(VnMedia) - Từ năm 2012, trước tình trạng gia tăng số lượng xe taxi trên địa bàn thành phố, Hà Nội đã tạm dừng cấp phép thêm hãng taxi mới, nhưng lợi dụng chủ trương thông thoáng, không ít doanh nghiệp, chủ xe taxi đã đăng ký phù hiệu tại các tỉnh lân cận rồi đưa về Thủ đô hoạt động. Việc này đang làm “đau đầu” cơ quan quản lý ở Hà Nội.
>>Hà Nội "kêu" thiếu xe taxi trong sân bay Nội Bài
>>Khách Tây bị "chém" 245.000 đồng cho 1km taxi
Theo thống kê của Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện tại toàn thành phố có 107 doanh nghiệp, trong đó 105 công ty và 2 Hợp tác xã taxi. Tổng số lượng phương tiện là 17.000 xe với khoảng 20.000 lái xe taxi. Trung bình hàng năm vận chuyển được 100 triệu lượt hành khách.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thời gian gần đây, trên địa bàn thành phố xuất hiện nhiều xe taxi ngoại tỉnh về Hà Nội hoạt động trong thời gian dài, gây khó khăn cho công tác quản lý.
Thống kê của Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho thấy, hiện 4 tỉnh có số lượng taxi hoạt động trên địa bàn Hà Nội nhiều nhất là Bắc Giang, Bắc Ninh, Ninh Bình và Hưng Yên. Trong đó, nổi bật là một số hãng như taxi Xuân Thành, taxi SH, taxi Sông Hồng....
Hầu hết, xe taxi của các hãng này đều mang biển kiểm soát Hà Nội nhưng phù hiệu xe lại do các tỉnh cấp. Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, việc xe taxi ngoại tỉnh về Hà Nội kinh doanh nhiều gây khó khăn cho công tác quản lý.
Sau khi Hà Nội dừng cấp phép taxi mới, nhiều chủ xe đã đăng ký phù hiệu taxi ở tỉnh khác rồi mang về Thủ đô hoạt đông, gây khó khăn cho công tác quản lý. Ảnh: Vạn Xuân |
Theo đại diện Thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội, sở dĩ những xe taxi này ngang nhiên hoạt động trên địa bàn Thủ đô bắt nguồn từ chính kẽ hở của các văn bản pháp luật chưa chặt chẽ ,và cơ quan chức năng còn buông lỏng quản lý và hậu kiểm cấp phép.
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh thanh tra Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết, tại Thông tư 18 của Bộ Giao thông vận tải, xe taxi từ các tỉnh được phép hoạt động lâu dài trên địa bàn Hà Nội mà không chịu sự ràng buộc, giám sát nào của lực lượng chức năng sở tại.
“Bản thân Sở Giao thông vận tải các địa phương cũng không quản lý, thậm chí cấp phù hiệu taxi xong cũng không hậu kiểm đã dẫn đến những xe taxi này trốn khỏi địa bàn tỉnh để lên Hà Nội làm ăn. Lực lượng Thanh tra Giao thông vận tải Hà Nội muốn kiểm tra hoạt động của các doanh nghiệp taxi ngoại tỉnh cũng không được phép vì pháp luật đã quy định,” ông Mạnh đưa ra khó khăn.
Có thể xử lý taxi ngoại tỉnh vi phạm qua hộp đen
Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Văn Huyện, Chánh Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cho rằng, Hà Nội và các tỉnh lân cận nên xem xét lại cách quản lý cấp phép điều kiện kinh doanh taxi hiện nay bởi nếu không “quản” sẽ khó có thể xử lý tận gốc vấn đề.
Theo ông Chánh thanh tra Bộ Giao thông vận tải, Hà Nội hiện có 107 doanh nghiệp với 17.000 xe taxi, trong đó một số đơn vị không quan tâm đầu tư phát triển thương hiệu, thậm chí làm ăn chộp giật, không quản lý đội ngũ lái xe dẫn đến tình trạng bát nháo, lái xe taxi vi phạm giao thông, gây mất trật tự an toàn giao thông, tạo bức xúc trong dư luận.
Trong khi đó, TPHCM cũng có 14.000 xe taxi nhưng chỉ có 27 doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp đều quan tâm đầu tư, xây dựng thương hiệu, hạn chế tối đa tình trạng “tranh thủ” kinh doanh. Do đó, Hà Nội và các tỉnh lân cận cần xem xét lại cách quản lý này để tạo dựng thương hiệu cho các hãng.
Hiện để hạn chế tình trạng trên, tại một cuộc họp về đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn Thủ đô mới đây với Bộ Giao thông vận tải, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã kiến nghị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam in phù hiệu “xe taxi” cấp cho các đơn vị trên địa bàn Hà Nội có màu sắc riêng và nghiên cứu chất liệu phù hiệu bảo đảm không bị mất màu trong quá trình sử dụng để hạn chế các đơn vị taxi địa phương “ẩn náu” hoạt động ở Thủ đô.
Đồng thời, kiến nghị Bộ Giao thông vận tải nên quy định, taxi đăng ký ở tỉnh nào thì phải hoạt động trên địa bàn của tỉnh đó, khi cần hoạt động trên tỉnh khác phải xin phép và được Sở Giao thông vận tải cấp phép để quản lý.
Tuy nhiên, trước vấn đề Hà Nội nêu ra, ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) lại cho rằng, Dự thảo sửa đổi Nghị định 91, 93 về điều kiện kinh doanh vận tải đã bổ sung quy định taxi phải được gắn thiết bị giám sát hành trình. Điều này có nghĩa, taxi hoạt động ở đâu, trên địa bàn nào thì Tổng cục Đường bộ Việt Nam nắm được hết và Sở Giao thông Vận tải hoàn toàn có thể truy cập thông tin này để xử lý các vi phạm.
Ý kiến bạn đọc