Loại bỏ giấy tờ công dân: Cần có lộ trình

21:09, 24/04/2014
|

(VnMedia) - Sau khi thẩm tra Dự án Luật hộ tịch, Ủy ban Pháp luật đề nghị việc loại bỏ ngay lập tức các loại giấy tờ công dân cần phải có lộ trình và kết quả thực tế của việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư…


Ảnh minh họa

Việc loại bỏ ngay lập tức các loại giấy tờ công dân cần phải có lộ trình và kết quả thực tế của việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư

 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về Dự án Luật hộ tịch cho biết, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với Tờ trình của Chính phủ và cho rằng, giữa hộ tịch và hộ khẩu, căn cước công dân tuy có mối liên hệ mật thiết với nhau, nhưng có mục đích và cách thức quản lý khác nhau.

 

“Thực tế cho thấy, dữ liệu thông tin công dân do các ngành khác nhau quản lý, không tránh khỏi có thông tin trùng lắp, nhất là một số thông tin cơ bản của công dân, như họ và tên, ngày tháng năm sinh, nơi thường trú… Do vậy, để bảo đảm ổn định, tránh xáo trộn trong công tác quản lý nhà nước về dân cư thì dự án Luật chưa nên mở rộng khái niệm hộ tịch theo hướng bao gồm cả hộ khẩu và gộp các vấn đề hộ tịch, hộ khẩu, căn cước công dân để giao cho ngành thống nhất quản lý.” - Ủy ban Pháp luật đề nghị.

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng nội dung hộ tịch gồm các vấn đề khai sinh, kết hôn, khai tử, giám hộ, nhận cha, mẹ, con, thay đổi hộ tịch, xác định lại dân tộc… của dự thảo Luật hộ tịch có nhiều thông tin cơ bản trùng lắp với thông tin về căn cước công dân quy định tại Điều 10 dự thảo Luật căn cước công dân. Vì vậy, ý kiến này đề nghị nên nghiên cứu để quy định và giao thống nhất nội dung về quản lý dân cư cho một cơ quan thực hiện để tránh chồng chéo, trùng lắp, bảo đảm chặt chẽ và hiệu quả.

 

Về việc Luật hộ tịch ra đời sẽ thay thế được bao nhiêu giấy tờ công dân, Thường trực UBPL cho biết, xuất phát từ lịch sử đất nước trải qua chiến tranh, cùng với cơ chế quản lý thời bao cấp về quản lý hộ tịch, hộ khẩu và nhu cầu của công dân trong đời sống, xã hội nên hiện nay công dân có rất nhiều loại giấy tờ khác nhau. Do đó, cần có sự rà soát, phân biệt rõ những loại giấy tờ tùy thân, liên quan đến công tác quản lý của Nhà nước có sự chồng chéo, gây phiền hà không cần thiết để từng bước loại bỏ, nhất là trong điều kiện áp dụng phương thức quản lý hiện đại như trong dự thảo Luật hộ tịch đã đề ra.

 

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, việc loại bỏ ngay lập tức các loại giấy tờ công dân cần phải có lộ trình và kết quả thực tế của việc xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư. Điều quan trọng là Chính phủ cần quan tâm, chỉ đạo sát sao nhằm đúng hoặc sớm hơn lộ trình thiết lập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các bộ ngành, địa phương để loại bỏ nhiều giấy tờ không cần thiết trong quá trình quản lý công dân.

 

Về thẩm quyền đăng ký hộ tịch, thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với quy định trong dự thảo luật, nhưng đề nghị cần quy định chặt chẽ hơn việc cải sửa hộ tịch nhằm khắc phục tình trạng lợi dụng việc cải sửa này để gian lận như khai tăng, giảm tuổi để được nghỉ hưu sớm hoặc kéo dài thời gian công tác, trốn nghĩa vụ quân sự, trốn truy nã…, đồng thời xác định rõ trách nhiệm cảu Ủy ban nhân dân các cấp trong công tác quản lý đăng ký hộ tịch để nâng cao hiệu quả công tác này, hạn chế việc vi phạm pháp luật, lợi dụng chính sách nhân đạo của Đảng, Nhà nước ta để trục lợi, ví dụ như chết không khai tử để nhận chế độ.

 

Về số định danh cá nhân, Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với việc sử dụng số định danh cá nhân trong quản lý hộ tịch, vì đây là điểm mới có ý nghĩa đột phá tạo tiền đề cho việc cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong công tác quản lý nhà nước; bảo đảm tính chính xác của các số liệu thống kê, nâng cao chất lượng quản lý của nhà nước và tạo điều kiện thuận lợi cho công dân.

 

Tuy nhiên, Ủy ban Pháp luật cho rằng, số định danh cá nhân là nội dung được quy định trong dự thảo Luật căn cước công dân. Do đó, trong dự thảo Luật hộ tịch chỉ nên quy định việc sử dụng số định danh cá nhân (đã được quy định trong Luật căn cước công dân) chứ không nên quy định lại nội dung này. Đồng thời, cần quy định rõ hơn về trách nhiệm và sự phối hợp giữa cơ quan quản lý hộ tịch (Bộ Tư Pháp) với cơ quan quản lý căn cước (Bộ Công an) trong việc cấp số định danh cá nhân.

 

Theo quy định tại khoản 1 Điều 10 dự thảo Luật thì số định danh cá nhân được cấp khi đăng ký khai sinh, vậy phải làm rõ chủ thể đề nghị cấp là người làm công tác đăng ký khai sinh hay là người đi đăng ký khai sinh? Số định danh cá nhân được ghi trong Giấy khai sinh hay trong căn cước công dân được cấp cho công dân từ khi được sinh ra?

 

Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật nhận định, theo quy định của dự án Luật thì việc cấp số định danh cá nhân cho người đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật này có hiệu lực giao Chính phủ quy định. Tuy nhiên, theo Đề án 896 thì bắt đầu từ ngày 1/1/2016 sẽ cấp số định danh cá nhân và đến hết năm 2020 mới hoàn thành đề án mỗi cá nhân có số định danh cá nhân. Vì vậy, Thường trực UBPL đề nghị cần quy định cụ thể ngay trong Luật việc cấp số định danh cho mọi cá nhân, kể từ khi sinh ra, cấp cả cho người đã đăng ký khai sinh trước ngày Luật này có hiệu lực.

 

Mở rộng miễn lệ phí đăng ký hộ tịch

 

Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản nhất trí với quy định trong dự thảo Luật về việc không thu lệ phí trong các trường hợp đăng ký khai sinh, khai tử, giám hộ, bởi vì công tác đăng ký hộ tịch có mục đích chủ yếu thực hiện công tác quản lý của Nhà nước. Những hoạt động này phải do ngân sách nhà nước đảm bảo là phù hợp với tính chất công việc. Đối với các trường hợp khác, khi đăng ký hộ tịch nhằm thảo mãn yêu cầu của công dân thì phải nộp lệ phí.

 

Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị cần nghiên cứu, rà soát để quy định thống nhất với Hiến pháp, như những việc hộ tịchnào thuộc trách nhiệm quản lý của nhà nước và việc hộ tịchnào thuộc quyền lợi của người dân, nếu là trách nhiệm quản lý của nhà nước thì không được thu lệ phí. Đồng thời, cũng phải phù hợp với chính sách của Nhà nước như khuyến khích việc đăng ký hộ tịch đối với đồng bào dân tộc ít người ở vùng sâu, vùng xa và người nghèo. Do đó, đề nghị rà soát để quy dịnh theo hướng mở rộng hơn nữa đối tượng được miễn lệ phí đăng ký hộ tịch.


Ngọc Quỳnh

Ý kiến bạn đọc