(VnMedia) - Bộ trưởng Đinh La Thăng vừa ký ban hành Văn bản số 4625 /BGTVT-KHĐT về việc yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu đề xuất phương án đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long.
>>Tháng 11, vá lại gần như toàn bộ mặt cầu Thăng Long
>> Mặt cầu Thăng Long lại nứt, đe dọa an toàn giao thông
>>Muốn hết nứt mặt cầu Thăng Long thì chờ... làm lại
>>Mặt cầu Thăng Long vẫn tiếp tục nứt toác
Tại văn bản trên, người đứng đầu ngành giao thông vận tải cho biết, Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) nhận được Văn bản số 23/TTr-TCĐBVN ngày 27/3/2014 của Tổng cục Đường bộ Việt Nam về việc phê duyệt Dự án đầu tư sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long.
Sau khi xem xét, Bộ GTVT có ý kiến như sau: Mặt cầu Thăng Long (trên phần cầu thép) sau hơn 20 năm khai thác đã bị hư hỏng, gây mất an toàn giao thông nên đã được Bộ GTVT tiến hành sửa chữa mặt cầu theo phương án bóc bỏ lớp mặt cầu cũ và thảm lớp bê tông nhựa polymer lên trên.
Do đây là công nghệ mới, tính chất xử lý kỹ thuật phức tạp, điều kiện thi công chưa tối ưu nên trong quá trình khai thác, lớp bê tông nhựa mặt cầu xuất hiện một số hư hỏng cục bộ và đã được sửa chữa khắc phục bằng vật liệu Novabond. Đến nay, mặt cầu đã cơ bản ổn định, cần tiếp tục theo dõi, xử lý để đảm bảo chất lượng khai thác, ổn định lâu dài.
"Đề xuất của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tiếp tục đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long bằng phương án sử dụng công nghệ vật liệu mới Guss-asphalt trên lớp bê tông nhựa polymer, có xét đến phương án mua máy móc thiết bị thi công tại thời điểm hiện nay là không phù hợp, gây lãng phí và không đủ điều kiện để xem xét", văn bản do người đứng đầu Bộ Giao thông vận tải ký nêu rõ.
|
Mặc dù đã được vá đi vá lại nhiều lần nhưng đến thời điểm hiện tại, mặt cầu Thăng Long được đầu tư tới 90 tỷ đồng để sửa chữa vẫn nứt đi nứt lại, gây mất an toàn cho người tham gia giao thông. Ảnh: Xuân Tùng |
Lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam căn cứ vào tình trạng hiện tại của mặt cầu, để tiết kiệm vốn đầu tư cần tiếp tục theo dõi, đánh giá, đưa ra giải pháp kỹ thuật tiết kiệm nhất nhằm đảm bảo sửa triệt để mặt cầu, ổn định khai thác lâu dài, cũng như có thể áp dụng cho các công trình khác có điều kiện kết cấu tương tự.
"Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng cần nghiêm khắc rút kinh nghiệm trong việc tham mưu đề xuất phương án đầu tư sửa chữa mặt cầu Thăng Long tại văn bản nêu trên", lãnh đạo Bộ Giao thông kết luận.
Ngày 24/4, các báo đưa tin Tổng cục Đường bộ đã đề xuất Bộ Giao thông việc sửa chữa toàn diện cầu Thăng Long bằng công nghệ của Nhật, Mỹ và Việt Nam với chi phí hơn 313 tỷ đồng.
Lý giải cần đến khoản kinh phí 313 tỷ đồng để sửa mặt cầu, Tổng cục Đường bộ cho biết, cầu Thăng Long sẽ được bóc bỏ toàn bộ phần bê tông nhựa và lớp chống thấm cũ, thay thế bằng lớp vật liệu mới có chiều dày tương đương và phải đảm bảo yêu cầu là chịu tác dụng của tải trọng xe, bảo vệ bản thép chống lại tác động oxy hóa và tạo ma sát chống trượt cho lớp bê tông nhựa bên trên.
Dự án sẽ chia làm 2 giai đoạn là thi công thử nghiệm và thi công đại trà. Trong đó, giai đoạn thi công thử nghiệm kéo dài trong khoảng 6 tháng để theo dõi hoạt động của lớp phủ mặt cầu dưới điều kiện tải trọng phương tiện thực tế. Cùng với đó là lựa chọn loại thiết kế hỗn hợp nhựa sử dụng cho công tác sửa chữa khi dùng các vật liệu địa phương trong điều kiện khí hậu ở Hà Nội; xác nhận loại hỗn hợp nhựa lựa chọn và từng phương pháp thi công liên quan tới độ đàn hồi, độ dính bám, khả năng phòng nước và kháng lún.
Giai đoạn sửa chữa mặt cầu Thăng Long sẽ bắt đầu được triển khai thực hiện khi thi công xong cầu Nhật Tân và cầu Vĩnh Thịnh để điều tiết giao thông qua 2 cầy cầu này. Theo đó, sẽ kết hợp sử dụng phần xe thô sơ ở tầng 1 của cầu Thăng Long và lắp đặt thêm cầu phao. Ngành giao thông sẽ đóng tầng 2 cầu Thăng Long để phục vụ việc thi công sửa chữa mặt cầu và giám sát chặt chẽ chất lượng trong quá trình thi công. Dự kiến thời gian thi công từ 3,5 đến 4 tháng.
Tổng mức đầu tư của Dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long do Tổng cục Đường bộ đề xuất Bộ GTVT phê duyệt là 313 tỷ đồng, từ vốn vay Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), thời gian thực hiện đến năm 2016.
Tháng 10/2009, trước tình trạng mặt cầu Thăng Long xuống cấp trầm trọng, Bộ Giao thông vận tải đã quyết định đầu tư hơn 90 tỷ đồng để bóc toàn bộ lớp phủ mặt cầu cũ, làm mới lớp phủ mặt cầu rộng 16,5 m, dài gần 1,7 km.
Thế nhưng chỉ 3 tháng sau khi thông xe, cây cầu huyết mạch ở cửa ngõ Thủ đô nối trung tâm Hà Nội với sân bay Nội Bài đã xuất hiện hàng loạt vết nứt, lồi lõm. Vào thời điểm đó, Viện Khoa học và Công nghệ giao thông (đơn vị tư vấn giám sát) giải thích do không lường trước yếu tố bất lợi của thời tiết nên một số mẻ bê tông nhựa không đạt chất lượng, gây nứt vỡ mặt cầu Thăng Long.
Ngay sau đó, những vết nứt đã được trám lại, song chúng lại tiếp tục nứt và xuất hiện thêm nhiều vết mới. Đến thời điểm này dù đã được vá đi vá lại đến 5-6 lần nhưng mặt cầu Thăng Long vẫn đang tiếp tục bị "băm nát" bởi những vết nứt muôn hình muôn dạng. Sự lặp đi lặp lại của những hư hỏng này đã thật sự gây ra nỗi phiền toái cho người tham gia giao thông ở Thủ đô.
Ý kiến bạn đọc