Đại biểu chất vấn thẳng vấn đề nóng của ngành Y tế

14:51, 01/04/2014
|

(VnMedia) - Liên quan đến việc cấp phép hành nghề khám chữa bệnh, đại biểu Trương Văn Vở cho rằng dù Bộ trưởng Y tế đã hứa nhưng đến nay vẫn dẫm chân tại chỗ, nói nhưng chưa làm… Vấn đề y đức cũng được cho là chưa chuyển biến tích cực...

 

Chiều nay (1/4), Thường vụ Quốc hội đã tiến hành phiên chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trong đó đặc biệt đi sâu về vấn đề y đức và tổ chức bộ máy y tế tuyến huyện, xã; việc đầu tư cho y tế cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên, công tác quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân và việc quản lý nhà nước về giá thuốc chữa bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Ảnh minh họa

Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn trước Quốc hội

 

Đây là lần thứ 2 Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn trước Quốc hội

 

Là người đầu tiên chất vấn, đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai) nói: “Theo nội dung trả lời chất vấn của Bộ trưởng vào tháng 11/2013, Bộ Y tế sẽ kịp thời có văn bản hướng dẫn, giải quyết khó khăn vướng mắc trong quá trình cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép kinh doanh, giấy phép hành nghề khám chữa bệnh, đồng thời sẽ phối hợp với Bộ ngành liên quan xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thực hiện Nghị định 176/2013 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực y tế.

 

Tuy nhiên, cho đến nay tôi cho là vẫn dẫm chân tại chỗ. Đã nửa năm nay, nói nhưng chưa làm, làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác kiểm tra, xử lý vi phạm ở địa phương đối với các cơ sở khám chữa bệnh, nhất là đối với các cơ sở y tế ngoài công lập hoạt động nhưng chưa có chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động theo luật định. Đây là vấn đề đáng lo ngại, bức xúc trong nhân dân. Đề nghị Bộ trưởng cho biết vì sao thực hiện chậm, trách nhiệm Bộ trưởng đến đâu, lộ trình, giải pháp cụ thể thế nào để khắc phục tình trạng trên trong thời gian tới”.

 

Tiếp theo đại biểu Trương Văn Vở, đại biểu Lê Đắc Lâm (Bình Thuận) cho biết: “Cử tri phản ảnh chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế chưa đảm bảo, có sự phân biệt đối xử giữa người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế với người khám dịch vụ xảy ra ở nhiều nơi. Thủ tục khám chữa bệnh theo bảo hiểm y tế vẫn rườm rà, thậm chí gây khó khăn phiền hà.”

 

Đồng ý kiến với đại biểu trương Văn Vở, đại biểu Lê Đắc Lâm cũng nhận định, Bộ trưởng Y tế cũng đã có quan tâm chỉ đạo nhưng “hiệu quả chưa như mong muốn”. Ông đề nghị Bộ trưởng Y tế nêu được giải pháp cương quyết, tích cực hơn để giải quyết các vấn đề nói trên, nhằm thúc đẩy lộ trình thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân.

 

Câu hỏi thứ hai mà đại biểu Lê Đắc Lâm đặt ra là thời gian qua, công tác quản lý nhà nước đối với cơ sở khám chữa bệnh tư nhân, đặc biệt là cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài không được chặt chẽ như cấp phép, thanh kiểm tra… dẫn đến một số vấn đề không lành mạnh như chất lượng khám chữa bệnh, y đức, giá cả dịch vụ… có nơi gây chết người không an toàn cho người dân; việc kê đơn bán thuốc ăn hoa hồng của nhà thuốc không quản lý được gây bất lợi cho người dân... “Đề nghị Bộ trưởng nêu rõ biện pháp chấn chỉnh, khắc phục như thế nào?” – đại biểu Lâm nói.

 

Trong khi đó, đại biểu Thạch Dư (Trà Vinh) đã nêu lên một thực trạng khá nhức nhối, đó là tại các địa phương có quá nhiều trung tâm chăm sóc sức khỏe người dân, hoạt động trùng lặp gây lãng phí như Trung tâm Y tế dự phòng, trung tâm phòng chống HIV AIDS, trung tâm chăm sóc sức khỏe sinh sản, trung tâm phòng chống bệnh xã hội, trung tâm truyền thông giáo dục sức khỏe, trung tâm kiểm nghiệm dược phẩm, một số nơi có trung tâm phòng chống sốt rét, trung tâm mắt, trung tâm kiểm dịch biên giới…

 

“Tất cả các trung tâm này đều có bộ máy lãnh đạo, có trụ sở làm việc được trang bị dụng cụ, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác riêng… Tuy mỗi đơn vị có vị trí chức năng nhiệm vụ khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ là làm công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân. Hiện tại các đơn vị sự nghiệp này đang trong trình trạng làm việc chưa hết công suất, lãng phí nguồn nhân lực, trong khi đó hệ thống toàn ngành y tế thiếu nhiều bác sĩ trực tiếp làm nhiệm vụ khám chữa bệnh. Mặt khác ngành y tế đang thiếu hụt kinh phí để đầu tư mua sắm trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh.” – đại biểu tỉnh Trà Vinh phân tích.

 

“Xin hỏi, Bộ Y tế có kế hoạch gì để xem xét chức năng nào trùng lặp và sắp xếp lại cho phù hợp, vừa tinh gọn bộ máy, vừa phát huy hết chức năng chuyên môn của các đơn vị sự nghiệp thuộc ngành y tế của tuyến tỉnh, đồng thời có chủ trương gì để hỗ trợ kinh phí đầu tư trang thiết bị nhằm nâng cao chất lượng phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. “ – đại biểu Thạch Dư đặt câu hỏi.

 

Y đức là vấn đề được đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương) đưa ra để chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến. Theo đại biểu tỉnh Hải Dương, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao y đức, tuy nhiên cử tri vẫn băn khoăn là y đức chưa chuyển biến tích cực.

 

Ngoài việc đề nghị Bộ trưởng cho biết những giải pháp đột phá, trọng tâm trong thời gian tới nhằm tiếp tục chuyển biến rõ nét hơn, đại biểu tỉnh Hải Dương cũng đề nghị Bộ trưởng cung cấp thêm kết quả áp dụng biện pháp thiết lập đường dây nóng để phản ánh vấn đề tiêu cực trong ngành y tế thời gian gân đây và việc duy trì trong thời gian tới như thế nào.

 

Đại biểu tỉnh Hải Dương cũng đặt câu hỏi về giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế nhằm tiết kiệm chi phí đấu thầu, đảm bảo chất lượng thuốc và thống nhất giá thuốc trên quy mô toàn quốc. “Bộ Y tế có thể tổ chức đấu thầu tập trung toàn quốc được không, giải pháp cụ thể như thế nào?” – Đại biểu Phạm Xuân Thăng hỏi.

 

(Tiếp tục cập nhật)


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc