Phó Chủ tịch Hội KTS Hà Nội Lê Văn Lân: “Cầu Long Biên đã quá mất an toàn và bệ rạc”

12:58, 15/03/2014
|

(VnMedia) - Xung quanh câu chuyện sẽ sửa chữa, cải tạo và bảo tồn cầu Long Biên như thế nào, KTS. Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, không thể để lâu hơn nữa vì đã quá mất an toàn và bệ rạc.

Ảnh minh họa

, KTS. Lê Văn Lân, Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, không thể để lâu hơn nữa vì đã quá mất an toàn và bệ rạc - ảnh: Vũ Quang Ngọc


 
Những tranh luận chung quanh Cầu Long Biên gần đây chắc hẳn còn nhiều ý kiến cụ thể hơn nếu có được những thông tin và các tiêu chí kỹ thuật một cách thật đầy đủ. Bước đầu là biểu lộ quan điểm và thể hiện tình cảm yêu mến cùng cả bức xúc với chuyện cây cầu, trước những tiêu đề in đậm "Di dời Cầu Long Biên" trên một số báo, mà thực thì chưa phải là thế. Kịch tính nhất, một độc giả trên báo mạng đề xuất nẩu chảy cây cầu hiện nay rồi đúc thành những thanh thép mới, làm lại giống y như cũ, để giữ cho được tính nguyên gốc! Ý tưởng gây cười và khá tào lao ấy tuy vậy cũng phần nào giúp chúng ta bình tĩnh trở lại, thận trọng thêm trong những cân nhắc...
 
Cá nhân tôi cũng không nguôi sự đắn đo và muốn được bày tỏ vài điều suy nghĩ:
 
Về dự án di dời một nửa cây cầu đến chỗ mới làm bảo tàng, đây là một ý tưởng tâm huyết. Nhâm nhi tách cà phê trên toa tầu cố định trên cầu thực sự là đầy ấn tượng. Nhưng đổi lại, cây cầu phải chịu mất đi một nửa và cả nơi nó sinh thành, mà phần còn lại cũng chẳng thể gọi là cầu dù dài đến cả 9 nhịp. Chỉ còn là một khối sắt của Cầu Long Biên xưa, từng có hình dáng được thiết kế theo yêu cầu của sức chịu lực mà lượn sóng cao thấp. Rồi người Hà Nội quen dần cùng với liên tưởng về một con rồng đang lướt qua sông. Mồ hôi và ký ức cứ đọng lại mà ngày thêm gần gũi thân thiết...
 
Theo đồ án, thì một nửa con rồng này tới đây còn được nuốt vào mình một không gian bọc kính no đầy, tựa con trăn lớn; nửa còn lại như đã nằm yên dưới mặt sông. Cơ ngơi, hy vọng dùng làm kỷ niệm ấy, rất dễ tạo nên một ghi nhận tiêu cực về sức mạnh của bom đạn, ghê đến mức, cắt gọn và làm một nửa cây cầu tan biến. Rồi hai ụ pháo, càng trở nên bé bỏng, không cân sức và lẻ loi, đâu còn là khí thế Hà Nội từng hiệp đồng đánh trả kẻ địch ngày nào.
 
Còn Đồ án cây cầu mới, đã được Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu thiết kế từ năm 2008. Đây là cây cầu cho đường sắt, là cầu của tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội, tức là tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi. Tất nhiên là sử dụng cho khách lên xuống các ga của tuyến này. Cây cầu mới tưởng như chẳng liên quan gì đến Cầu Long Biên, nên lâu nay mới yên ắng như vậy. Nhưng rồi tàu đô thị dùng được thì tàu quốc gia, tàu cao tốc dùng cũng thích hợp. Đã mấy lần dịch chuyển vị trí, vì phải cân nhắc về giải phóng mặt bằng và ảnh hưởng đến Cầu Long Biên. May là tàu hỏa thì chẳng thể chạy vòng vèo hay lên cao xuống thấp được, nên phạm vi giải tỏa làm đường cũng là có mức độ, nếu không đưa cầu quá xa lên phía Bắc.
 
Còn lại là tương lai của Cầu Long Biên.
 
Về cảnh quan và yêu cầu bảo tồn thì mọi xây dựng càng gần cầu cũ càng làm hỏng dáng độc đáo, dõng dạc mà các thế hệ người Hà Nội từng yêu mến và tự hào. Chiếc cầu đường sắt mới này rất cần có dáng dấp bình thưởng, phẳng ngang theo chiều dài cầu, đừng làm theo dạng vòm liên kết cân bằng liên tục kết hợp với dàn WARREN, dù cho đấy là một giải pháp kết cấu phổ biến. Các dàn hình tròn này rất không thích hợp khi đặt gần dàn cầu Long Biên cũ.
 
Về cầu đang sử dụng, hi vọng chúng ta còn có thêm thời gian để cân nhắc. Tuy vậy, cũng chẳng còn cho phép chúng ta để lâu hơn nữa, đã quá mất an toàn và bệ rạc. Câu chuyện mấy chục năm rồi cầu chưa được sơn, chẳng phải vì tàu xe vẫn thường xuyên chạy qua nên khó thực hiện mà vì hàng loạt lý do và định hướng cho số phận của nó.
 
Mong ước của chúng ta không dừng lại ở việc giữ cây cầu, mà cả giữ cho những đoàn tầu vẫn êm ả chạy qua, không được 1435 thì cũng tạm với khổ ray 1000. Nhớ lại ở phía Bắc nước Đức, họ vẫn còn dùng những đoàn tàu hơi nước sản xuất từ đầu thế kỷ XX, mỗi đoàn tàu chỉ ba bốn toa. Đầu và toa kích thước chỉ nhỉnh hơn một nửa tàu đang dùng ở ta hiện nay. Cũng băng đồng, vượt rừng, hú còi và vào cả trong lòng thành phố, không chỉ cho khách du lịch mà cả cư dân... Đi trên đó thật tuyệt, cứ nhìn thấy đoàn tàu thôi cũng đã thấy yêu rồi.
 
Mong rằng chúng ta sẽ có cách giải quyết hợp tình hợp lý. Nhất định cầu Long Biên vẫn mãi sống.

KTS Lê Văn Lân
Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Hà Nội


Ngọc Quỳnh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc