiện tại cũng như thời gian sắp tới, khi mà tình hình căng thẳng trên biển Đông đang diễn biến hết sức phức tạp, bên lề Quốc hội ngày 23/5, đại biểu Lê Thanh Vân (Hải Dương) cho rằng, chính trong thời điểm khó khăn này, các doanh nghiệp Việt Nam phải thể hiện bản lĩnh kinh doanh của mình. Muốn như vậy, phải đổi mới tư duy về quản lý và kinh doanh.

 

“Phải làm sao sản xuất ra những mặt hàng có thương hiệu riêng của mình, đủ sức cạnh tranh bằng giá thành, bằng chất lượng. Muốn vậy phải tiếp cận công nghệ hiện đại, không trông chờ, dựa dẫm vào công nghệ Trung Quốc. Nếu cần thiết thì nhà nước hỗ trợ bằng chính sách thuế, chính sách tín dụng… Phải bằng cách nào đó để doanh nghiệp nhận ra điều đó” – đại biểu Lê Thanh Vân gợi ý.

 

Nói về trách nhiệm của các doanh nghiệp đối với đất nước trong tình hình khó khăn hiện nay, đại biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh: “Trước thách thức trong đầu tư hiện nay, các doanh nghiệp trong nước thể hiện bản lĩnh kinh doanh là thể hiện lòng yêu nước. Thể hiện bản lĩnh kinh doanh chính là tìm được công nghệ, tìm được mặt hàng để sản xuất ra với giá cả hợp lý có chất lượng đủ sức cạnh tranh.”

 

Theo đại biểu Lê Thành Vân, việc xác định được trật tự thị trường với chiếm lĩnh hàng hóa trong nước chính là yêu nước.

 

“Chúng ta không thể hô hào là người Việt Nam dùng hàng Việt Nam khi mà hàng Việt Nam không đủ sức cạnh tranh, chất lượng thấp, giá cả cao. Cho nên, chính cộng đồng doanh nghiệp phải biết nhìn nhận điều này, phải biết chia sẻ với nhau, đừng có chộp giật, đừng có lấn lướt nhau, phải biết nhường sân nhau.” Địa biểu Lê Thanh Vân nhấn mạnh.

 

Theo ông, điều đầu tiên cần làm là người Việt Nam trước hết phải biết đùm bọc nhau trong sản xuất kinh doanh. “Kinh tế thị trường như một chiến trường. Nếu chúng ta xông pha lên đồng loạt mà không nhìn trước nhìn sau thì sẽ bắn nhầm vào nhau. Cho nên, các doanh nghiệp cũng vậy.” – Phó bí thư tỉnh ủy Hải Dương nói.

 

Theo ông Vân, bổn phận của nhà nước là thông tin thị trường một cách mạch lạc, định hướng để các doanh nghiệp chia sẻ lẫn nhau. Khi một doanh nghiệp kinh doanh, sản xuất có lợi nhuận, có thu nhập cao, khẳng định vị thế thì các doanh nghiệp khác không nên cạnh tranh lấn lướt.

 

“Đương nhiên, để tạo ra một doanh nghiệp làm ăn có lãi trong một lĩnh vực nào đó thì dễ tạo ra độc quyền thống lĩnh thị trường, nhưng sự cạnh tranh phải ở mức độ vừa phải, lành mạnh để làm những cú hích cho các doanh nghiệp đang lợi thế vươn lên. Nếu chúng ta vì một cái lợi trong một lĩnh vực nào đó mà lao vào sản xuất thì vô tình chúng ta hại lẫn chúng ta, triệt tiêu động lực cạnh tranh lành mạnh” – đại biểu tỉnh Hải Dương phân tích.

 

Theo đại biểu Vân, C hính phủ cần phải giúp đỡ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn bằng chính sách thuế, chính sách tín dụng hợp lý, đặc biệt là giúp cho doanh nghiệp tháo gỡ “cục máu đông” nợ xấu, nợ đọng…

“Đây chính là lúc chúng ta tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam lột xác, chiếm lĩnh thị trường, đủ sức phát triển kinh tế để lo nhiều chuyện quốc gia đại sự. Đấy chính là bài toán lâu dài. Trước hết, đó là tăng khả năng tiếp cận vốn và định hướng cho doanh nghiệp trong nước phải tự đi lên bằng đôi chân của mình, chiếm lĩnh thị trường trong nước và vươn ra thế giới. Nếu bây giờ chúng ta lệ thuộc vào nguyên liệu, vào công nghệ thì chúng ta sẽ lệ thuộc vào doanh số, vào giá cả. Họ ép chúng ta tăng thì chúng tăng, ép chúng ta giảm thì chúng ta giảm, chúng ta không chủ động được về kinh tế thì chúng ta sẽ không chủ động được nhiều vấn đề khác.” – Phó Bí thư tỉnh ủy Hải Dương khẳng định.

 

Cũng cùng quan điểm với đại biểu tỉnh Hải Dương, trao đổi với báo chí, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, thời điểm này cũng là cơ hội để chúng ta rà soát lại để tránh sự lệ thuộc về mặt kinh tế đối với Trung Quốc vì chiến lược của Trung Quốc, bước đi của Trung Quốc là một tiến trình lâu dài và có tính toán, có kế hoạch, có sự chuẩn bị.


Ngọc Quỳnh - (Bài, ảnh)

Ý kiến bạn đọc