Trình Thủ tướng dự án xây sân bay Long Thành

14:13, 14/04/2014
|

(VnMedia) - Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa thống nhất cho phép chủ đầu tư được trình Thủ tướng Chính phủ báo cáo đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành để xem xét báo cáo Quốc hội vào tháng sau.

>>Bộ trưởng Đinh La Thăng: “Xây sân bay Long Thành là tất yếu”

>>Bộ Giao thông lý giải việc đề xuất xây sân bay Long Thành
 
Theo Cục Hàng không Việt Nam, quyết định trên được đưa ra sau khi 13/16 thành viên của Hội đồng bỏ phiếu tán thành, và báo cáo Thủ tướng kết quả thẩm định. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điểm mà chủ đầu tư là Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) vẫn chưa khiến Hội đồng thẩm định yên tâm.
 
Thứ nhất, báo cáo đầu tư chưa luận giải được những điều kiện, căn cứ để Cảng hàng không quốc tế Long Thành có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế.
 
Thứ hai, so với báo cáo giải trình cách đây 2 tháng, lần này chủ đầu tư đã rút gọn quy mô cảng Long Thành trong giai đoạn đầu xuống còn một đường cất hạ cánh và nhà ga với công suất 17 triệu khách mỗi năm. Thế nhưng, Hội đồng thẩm định chưa rõ lý do vì sao báo cáo lần này lại xác định quy mô giai đoạn một như vậy?.
 
Điểm băn khoăn thứ ba là về huy động vốn cho dự án.

 Ảnh minh họa

Phối cảnh một góc của Sân bay quốc tế Long Thành. Ảnh: Chinhphu 

Trước những băn khoăn, tồn tại nêu trên, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Hội đồng thẩm định kiến nghị, Thủ tướng giao Bộ Giao thông chỉ đạo Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam hoàn thiện những vấn đề còn quan ngại trước khi Bộ Giao thông thừa ủy quyền của Thủ tướng báo cáo Quốc hội. 

Theo quy hoạch đã được phê duyệt, quá trình đầu tư xây dựng CHKQT Long Thành dự kiến chia thành 3 giai đoạn: Giai đoạn 1 (đến năm 2020): với mục đích hình thành CHKQT công suất 25 triệu HK/năm, đưa vào khai thác nhằm hỗ trợ việc quá tải của CHKQT Tân Sơn Nhất. Giai đoạn 2 (đến năm 2030): nâng công suất CHKQT lên 50 triệu HK/năm theo nhu cầu phát triển khai thác hàng không. Giai đoạn 3 (sau năm 2030): nâng công suất CHKQT lên 100 triệu HK/năm và Long Thành trở thành CHKQT trung chuyển.
 
Nguồn vốn đầu tư thực hiện sẽ được gắn với các dự án đầu tư cụ thể, theo nguyên tắc Nhà nước chỉ đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư phần kết cấu hạ tầng không có khả năng thu hồi vốn đầu tư, khuyến kích đầu tư vào các hạng mục thành phần dịch vụ khai thác, có khả năng thu hồi vốn đầu tư.

Liên quan đến dự án này, trong một cuộc họp báo cáo Bộ Giao thông Vận tải mới đây, Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, mục tiêu của việc quy hoạch xây dựng HKQT Long Thành là xây dựng cảng hàng không quốc tế cấp F4, theo phân cấp của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), có công suất 100 triệu hành khách/năm với 5 triệu tấn hàng hóa/năm (khi hoàn thành toàn bộ các giai đoạn đầu tư theo quy hoạch được phê duyệt).

Dự kiến khi hoàn thành Cảng HKQT Long Thành sẽ là một trong những trung tâm trung chuyển vận tải hàng không trong khu vực Đông Nam Á. Dự án cũng sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải hàng không khi Cảng HKQT Tân Sơn Nhất đạt công suất thiết kế và trở nên quá tải.

Tại cuộc họp, lý giải về nhu cầu đầu tư của dự án, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Lại Xuân Thanh cho rằng, Việt Nam cần có cảng hàng không lớn để cạnh tranh điểm đến với các trung tâm trong khu vực.

Hiện nay, các cảng hàng không trong khu vực đều quy hoạch 100 triệu hành khách/năm. Bên cạnh đó, vấn đề tự do hóa trong ASEAN làm cho việc cạnh tranh điểm đến lại càng khốc liệt hơn. Trong khi hầu hết các hãng hàng không lớn bay đến Việt Nam đều bay qua điểm trung chuyển rồi mới đến Việt Nam…

Ông Thanh nhấn mạnh, cùng với việc so sánh các phương án khác thì việc lựa chọn xây dựng Cảng HKQT Long Thành vừa là chiến lược vừa là không có phương án nào khác.

Còn Thứ trưởng Phạm Quý Tiêu thì cho rằng, nếu có mở rộng sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất để khai thác 25 triệu hành khách/năm nhưng cũng không thể khai thác vượt 35 - 40 triệu hành khách/năm do các nguyên nhân liên quan đến đường hạ cất cánh, trên bầu trời, sân bay chỉ cách trung tâm TP. Hồ Chí Minh chỉ có 6 - 7km và các vấn đề về kết nối giao thông.


Vạn Xuân

Ý kiến bạn đọc