(VnMedia) - Trong tuyên bố 6 điểm mà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận năm 2011, có một thỏa thuận thể hiện tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc được gói gọn trong một thuật ngữ “16 chữ và 4 tốt”. Nhưng Trung Quốc đã tráo trở khi hạ đặt giàn khoan trong thềm lục địa và đặc quyền kinh tế của Việt Nam…
Sáng nay (13/5), tại cuộc họp chia sẻ thông tin về tình hình Biển Đông do Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tổ chức, TS Nguyễn Thị Lan Anh, Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao đã có bài trinh bày “Biển Đông và góc nhìn luật pháp quốc tế.”
Sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan 981 vào vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hai bên đều có những lập luận khác nhau. Trong khi Việt Nam khẳng định đây là một vụ vi phạm quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam thì phía Trung Quốc lập luận rằng đây là một hoạt động bình thường, diễn ra trên vùng biển của Trung Quốc.
Trong bài trình bày của mình, TS Nguyễn Thị Lan Anh đã lập luận dựa trên cơ sở khách quan của luật pháp quốc tế để chứng minh những hành vi sai trái của phía Trung Quốc, với 6 luận điểm chính, được minh chứng bằng những điều khoản có liên quan của luật pháp quốc tế. Đó là 3 văn bản: Công ước của Liên hiệp quốc về Luật Biển năm 1982, Hiến chương của Liên hiệp quốc và những văn kiện khác có liên quan.
TS Nguyễn Thị Lan Anh tại buổi tọa đàm - ảnh: Tuệ Khanh |
Thứ nhất, TS Nguyễn Thị Lan Anh đã chứng minh, vị trí hạ đặt giàn khoan 981 của Trung Quốc nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Điểm này cách điểm cơ sở là Đảo Lý Sơn của Việt Nam 119 hải lý và cách điểm cơ sở bên ngoài 200 hải lý là 80 hải lý, cách đảo Chi Tôn là một đảo gần nhất của quần đảo HoàngSa 17 hải lý và cách xa đảo Hải Nam hơn 180 hải lý.
“Theo quy định của công ước Luật Biển, tại điều 57 quy định, chiều rộng của vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển sẽ không vượt quá 200 hải lý, đồng thời tại điều 76 của công ước Luật Biển quy định rằng, một trong những cách lựa chọn để xác định thềm lục địa của một quốc gia ven biển thì tối thiểu là 200 hải lý. Còn 3 cách xác định khác đều lớn hơn 200 hải lý, đó là rìa ngoài của thềm lục địa tự nhiên,; 350 hải lý kể từ đường cơ sở và 100 hải lý kể từ đường đẳng sâu 2.500m. Theo cả 4 cách xác định thềm lục địa như vậy thì 200 hải lý là cách xác định nhỏ nhất. Nếu chiểu theo 200 hải lý thì rõ ràng, vị trí đặt giàn khoan của Trung Quốc nằm sâu trong thềm lục địa của Việt Nam.” – TS Nguyễn Thị Lan Anh giải thích rõ.
Luận điểm thứ 2 được TS Nguyễn Thị Lan Anh đưa ra, đó là luận điểm của Trung Quốc qua người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng vị trí đặt giàn khoan 981 là vùng biển Tây Sa của Trung Quốc. Tuy nhiên trên thực tế, Tây Sa là tên mà Trung Quốc đặt cho vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam mà Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý về chủ quyền từ thế kỷ 17 qua những hoạt động chiếm hữu thực sự của các đời vua Nguyễn. Các hoạt động này cũng được thực thi một cách liên tục một cách hòa bình trong những phản đối cho đến tận ngày hôm nay.
Bà Lan Anh dẫn chứng: Trung Quốc đã tiến hành chiếm đóng bất hợp pháp tại Hoàng Sa qua sự kiện sử dụng vũ lực năm 1974, trong khi trước đó, năm 1945, sau chiến tranh thế giới lần thứ 2, Hiến chương LHQ đã ra đời với mục tiêu để duy trì hòa bình, ổn định trên thế giới, trong đó quy định rằng hòa bình giải quyết tranh chấp là một nghĩa vụ bắt buộc của các quốc gia thành viên. Các quốc gia thành viên không được đe dọa sử dụng vũ lực và sử dụng vũ lực.
Trung Quốc đã là thành viên của LHQ, năm 1974 là năm mà Hiến chương LHQ có hiệu lực, và hành động chiếm đóng trái phép Hoàng Sa của Việt Nam là hành động vi phạm trắng trợn Hiến chương LHQ, không thể thiết lập cho Trung Quốc một chủ quyền hợp pháp ở Hoàng Sa.
“Hơn nữa, vùng biển ở quanh Hoàng Sa cũng không thể mở rộng đến 200 hải lý, bởi vì đảo Chi Tôn chỉ là một cồn cát, và theo quy định của điều 121 của Công ước Luật Biển của LHQ, một cồn cát nhỏ như vậy không có thềm lục địa riêng. Phạm vi 17 hải lý kể từ đảo Chi Tôn đã nằm ngoài phạm vi vùng biển của quần đảo Hoàng Sa.” – TS Nguyễn Thị Lan Anh phân tích.
Luận điểm thứ 3, theo TS Lan Anh, Trung Quốc đã vi phạm các nguyên tắc cơ bản của LHQ, đó là quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.
Theo đó, Điều 76 và điều 56 của Công ước Luật Biển 1982 đều có quy định chung về quyền chủ quyền và quyền tài phán của một quốc gia ven biển với vùng đặc quyền kinh tế trong thềm lục địa của mình. Theo đó, các quốc gia ven biển sẽ có quyền chủ quyền đối với tài nguyên thiên nhiên. Việc hạ đặt giàn khoan nhằm mục đích khai thác tài nguyên thiên nhiên gắn liền với đáy biển của thềm lục địa và nằm hoàn toàn trong tài nguyên thiên nhiên thuộc quyền chủ quyền của quốc gia ven biển, đó là Việt Nam. Quyền tài phán của quốc gia ven biển là quyền được cấp phép, cho phép các quốc gia khác lắp đặt xây dựng các đảo, công trình trên biển. Giàn khoan 981 được Trung Quốc đưa vào mà không được phép của Việt Nam là vi phạm quyền tài phán của Việt Nam.
Trong Công ước, điều 81 cũng nói rằng, mọi hoạt động tiến hành khoan, thăm dò hay bất kỳ mục đích gì trên thềm lục địa phải có sự cho phép của quốc gia ven biển, nhưng Việt Nam chưa hề cho phép Trung Quốc tiến hành các hoạt động như vậy.
Luận điểm thứ 4, đó là không chỉ vi phạm luật biển 1982 của LHQ, nguyên tắc cơ bản của quốc tế chỉ ra rằng, các quốc gia có nghĩa vụ sử dụng các biện pháp hòa bình để giải quyết tranh chấp nhưng Trung Quốc đã vi phạm nguyên tắc này.
Thứ 5, Trung Quốc vi phạm quyền tự do hàng hải, đe dọa an ninh, an toàn hàng hải, hàng không trong khu vực của Việt Nam nói riêng và nói chung trong khu vực của Biển Đông.
“Vào ngày 5/5/2014, Cục Hải sự của Trung Quốc đã ra thông báo 14034, ngoài việc thông báo giàn khoan 981 sẽ tiến hành các tác nghiệp tại vị trí nói trên, Trung Quốc còn nói rõ rằng, trong phạm vi 3 hải lý, tàu thuyền cấm đi vào.Trước đó, Cục này cũng có thông báo thứ nhất, phạm vi cấm tàu thuyền là 1 hải lý. Tuy nhiên, đó chưa phải là giới hạn cuối cùng. Khi tàu của Việt Nam chỉ mới tiếp cận đến khoảng cách giàn khoan 981 từ 7 – 10 hải lý thì các tàu của Trung quốc đã tiến hành đe dọa tấn công. Như vậy, hành động này cũng có thể xảy ra với các tàu quốc tế khác đi ngang qua vùng biển này. Đây là hành vi phạm tự do hàng hải, một quyền đã được công ước Luật Biển 1982 ghi nhận tại điều 58 và 78. Theo đó, một quốc gia chỉ được phép thiết lập một vùng an toàn tối đa là 500m.” – TS Nguyễn Thị Lan Anh chỉ rõ và thêm rằng, công ước về chống đâm va, đảm bảo an toàn quốc tế theo công ước Colreg cũng bị Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng trong cách hành xử những ngày vừa qua.
Tất cả những lời nói tốt đẹp của Trung Quốc đã nhanh chóng bị xóa nhòa chỉ bằng một hành vi đơn phương khiêu khích trên thực địa, hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng biển thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam |
Hành vi tráo trở
Luận điểm cuối cùng đặc biệt quan trọng được TS Nguyễn Thị Lan Anh đưa ra để phân tích về hành động của Trung Quốc, đó là bằng hành động của mình, người hàng xóm của Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng cam kết về ứng xử trên Biển Đông giữa Trung Quốc và các quốc gia ASEAN và vi phạm thỏa thuận cấp cao giữa Việt Nam và Trung Quốc, đi lại ngược lại lời nói của mình.
“Trong nội dung của DOC, trước hết thể hiện cam kết không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; kiểm chế, không leo thang tranh chấp, không chiếm đóng mới và phải giải quyết bất đồng theo tinh thần xây dựng. Nhưng trong khi Việt Nam đã hết sức kiềm chế để giữ nguyên trạng tình hình Biển Đông để đảm bảo hòa bình ổn định trên Biển Đông thì Trung Quốc đã làm ngược lại, leo thang tranh chấp mới bằng việc hạ đặt giàn khoan làm thay đổi nguyên trạng theo hướng có lợi cho mình.” Bà Lan Anh nói.
Phó trưởng khoa Luật Quốc tế, Học viện Ngoại giao cũng chỉ ra rằng, trong tuyên bố 6 điểm mà lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Trung Quốc đã ký thỏa thuận năm 2011, có một thỏa thuận thể hiện tình hữu nghị đặc biệt giữa Việt Nam và Trung Quốc được gói gọn trong một thuật ngữ “16 chữ và 4 tốt”: đó là: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai; Láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt và đối tác tốt.
“Không kể 16 chữ và 4 tốt đó thì một cách hành xử văn minh trong quan hệ quốc tế giữa hai quốc gia láng giềng cũng không thể dùng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực, không thể vi phạm nguyên tắc hòa bình giải quyết tranh chấp. Đây là sự đi ngược lại những gì đã cam kết trong tuyên bố của lãnh đạo cấp cao. Trong tuyên bố đó, Trung Quốc đã tuyên bố rằng, Trung Quốc sẽ tôn trọng luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp cùng với Việt Nam dựa trên Công ước Luật Biển và tuân thủ tuyên bố của các bên về ứng xử ở Biển Đông. Tuy nhiên, tất cả những lời nói này đã nhanh chóng bị xóa nhòa chỉ bằng một hành vi đơn phương khiêu khích trên thực địa, hạ đặt giàn khoan 981 trong vùng biển thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam.” – TS Nguyễn Thị Lan Anh nói.
Sau bài trình bày của TS Nguyễn Thị Lan Anh, nhà phân tích quan hệ quốc tế, GS Lê Văn Cương khẳng định: Vùng biển mà Trung Quốc đang xâm phạm hoàn toàn không phải là vùng biển có tranh chấp. “Với tư cách là một công dân Việt Nam, tôi thành thật cám ơn các bạn quốc tế đã đến đây với tình cảm tốt đẹp đối với Việt Nam. Tôi xin khẳng định, toạ độ mà giàn khoan 981 mà Trung Quốc hạ đặt không có tranh chấp. Đây là nhà của chúng tôi. Người ta vào nhà và phá nhà của chúng tôi và hoàn toàn không có chuyện tranh chấp ở đó.” – GS Lê Văn Cương nhấn mạnh. |
Ý kiến bạn đọc