Bác Hồ và chủ quyền biển đảo thiêng liêng

08:30, 19/05/2014
|

Nhân kỷ niệm 124 năm ngày sinh Hồ Chủ tịch, VnMedia xin giới thiệu bài viết của tác giả Nguyễn Thị Thắng - cán bộ bảo tàng Hồ Chí Minh. Trong những ngày Trung Quốc đang ngang nhiên hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam, bài viết sẽ đem lại cho người đọc nhiều vấn đề đáng để suy ngẫm. 

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh rất quan tâm đến biển đảo và dành nhiều tình cảm cho nhân dân vùng biển đảo và lực lượng vũ trang nhân dân bảo vệ biển đảo của Tổ Quốc. Sự quan tâm và tình cảm đó được thể hiện qua từng bài viết, từng lời căn dặn của Người khi đến thăm các địa phương hay các đơn vị Hải quân.

Trong 15 tập sách Hồ Chí Minh toàn tập do Nxb Chính trị Quốc gia- Sự thật xuất bản năm 2011 đã lưu lại hàng trăm bức thư, bài viết, bài nói chuyện của Hồ Chí Minh dành cho quân dân vùng biển. 

Ngay từ những ngày đầu Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước, Người đã chọn phương tiện đường thủy. Đường biển là nhanh nhất và duy nhất lúc đó có thể giúp Người thực hiện ước mơ của mình. Nhờ việc “làm công” trên những con tầu buôn nước ngoài, Người đã đi năm châu, bốn biển để tiếp thu văn minh thế giới mỗi khi tầu cập bến và đã tìm được con đường cứu nước cho dân tộc. Đến mỗi quốc gia, Người đều có cảm nhận vẻ đẹp thiên nhiên của biển rất khác nhau, nhưng lúc nào Người cũng tự hào về bờ biển Việt Nam - Tổ quốc thân yêu của mình.   Biển đảo là một bộ phận lãnh thổ thiêng liêng của Việt Nam, có tầm quan trọng đặc biệt trong xây dựng và phát triển đất nước.  Bởi vậy, hơn ai hết Hồ Chí Minh không những hiểu tầm quan trọng của biển đảo mà Người còn có tầm nhìn và tư duy chiến lược về vấn đề khẳng định chủ quyền, biển đảo Tổ quốc.

Ngày 18/10/1946, sau chuyến thăm nước Cộng hòa Pháp trở về nước trên tàu Đuymông Đuyếcvin tại Vịnh Cam Ranh (Nha Trang), Hồ Chí Minh hội kiến với Cao ủy Pháp D’Argenlieu. Khi D’Argenlieu nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “Người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã yêu quí mến tặng Napoleon cái tên “Người đội trưởng nhỏ”. Hồ Chí Minh đáp: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”. Với tài ứng phó, dí dỏm thông minh, Người đã khẳng định chủ quyền dân tộc nói chung và chủ quyền biển đảo nói riêng. 

Hồ Chí Minh đã nhiều lần đưa những bạn bè quốc tế đến thăm nhiều biển đảo Việt Nam như một cách giới thiệu vẻ đẹp của đất nước mình với thế giới và đồng thời khẳng định chủ quyền vùng biển đảo Tổ quốc.

Tháng 10/1957, khi đến thăm Quảng Ninh, đứng trước vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long Người nói: “Cảnh đẹp một người không thể truyền lại cho nhiều người. Tất cả các chú phải cùng Bác thưởng thức”. 

Lần khác, khi đến thăm Quảng Ninh, Hồ Chí Minh hỏi đồng chí Chủ tịch tỉnh Quảng Ninh: “Chú có muốn làm giàu kiếm nhiều đô la không?” Vị lãnh đạo tỉnh còn chưa kịp hiểu ý, thì Người đã nói tiếp: “Chú dùng trực thăng, sáng chở khách ra đảo chơi, tối chở họ về thì tha hồ mà hốt bạc”. 

Cách chúng ta hơn nửa thế kỷ, Người đã nhìn thấy vai trò kinh tế biển đảo thật sớm của Vịnh Hạ Long và cách thu được lợi nhuận từ “ngành công nghiệp không khói”. Người đã nhiều lần thăm đảo Cô Tô và đây là nơi duy nhất và đầu tiên đồng ý cho phép dựng tượng đài khi Người còn sống. Tượng đài Hồ Chí Minh đứng uy nghiêm, lưng tựa vào núi, tay phải giơ cao vẫy chào, mắt nhìn ra biển Đông. Việc Hồ Chí Minh đồng ý xây tượng đài mình trên đảo Cô Tô có lẽ cũng đã thể hiện tầm nhìn chiến lược về khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam của vị lãnh tụ thiên tài của dân tộc.

Ngày 10/4/1956, khi nói chuyện tai Hội nghị cán bộ cải cách miền biển, Hồ Chí Minh đã nói: “Đồng bằng là nhà, mà biển là cửa. Giữ nhà mà không giữ cửa có được không? Kẻ gian tế nó sẽ vào chỗ nào trước? Nó vào ở cửa trước. Vì vậy ta phải giáo dục cho đồng bào biết bảo vệ bờ biển. Vì bọn địch thường thả bọn mật thám, gián điệp vào tìm chỗ nấp ở miền biển. Nếu để nó lọt vào, thì người bị thiệt hại trước là đồng bào miền biển. Nếu mình không lo bảo vệ miền biển, thì đánh cá, làm muối cũng không yên. Cho nên một nhiệm vụ quan trọng của đồng bào miền biển là phải bảo vệ bờ biển. Đồng bào miền biển là người canh cửa cho Tổ quốc” (Ngày 31/3/1959, Hồ Chí Minh đến thăm làng cá Cát Bà (Hải Phòng). 

Ảnh minh họa

Bác Hồ trong chuyến ra đảo Cô Tô



Khi nói chuyện với bà con ngư dân ở đây, Người khẳng định: “Biển bạc của ta do dân ta làm chủ... cán bộ phải lo cho đời sống của nhân dân”. Theo Người, “làm chủ” là bảo vệ và khai thác các nguồn lợi từ biển, làm chủ tiềm năng của biển để phục vụ cho công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và nâng cao đời sống cho nhân dân. Vì quan tâm nhiều về biển đảo quê hương nên đã nhiều lần Hồ Chí Minh đến thăm nhân dân các địa phương: Đồ Sơn (Hải Phòng), Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Sầm Sơn (Thanh Hóa), Quảng Bình. Người đã tới các đảo: Đảo Tuần Châu, Đảo Hòn Rồng, Đảo Cồn Cỏ, Đảo Cô Tô, Đảo Vạn Hoa, Đảo Bạch Long Vĩ… Hồ Chí Minh đã dành tình cảm đến thăm và chúc Tết chiến sĩ, bà con ngư dân miền biển. Hình ảnh của Hồ Chí Minh như một ngư dân thực thụ cùng kéo lưới với bà con vùng biển Sầm Sơn Thanh Hóa làm chúng ta vô cùng xúc động. Người cũng đã cùng bà con ở đảo Cô Tô thu hoạch khoai lang… 

Hồ Chí Minh đã tặng huy hiệu của Người cho nhiều tấm gương ưu tú của quân dân biển đảo đã luôn bám biển ra khơi để sản xuất và canh giữ biển đảo Tổ quốc. Sự quan tâm của Người đã là nguồn động viên để quân dân vùng biển vượt qua khó khăn để xây dựng và bảo vệ quê hương. 

Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm và dành tình cảm đến lực lượng vũ trang bảo vệ chủ quyền biển đảo nhất là Hải quân. Khi đến thăm các đơn vị Hải quân, Người tâm sự: “Là chiến sĩ Hải quân, các chú phải biết yêu quí đảo như nhà mình, chịu khó cải tạo xây dựng thành những mảnh đất vừa giầu, vừa đẹp, vừa có lợi cho mình, vừa có ích cho đất nước”. 

Ngày 16/3/1961, Hồ Chí Minh cùng bà Đặng Dĩnh Siêu, trưởng đoàn Phụ nữ Trung Quốc đi thăm Hải Phòng, Vịnh Hạ Long và thăm đơn vị Hải quân Việt Nam. Người đã căn dặn: “Bờ biển nước ta có vị trí rất quan trọng. Vì vậy nhiệm vụ của Hải quân trước mắt cũng như lâu dài rất nặng nề nhưng rất vẻ vang. Phải biết tìm cách đánh phù hợp với điều kiện con người, địa hình bờ biển nước ta và vũ khí trang bị mình có. Hải quân ta phải học tập kinh nghiệm chiến đấu hiện đại nhưng không được quên truyền thống đánh giặc xa xưa của tổ tiên” (Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử.Nxb. Chính trị Quốc gia, năm 2008.T.8, tr:46) 

Khi cùng các cán bộ, chiến sĩ quân chủng hải quân vào thăm Hang Đầu Gỗ, một “công binh xưởng” xưa kia quân của Trần Hưng Đạo làm cọc cắm trên sông Bạch Đằng chống quân Nguyên. Hồ Chí Minh xúc động nói: “Ngày trước ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời, có biển. Bờ biển ta dài tươi đẹp, ta phải biết giữ gìn lấy nó”. 

Tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được   Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng là biện pháp hữu hiệu góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ. Điều này cũng nằm trong chính sách đối ngoại chung của Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhiều lần nêu rõ: Việt Nam muốn làm bạn với các nước dân chủ, không muốn gây thù oán với bất cứ ai. 

Hồ Chí Minh sớm quan tâm đến vấn đề xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Người cho rằng việc này có ý nghĩa vô cùng quan trọng không những làm triệt tiêu các mầm mống, điều kiện có thể nảy sinh các vi phạm chủ quyền biên giới của nhau, củng cố vững chắc “phiên dậu”; Bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới “từ xa” mà còn tạo cơ sở, điều kiện xây dựng tình hữu nghị giữa các dân tộc. Trong nhiều bài viết, bài nói, Người hay sử dụng các cụm từ “đặc biệt”, “lâu đời”, “khăng khít”, “như anh em ruột thịt”, “như răng với môi”… để nói về quan hệ với các nước chung đường biên giới.

Ảnh minh họa

Bác Hồ trong chuyến ra đảo Titop

Chúng ta hãy tự hào với “Đoàn tàu không số” của “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Quân dân ta đã kiên cường, dũng cảm, sáng tạo mở tuyến, vận chuyển chi viện cho miền Nam, giải phóng các đảo và quần đảo Trường Sa, góp phần giành thắng lợi trọn vẹn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. 

“Đường Hồ Chí Minh trên biển” đã trở thành huyền thoại: Đó chính là việc huy động được lòng dân. Có một trận tuyến lòng dân đưa đón những con tầu không số. Chúng ta tự hào và nói với mọi thế lực xâm lược: Có một cuộc chiến tranh nhân dân đánh thắng một cuộc chiến tranh hiện đại đầy đủ theo đúng nghĩa trên biển Việt Nam trong những năm giữa thế kỷ XX. Chiến tranh hiện đại hôm nay vẫn chưa bỏ qua được những kinh nghiệm lịch sử này. Trước tình hình hòa bình, ổn định Biển Đông đang bị đe dọa nghiêm trọng. Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam hãy đọc lại Hồ Chí Minh để làm tốt hơn nữa những công việc hôm nay, chúng ta có thể tìm thấy nhiều lời chỉ dẫn của Người. 

Trong ngày thành lập lực lượng Công an vũ trang - nay là Bộ đội Biên Phòng (3/1959) Hồ Chí Minh chỉ thị: “Chống bọn xâm lược và bọn phá hoại là công việc của bộ đội, của công an nói riêng và toàn dân nói chung; Làm nhiệm vụ mà quân đội và công an phải dựa vào dân mới hoàn thành tốt…Khi tổ chức được dân, đoàn kết được dân thì việc gì cũng làm được” (Hồ Chí Minh toàn tập.Nxb.CTQG,2011, T12,tr:154). 

Các chiến sỹ và nhân dân trên các hải đảo Việt Nam hãy mãi ghi lời nói của Hồ Chí Minh năm 1961: “Thủ đô Hà Nội tuy cách xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào đoàn kết cố gắng và tiến bộ”’ (Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia- Sự thật. 2011,T.10, tr:309). Chúng ta hãy bình tĩnh, đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ Việt Nam và sự ủng hộ của nhân dân thế giới, nhất định chúng ta sẽ giữ vững độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.


(GTVT)

Ý kiến bạn đọc