(VnMedia) - Sau khi bị lực lượng công an truy quyét dưới lòng sông, nhiều nhóm cát “tặc” đã dùng thủ đoạn mới rất tinh vi núp dưới hình thức thuê đất nông nghiệp tại các bãi bồi ven dòng sông. Sau đó, dùng các phương tiện để hút cát trộm ngay trên bờ.
Cát tặc vẫn lộng hành
Vừa qua, công an huyện Đông Anh vừa phát hiện và lập biên bản xử lý thêm 2 nhóm khai thác cát trái phép tại thôn Mạch Lũng (Đại Mạch,Đông Anh).
Theo báo cáo bước đầu, ngày 20/3, Công an Huyện Đông Anh đã bất ngờ kiểm tra hành chính, phát hiện tại bãi tập kết vật liệu xây dựng của Lê Mậu Hoàng, SN 1972, trú tại thôn Vân Trì, xã Vân Nội (Đông Anh) có 2 bè sắt được thiết kế gắn với 2 chiếc máy hút cát công suất lớn, kèm theo ống dẫn cát từ lòng sông Hồng lên một bãi cát gần đó có diện tích 11.582m2. Tại thời điểm kiểm tra, Lê Mậu Hoàng không xuất trình được bất cứ giấy tờ gì liên quan đến việc khai thác cát và khai nhận đã hoạt động khai thác cát trái phép được một thời gian.
Trước đó, ngày 19/3, công an huyện Đông Anh cũng đã kiểm tra bãi Thanh Lan, thôn Mạch
Lũng, Đại Mạch, Đông Anh phát hiện Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hồng Phúc (ở thôn Đại Độ, xã Võng La, huyện Đông Anh ) do ông Nguyễn Văn Phúc (1973) làm giám đốc, đang khai thác cát trái phép dưới lòng sông Hồng. Tại thời điểm kiểm tra, ông Phúc không xuất trình được giấy tờ liên quan đến việc khai thác cát. Sau khi lập biên bản, công an huyện đã tịch thu phương tiện khai thác cát và tiếp tục củng cố hồ sơ để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tàu khai thác cát bị công an Đông Anh tạm giữ
Thủ đoạn ăn cắp cát tinh vi
Thời gian vừa qua, lực lượng công an đã bắt và khởi tố nhiều nhóm khai thác cát trái phép trên dọc tuyến sông Hồng thuộc địa bàn thành phố Hà Nội. Tiêu biểu vụ bắt 7 đối tượng khai thác cát trái phép tại xã Vạn Điểm, Thường Tín, Hà Nội.
Sau khi bị lực lượng công an truy quyét, các nhóm khai thác đã thay đổi cách thức ăn trộm cát nhằm qua mặt cơ quan chức năng. Trong vụ việc này, thay vì trực tiếp thuê các tàu khai thác, hút cát trực tiếp dưới lòng sông Hồng, đối tượng Hồng Phúc, Mậu Hoàng đã thuê lại một phần diện tích đất nông nghiệp nhằm tận dụng khai thác đất đai mùa nước xuống nhưng thực chất để có mặt bằng tập kết cát trái phép.
Qua tìm hiểu thực tế của PV, khu vực bãi bồi Mạch Lũng nằm sát khu vực ven sông, xa khu
vực lòng sông Hồng nên các cơ quan chức năng khó phát hiện hành vi khai thác cát trái phép của các nhóm đối tượng. Vào thời điểm mùa nước lên, khu vực này ngập trắng nước. Nhưng, khi nước rút, lượng cát từ thượng nguồn sông Hồng đổ về đã lấp đầy các hố cát lớn tạo thành các mỏ cát lộ thiên lớn. Các nhóm khai thác chỉ việc dùng máy bơm hút trực tiếp từ mỏ cát lên thẳng bãi tập kết một cách khá dễ dàng, không tốn kém nhiều khoản chi phí như thuê tàu hút và vận chuyển cát từ giữa lòng sông về bãi tập kết.
Chính quyền “đá” trách nhiệm
Theo ông Nguyễn Thành Trí – Chủ tịch xã Đại Mạch cho biết, sau khi phát hiện tình trạng thuê đất nông nghiệp nhưng không sử dụng vào việc trồng trọt mà làm bãi tập kết khai thác cát trái phép, xã đã lập biên bản nhiều lần và tháng 3/2014, xã đã có quyết định thu hồi lại khu đất nông nghiệp đã cho thuê. Nhưng, các đối tượng vẫn thực hiện việc lén lút ăn trộm cát trong khi chính quyền xã không đủ điều kiện để có thể quản lý 24/24 giờ được, do vậy hoạt động khai thác cát trộm này chưa được xử lý triệt để. Ông Trí cũng cho rằng, để xóa sổ nạn khai thác cát, cần có sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của nhiều cấp, nhiều ngành.
Còn trả lời câu hỏi của PV liên quan đến vụ việc này Thượng tá Lê Thanh Hùng – phó trưởng công an huyện Đông Anh cho rằng, có nhiều việc cơ quan công an cũng không thể xử lý hết được. Đơn cử, việc quản lý sử dụng đất đai trực tiếp của UBND xã nhưng họ chưa vào cuộc một cách quyết liệt. Đây chính là kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng để thực hiện hành vi khai thác cát trái phép
Được biết, Cơ quan CSĐT - Công an huyện Đông Anh đang củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý các đối tượng khai thác cát trái phép.
Ý kiến bạn đọc