Bộ trưởng Y tế:Ung thư không phải do thực phẩm

07:04, 02/04/2014
|

(VnMedia) - Dẫn chứng ra phần lớn các loại ung thư là do virus, vi khuẩn… Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, nói ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tỷ lệ ung thư cao là chưa có căn cứ khoa học…

Ảnh minh họa

Bộ trưởng Y tế cho rằng, nói ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tỷ lệ ung thư cao là chưa có căn cứ khoa học…


Trong phiên chất vấn chiều qua (1/4), nhiều đại biểu đã bày tỏ lo ngại về chất lượng thực phẩm góp phần gia tăng tình trạng ung thư. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định, ngộ độc thực phẩm ở Việt Nam thấp hơn ở nhiều nước và nằm trong ngưỡng chỉ tiêu thấp hơn chỉ tiêu đặt ra.

 

“Ngộ độc thực phẩm có một số nguyên nhân do bếp ăn tập thể, do thiếu kiến thức nên ăn phải nấm độc, ngô mốc, cá nóc… là những vụ ngộ độc do vi sinh, do độc tố… còn ngộ độc thực phẩm dẫn đến thư, không nên quá hoang mang bởi những nguyên nhân dẫn đến ung thư hàng đầu vẫn là yếu tố nhiễm khuẩn.” – Bộ trưởng Tiến nói.

 

Theo Bộ trưởng Y tế, ung thư gan là do virus gây viêm gan B và C, ung thư cổ tử cung, ung thư vòm họng, là do nhiễm virus, ung thư dạ dày là từ viêm dạ dày cấp do nhiễm vi khuẩn, viêm đại tràng mãn dẫn đến ung thư đại trường… “cho nên, phải khẳng định nguyên nhân số 1 dẫn đến ung thư là do nhiễm khuẩn, sau đó là từ môi trường, như ung thư phổi do bội nhiễm về đường hô hấp. Còn một yếu tố nữa không rõ nguyên nhân, có thể là do tính di truyền” – Bộ trưởng Y tế dẫn chứng.

 

Cũng theo Bộ trưởng Tiến, ung thư do nguyên nhân thực phẩm là có nhưng diễn biến lâu và yếu tố mạnh nhất đã tìm được là do nấm mốc từ lạc và đậu. “Còn nói ngộ độc thực phẩm ảnh hưởng đến tỷ lệ ung thư cao là chưa có căn cứ khoa học” – Người đứng đầu Bộ Y tế khẳng định.

 

Bộ trưởng Nông nghiệp: Dư lượng chất không mong đợi vẫn cao

 

Trao đổi làm rõ thêm về sự phối hợp với Bộ Y tế trong việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, Bộ trưởng Bộ Phát triển và Nông thôn Cao Đức Phát khẳng định, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nhân dân là nhiệm vụ số 1 của ngành.

 

Nhận định vấn đề mà nhân dân lo ngại nhất chính là dư lượng thuốc trừ sâu trong các loại nông sản, đặc biệt trong rau, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết, cuối năm 2013, Bộ đã quyết định đình chỉ cấp phép và rà soát lại toàn bộ khâu cấp phép lưu hành các loại vật tư nông nghiệp, bao gồm cả thuốc trừ sâu, thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y…, làm lại quy trình cho chặt hơn.

 

“Thêm vào đó, chúng tôi rà soát toàn bộ danh mục thuốc bảo vệ thực vật và sẽ ban hành danh mục cần thiết, an toàn (chủ yếu là các chế phẩm sinh học) để nhân dân sử dụng cho các loại cây, đặc biệt là cây rau. Nếu cần phải sử dụng một số thuốc hóa học thì cũng phải lựa giới thiệu cho dân những loại an toàn nhất có thể” - Bộ trưởng nói.

 

Cùng với việc tham gia với Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp cũng tổng kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, chế biến nông lâm sản, phân loại để giám sát, xử lý cơ sở có vi phạm…, đồng thời xúc tiến quản lý theo chuỗi…

 

“Với tất cả những công việc đó, tôi nhận thấy tình hình dư lượng chất không mong đợi như thuốc trừ sâu, kháng sinh trong thực phẩm, tỷ lệ nhiễm trong những năm gần đây không gia tăng, thậm chí có một số loại có giảm đi, nhưng vẫn ở mức cao so với những nước tiên tiến nên đây vẫn là nhiệm vụ cấp thiết cần cố gắng cao độ.” Bộ trưởng Cao Đức Phát khẳng định.

 

Không nước nào trên thế giới giống Việt Nam

 

Như VnMedia đã đưa tin về thắc mắc của đại biểu liên quan đến câu hỏi về việc có quá nhiều trung tâm trong lĩnh vực y tế ở tuyến huyện, tuyến tỉnh, Bộ trưởng Y tế cho biết, ngành Y tế “rất trăn trở với bộ máy y tế ở tuyến tỉnh, huyện.”

 

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, sở dĩ tuyến tỉnh có quá nhiều trung tâm y tế là do quy định tại các Nghị định 13, 14, 172 (do Bộ Nội vụ tham mưu), sau đó là Thông tư 03, 05 do Bộ Y tế phối hợp ban hành đã khiến 1 trung tâm bị tách thành… 4 trung tâm.

 

Nhất trí với ý kiến của đại biểu rằng sự chia tách nói trên gây tốn kém về nhân lực, về cơ sở vật chất, cơ sở hạ tầng, phải có nhiều Phó Giám đốc, Giám đốc, kế toán…. Bộ trưởng Tiến dẫn chứng: “Có địa phương (tỉnh - PV) nói rằng, nếu quay lại như cũ thì mỗi địa phương tiết kiệm được 50-80 bác sĩ”.

 

Để giải quyết vấn đề này, Bộ Y tế đã trình quy hoạch ngành Y tế Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, nếu được Chính phủ cho phép thì đối với tuyến huyện, nơi nào địa bàn không phức tạp, không thật cần thiết thì chỉ tập trung lại còn một trung tâm Y tế bao gồm bệnh viện huyện và trung tâm y tế cộng đồng, chỉ có một giám đốc có con dấu… Hiện một số tỉnh đã thí điểm làm và có kết quả rất hiệu quả.

 

“Về tuyến tỉnh, Bộ Y tế cũng đã xây dựng quy hoạch trình Chính phủ bởi không có nước nào có mô hình tuyến tỉnh quá nhiều trung tâm trong lĩnh vực y tế như nước ta, phải dồn tất cả thành một trung tâm khống chế bệnh tật…” - Bà Tiến khẳng định.


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc