Đi bộ đến trường an toàn: không chỉ là mong muốn

15:11, 18/04/2014
|

(VnMedia) - Một con đường đi bộ đến trường an toàn, thân thiện cho trẻ ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội có thể sẽ không chỉ là mơ ước khi có những con người đang ngày đêm trăn trở, tìm hiểu và quyết tâm thực hiện bằng được...

>>Điều không bình thường trên đường phố Hà Nội

Hà Nội: những ký ức đẹp về con đường đi bộ

Hà Nội là thành phố vốn xây dựng để thân thiện cho người đi bộ. Nó là một thành phố có thể và cần thiết trở thành thành phố kết nối các tuyến giao thông công cộng với người đi bộ. Vấn đề là những kế hoạch phát triển mạng lưới giao thông lớn cũng cần bắt đầu từ những sáng kiến nhỏ, những hành động cụ thể.

 

Hà Nội là thành phố có lịch sử nghìn năm, nhưng đô thị hóa theo mô hình phương Tây thì mới chỉ hơn trăm năm. Điều dễ nhận thấy là ngay từ lúc bắt đầu xây dựng, Hà Nội có những con đường lớn nhưng chủ yếu là người đi bộ và xe đạp. Hình ảnh Hà Nội của người đi bộ và xe đạp trải dài suốt thế kỷ 20 và chỉ vài chục năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, Hà Nội mới tràn ngập xe cơ giới.


 Ảnh minh họa

 Trẻ em đi bộ đến trường những năm Hà Nội còn trong chiến tranh

 

Nói đến Hà Nội, phần lớn chúng ta vẫn hình dung về những đường phố xây dựng từ trước những năm 1990: vỉa hè rộng rãi, rợp bóng mát dưới những hàng cây, những ngôi nhà nhỏ xinh bên đường và rất nhiều đường phố có những ngôi nhà lùi vào sau bức tường rào. Ở cuối những con đường là những quảng trường ngã tư ngã năm, từ xa đã nhìn thấy những tòa nhà lớn: Ga Hà Nội cuối phố Trần Hưng Đạo, Đại học Tổng hợp cuối Lý Thường Kiệt, Quảng trường Ba Đình cuối đường Điện Biên Phủ, hay bên phố là trường Việt Đức, Trần Phú, Bách Hóa tổng hợp… những nơi chốn thúc giục khách bộ hành rảo chân bước tới – thật khó quên tiếng guốc reo vui trên những vỉa hè Hà Nội ngày nào.

 

Trong dòng người đi bộ trên phố phường ấy, vui nhất, ồn ào nhất và đông đảo nhất là đám học trò, bé thì lít nhít, lớn thì lộc ngộc, từ sáng sớm đến tối mịt lũ trẻ Hà Nội đến trường, hết giờ học lại xông ra đường chơi vui… nay còn đâu...

 

Ngay trong lúc bom đạn ác liệt, trên đường phố Hà Nội vẫn không thiếu hình ảnh các em bé đội mũ rơm đi tàu điện ra các xóm ngoại ô, học trong các lớp học sơ tán “sáng đi/ tối về”… Nay thì không ai mong trở lại những ngày gian khó ấy nữa, nhưng rõ ràng, Hà Nội rất nhiều trẻ em ra đường sẽ là hình ảnh bình yên của một thành phố có giá trị sống khác biệt.

 

Chưa kể đến những phân tích thuyết phục của các nhà khoa học, các nhà giáo dục, hoạt động xã hội về việc đi bộ trên đường phố, đặc biệt là trẻ em đi học đến trường, mà chỉ cần xét đến những kế hoạch của Thành phố khi dự định chi nhiều tỷ USD cho hệ thống giao thông công cộng (xe buýt, đường sắt đô thị trên cao, dưới ngầm…) thì cũng rất cần tính đến những mạng lưới đường đi bộ từ các khu dân cư đến các ga ô tô, tàu điện, và đương nhiên là những con đường cho trẻ em từ nhà đến trường.


 Ảnh minh họa

 KTS Trần Huy Ánh và những sinh viên khoa Kiến trúc, trường ĐH Xây dựng cùng nhau nghiên cứu một con đường đi bộ đến trường an toàn ở Hạ Đình

 

Đường đi bộ an toàn: không chỉ là mong muốn

 

Đường đến trường an toàn tại Hà Nội là một hiện thực đang bị lãng quên nay cần khôi phục lại, bởi các lý do: Hơn 500 xã phường Hà nội đều bố trí trường Tiểu học với bán kính đi bộ trên dưới 1 km, thói quen đi bộ vốn có từ lâu, rất nhiều học sinh và gia đình mong muốn được đi bộ đến trường, và cho dù đi bộ hay đi xe thì trẻ em vẫn thường xuyên có người lớn đi cùng…

 

Tuy vậy, rất nhiều trở ngại cần khắc phục: không an toàn khi có nhiều xe cơ giới và còn đi ẩu, đường xá chất lượng thấp, úng ngập, nhiều chướng ngại, có chó dữ và đôi chỗ tối tăm, vắng vẻ… Đó là những kết quả khảo sát bước đầu của các thầy cô giáo, các bạn sinh viên khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng và ĐH Kiến trúc Hà Nội cùng các KTS tình nguyện tiến hành tại phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư, CLB sống Xanh phường Hạ Đình, trường Tiểu học Hạ Đình.

 

“Không muốn làm thì sẽ có rất nhiều lý do để không làm, nhưng muốn làm thì chỉ cần một lý do là có thể làm” - và chỉ với lý do: chứng minh rằng Hà Nội ngày nay cũng có thể có những con đường đi bộ đến trường an toàn, các thầy cô giáo, các bạn sinh viên khoa Kiến trúc trường Đại học Xây dựng và ĐH Kiến trúc Hà Nội cùng các KTS tình nguyện tiến hành tại phường Hạ Đình (Thanh Xuân, Hà Nội) với sự hỗ trợ của cộng đồng dân cư, CLB sống Xanh phường Hạ Đình, trường Tiểu học hạ Đình đã bắt tay lên kế hoạch, nghiên cứu và triển khai.


 Ảnh minh họa

  Một con đường đi bộ đến trường an toàn, thân thiện cho trẻ ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội có thể sẽ không chỉ là mơ ước


Kết quả nghiên cứu khảo sát thực địa đã gợi ý được 8 tuyến đường đi bộ từ 8 cụm dân cư đến trường tiểu học, nhưng vấn đề là làm thế nào để tuyến đường đi bộ vừa an toàn và vừa thân thiện với trẻ em cũng như người dân địa phương.

 

Cuối cùng, nhóm nghiên cứu đã cùng cộng đồng dân cư chọn ra một tuyến khả thi nhất để thực hiện ngay trong tháng 5& 6 năm 2014: Tuyến đi bộ từ Nhà văn hóa cụm dân cư 3A đến trường tiểu học, đi qua các ngỏ nhỏ, qua khu di tích lịch sử Lăng mộ Đặng Trần Côn - Danh nhân văn hóa VN, xuyên qua khu công trường kè hồ Hạ Đình để đến cổng trường.

 

Tuyến đường thực nghiệm sẽ tiến hành đồng thời hai công việc: một là làm mới 100 m đường đi an toàn, khô ráo, có rào bảo vệ xuyên qua khu vực công trường, kết nối với đường làng ngõ xóm đang được cải tạo nâng cấp bởi ngân sách địa phương; Hai là tổ chức tổ tự quản hàng ngày dẫn học sinh từ Nhà văn hóa cụm 3A đến trường trong thời gian đầu, dần kết hợp với gia đình và các học sinh lớp trên để tự đi bộ đến trường .

 

Trong quá trình thực nghiệm sẽ từng bước khắc phục các trở ngại để tạo ra một môi trường đi bộ an toàn thân thiện đến trường.

 

Một con đường đi bộ đến trường an toàn, thân thiện cho trẻ ở ngay giữa Thủ đô Hà Nội có thể sẽ không chỉ là mơ ước khi có những con người đang ngày đêm trăn trở, tìm hiểu và quyết tâm thực hiện bằng được.

Hy vọng các thực nghiệm thành công và đưa ra lời giải thuyết phục, rằng đi bộ từ nhà đến trường an toàn thân thiện là việc có thật và có thể tổ chức được không chỉ tại Hạ Đình mà ở bất cứ nơi nào trong thành phố Hà Nội - vốn được xây dựng để cho người đi bộ, xe đạp di chuyển. Mong một ngày gần đây, tiếng guốc reo vui lại vang trên các nẻo đường Hà Nội.


Trần Huy Ánh

Ý kiến bạn đọc