Hà Nội sẽ xây mới 26 nhà tang lễ

05:59, 11/04/2014
|

(VnMedia) - Theo quy hoạch, từ nay đến năm 2020, thành phố Hà Nội sẽ có 44 nhà tang lễ, trong đó sẽ xây mới 1 nhà tang lễ quốc gia và 25 nhà tang lễ khác, đồng thời xây dựng 17 cơ sở hỏa táng...
 
Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt. Theo đó, sẽ xây mới nhà tang lễ Quốc gia và mở rộng, xây mới một số nghĩa trang khác tại một số huyện ngoại thành.

Ảnh minh họa

Thành phố sẽ xây mới 1 nhà tang lễ quốc gia và 25 nhà tang lễ khác


Toàn Thành phố sẽ có 44 nhà tang lễ
 
Theo Quy hoạch, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội sẽ có 44 nhà tang lễ, trong đó, Thành phố sẽ cải tạo, nâng cấp 11 nhà tang lễ hiện có (nhà tang lễ Thành phố và nhà tang lễ trong bệnh viện) nhằm bảo đảm các tiêu chuẩn môi trường; tiếp tục xây dựng 07 nhà tang lễ thuộc các dự án đang triển khai; dự kiến xây dựng mới 26 nhà tang lễ (trong đó 1 nhà tang lễ quốc gia).
 
Thành phố sẽ tiến hành quy hoạch các cơ sở hỏa táng với tổng số 9 cơ sở, trong đó tiếp tục sử dụng cơ sở hỏa táng hiện có tại Nghĩa trang Văn Điển phục vụ nhu cầu hỏa táng cho khu vực đô thị trung tâm Thành phố Hà Nội và xây dựng 8 cơ sở hỏa táng mới độc lập hoặc trong các nghĩa trang tập trung.
 
Cụ thể, đối với nghĩa trang tập trung cấp quốc gia, sẽ cải tạo, nâng cấp, mở rộng nghĩa trang Mai Dịch 1 thành công viên nghĩa trang với quy mô hiện có là 5,5 ha lên 5,8 ha đến năm 2015; sử dụng hình thức táng một lần.
 
Theo Quy hoạch, Thành phố sẽ xây mới nghĩa trang cấp quốc gia tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, quy mô khoảng từ 100 - 150 ha; sử dụng hình thức táng tổng hợp. Hai nghĩa trang này phục vụ nhu cầu an táng lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước.
 
Đối với nghĩa trang tập trung liên tỉnh, sẽ đóng cửa nghĩa trang Yên Kỳ 1, xã Phú Sơn, huyện Ba Vì (hiện có khoảng 38,4ha), đồng thời mở rộng nghĩa trang Yên Kỳ 2, huyện Ba Vì đến năm 2020 khoảng 203 ha, đến năm 2030 khoảng 583ha, sử dụng hình thức táng tổng hợp, phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân khu vực đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng và các tỉnh lân cận (Hòa Bình, Phú Thọ).
 
Đối với nghĩa trang tập trung cấp thành phố, sẽ đóng cửa các nghĩa trang: Sài Đồng (quận Long Biên), Văn Điển (huyện Thanh Trì) và cải tạo thành công viên nghĩa trang trước năm 2015 (riêng nghĩa trang Văn Điển chỉ phục vụ hỏa táng).
 
Mở rộng nghĩa trang tập trung Vĩnh Hằng (huyện Ba Vì) với quy mô hiện có là 37 ha lên 87 ha đến năm 2020, sử dụng hình thức hung táng, cát táng, táng 1 lần và hỏa táng, phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân và quy tập mộ di chuyển trong khu vực phát triển đô thị trung tâm phía Nam sông Hồng.
 
Quy hoạch, cải tạo mở rộng nghĩa trang Thanh Tước (huyện Mê Linh) thành công viên nghĩa trang với quy mô hiện có là 7 ha mở rộng lên 23 ha đến năm 2030; sử dụng hình thức cát táng; phục vụ nhu cầu an táng của nhân dân khu đô thị huyện Mê Linh.
 
Về kế hoạch xây mới các nghĩa trang, Hà Nội sẽ xây dựng mới 2 nghĩa trang ở Sóc Sơn là Minh Phú và Bắc Sơn, trong đó nghĩa trang Minh Phú khoảng 100 ha đến năm 2030) sẽ sử dụng hình thức cát táng, táng một lần, hỏa táng. Nghĩa trang Bắc Sơn (khoảng 10ha) sẽc hỉ phục vụ như cầu hỏa táng.
 
Nghĩa trang Xuân Nộn (huyện Đông Anh) chỉ phục vụ hỏa táng; Nghĩa trang Trung Màu (huyện Gia Lâm) phục vụ hung táng, cát táng, táng một lần; Nghĩa trang Trần Phú (huyện Chương Mỹ) phục vụ cát táng và hỏa táng; Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên) phục vụ hung táng, cát táng, táng một lần và hỏa táng.
 
Chấm dứt tình trạng chôn cất phân tán
 
Về nghĩa trang cấp xã, theo Quy hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trước mắt sẽ tiếp tục sử dụng các nghĩa trang hiện có, đồng thời có kế hoạch đóng cửa các nghĩa trang phân tán có quy mô nhỏ, không đảm bảo khoảng cách ly an toàn vệ sinh môi trường hoặc không nằm trong quy hoạch sử dụng đất nghĩa trang. Di chuyển các mộ phần đến nghĩa trang tập trung ở các vùng theo quy hoạch. Mỗi xã sẽ có từ 1-2 nghĩa trang tập trung cấp xã tùy theo quy mô dân số và địa giới hành chính.
 
Đối với cá nghĩa trang hiện có nằm trong khu vực phát triển đô thị, khi có kế hoạch lấy đất phục vụ phát triển đô thị sẽ được di chuyển đến các nghĩa trang tập trung gần nhất hoặc các nghĩa trang phục vụ quy tập mộ di chuyển. “Chấm dứt tình trạng chôn cất phân tán, tự phát.” – bản Quy hoạch nhấn mạnh.
 
Theo bản Quy hoạch, các công trình lưu giữ tro cốt được bố trí ngay trong các cơ sở hỏa táng, hoặc trong khuôn viên các nghĩa trang và các công trình tôn giáo, tín ngưỡng tùy theo nhu cầu của địa phương, thuận tiện cho việc thăm viếng của người dân nhưng phải đảm bảo khoảng cách ly vệ sinh môi trường và được cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
 
Số tiền để thực hiện đồ án Quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 dự kiến vào khoảng 24.000 tỷ đồng, trong đó, giai đoạn đến năm 2020 khoảng 13.000 tỷ đồng.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc