Phát ớn những ông chồng hay dỗi

07:02, 23/03/2014
|

(VnMedia) - Thỉnh thoảng giả vờ giận dỗi một chút để vợ dỗ dành có thể làm cuộc sống vợ chồng phong phú thêm, nhưng nếu một người đàn ông thường xuyên dỗi để phụ nữ phải nịnh nọt dỗ dành, họ trở nên kém cỏi và khiến các bà vợ chán ngán...

Ảnh minh họa

Nếu một người đàn ông thường xuyên dỗi để phụ nữ phải nịnh nọt dỗ dành, họ trở nên kém cỏi...


 
Vốn là con cái út của một vị đại tá quân đội, Thu Hoài được cưng chiều từ nhỏ. Lúc đi học, cô cũng luôn được các bạn trai cùng lớp đối xử như với một cô em gái. Vì thế, Thu Hoài lúc nào trông cũng nhẹ nhàng, yếu đuối. Mọi người đều bảo: Anh nào sau này mà lấy nó thì sẽ chiều chuộng phải biết! Thế nhưng... 
 
Chồng Hoài là một người đàn ông đích thực, nếu xét theo các gạch đầu dòng: Anh cao to, khá đẹp trai với bộ râu quai nón và cái cằm vuông nam tính. Hơn thế, chồng Hoài kiếm tiền cũng giỏi. Mặc dù vậy, anh cũng chẳng bồ bịch trai gái gì (đó là Hoài nghĩ thế). Tuy nhiên, có một điểm, mà chỉ vì một điểm này thôi mà Hoài thấy cuộc sống của mình quá ngột ngạt, mệt mỏi. Đó là chồng Hoài rất hay dỗi.
 
“Bình thường anh ấy rất vui vẻ, chiều vợ chiều con. Nhưng hễ có gì không vừa lòng là anh ấy dỗi, mà dỗi một cách dai dẳng rất khó chịu. Anh ấy có thể không nói gì cả tuần, mặt mũi sầm sì chỉ vì tôi tự ý mua một cái chảo chống dính mới mà không hỏi ý kiến. Hoặc có lần đi làm về, thấy anh ấy nằm trong nhà (hơi bất thường) nhưng tôi chỉ hỏi “anh làm sao thế?” thay vì phải vào sờ trán, cặp nhiệt độ… Tôi là vợ anh ấy, thế mà cứ phải đi làm lành dỗ dành thì mới yên chuyện, nếu không thì không khí trong nhà sẽ cực kỳ căng thẳng” - chị Hoài than thở.
 
Cũng có ông chồng hay dỗi, chị Nhàn cho biết cảm thấy mình như một “thằng đàn ông” khi luôn phải “dỗ” ông chồng mặt nặng mày nhẹ vì những lý do không đâu.
 
“Có lần, khi đi làm về, tôi bỗng dưng thấy anh ấy lầm lì không nói gì. Tôi nghĩ mãi không ra lý do, mà hỏi thì anh ấy cũng không nói. Suốt những ngày sau đó, tôi cứ phải giả vờ như không có chuyện gì, cố tình vui vẻ nói cười cho không khí đỡ nặng nề. Rồi cả tháng sau, khi chúng tôi đã vui vẻ trở lại, anh ấy mới hỏi: Thế hôm ấy đi đâu mà tô son kỹ thế? Lúc ấy tôi tức phát điên lên. Hóa ra suốt cả thời gian dài tôi đã phải khổ sở vì một cái lý do lãng xẹt như vậy. Nếu anh ấy cứ hỏi thẳng thì tôi đã nói cho anh ấy biết là hôm ấy cơ quan tôi đón đoàn đại biểu thanh niên tỉnh bạn đến giao lưu” - chị Nhàn bức xúc kể.
 
Hay dỗi nhiều nhất có lẽ là những ông chồng… yếu thế. Càng làm ra ít tiền hơn, càng trình độ thấp hơn, càng sức khỏe yếu hơn… thì họ lại càng hay dỗi hơn. Dường như, dỗi lúc này trở thành vũ khí để các ông chồng bảo vệ lòng tự trọng của mình. Đây cũng chính là cách cư xử “hành hạ” các bà vợ nhiều nhất.
 
“Chồng tôi vốn chỉ là một nhân viên văn phòng bình thường, còn tôi lại là cán bộ ngân hàng. Tôi được như ngày nay là nhờ sự nỗ lực rất lớn của bản thân, còn chồng tôi thì tính hơi “ì” nên không thể thăng tiến được. Thế nhưng, chuyện thành công của tôi dường như trở thành một cái tội lớn đối với chồng. Mỗi khi định góp ý gì với chồng, tôi phải “uốn lưỡi 7 lần” mà vẫn bị anh ấy phản ứng bằng cách… dỗi. Việc cứ phải ý tứ, rồi xin lỗi, rồi làm lành… khiến tôi quá chán ngán. Nhưng nếu tôi mà nói nửa câu rằng… chán chồng thì ngay lập tức anh ấy bảo tôi đã coi thường anh ấy và lại tiếp tục… dỗi sâu hơn” - chị Thuận, làm cán bộ khá “to” ở một ngân hàng chia sẻ.
 
Trong khi đó chị Oanh cũng cho biết càng ngày càng coi thường chồng bởi cái tính hay dỗi như một đứa trẻ con. “Anh ta cứ đòi tôi phải tôn trọng, phải đề cao nhưng bản thân thì cư xử như một đứa con gái. Hơi một tí là anh ta dỗi. Vợ nấu món ăn không hợp với khẩu vị, dỗi. Vợ ăn diện váy đẹp đi làm, dỗi. Vợ nói chuyện điện thoại vui vẻ với đồng nghiệp, dỗi. Vợ hay về thăm bà ngoại, dỗi. Vợ đi ngủ trước, dỗi. Vợ đi ngủ sau, dỗi. Vợ mải chơi với con nên không trả lời ngay khi chồng hỏi, dỗi. Đang nói chuyện với chồng, vợ quay sang giảng bài cho con, dỗi. Cuộc sống vợ chồng chúng tôi có đến 1 nửa thời gian là chồng dỗi, vợ làm lành.” - chị Oanh kể về ông chồng mà theo chị là “có một không hai”.
 
Việc hết lần này sang lần khác phải xuống nước dỗ chồng khiến các bà vợ vừa mệt mỏi, vừa dần dần cảm thấy tình cảm bị phai nhạt đi. Không xuống nước làm lành thì căng thẳng mệt mỏi, mà làm lành xong thì lại ấm ức khó chịu là tâm lý của nhiều phụ nữ có chồng hay dỗi. Nhiều chị cho biết thèm được trở lại là người phụ nữ yếu đuối, có người đàn ông chăm sóc, dỗ dành. Đây cũng chính là điểm yếu để những người đàn ông ga lăng, đa tình khác tấn công và nếu không vững vàng, họ có thể gục ngã lúc nào không hay.

"Khi dỗ dành, xuống nước trước một người phụ nữ, đàn ông trở nên mạnh mẽ hơn và "cao hơn". Còn với đàn ông, thỉnh thoảng giả vờ giận dỗi một chút để vợ dỗ dành có thể làm cuộc sống vợ chồng phong phú thêm. Nhưng nếu một người đàn ông thường xuyên dỗi và để phụ nữ phải nịnh nọt dỗ dành, họ trở nên yếu đuối và kém cỏi trong mắt các bà vợ." - một chuyên gia tâm lý cảnh báo.


Mỹ Hạnh

Ý kiến bạn đọc