Những "khó hiểu" về vụ máy bay Malaysia mất tích

13:27, 09/03/2014
|

"Tai nạn xảy ra với máy bay này của Hãng hàng không Malaysia Airlines là “rất khó hiểu, có điều gì đó rất đột ngột đến nỗi phi công không kịp thông báo bất cứ điều gì cho kiểm soát không lưu”.

Trao đổi vớiTuổi Trẻ, phi công Nguyễn Thành Trung - nguyên Phó tổng giám đốc Hãng hàng không Vietnam Airlines (VNA), nhiều năm là cơ trưởng Boeing 777-200, cơ trưởng các chuyên cơ chở nguyên thủ quốc gia - cho biết ông đã lái máy bay qua lại khu vực này rất nhiều lần, “thời tiết khu vực này bình thường, đặc biệt trong mùa này là rất tốt, không ảnh hưởng đến việc bay”.

 Ảnh minh họa
 

Các chuyến bay từ Malaysia, Singapore đi về phía bắc hoặc từ VN đi Malaysia, Singapore đều phải qua lại khu vực không phận này.

Theo ông Trung, về hệ số an toàn thì dòng máy bay Boeing 777 có hệ số an toàn cao so với các dòng máy bay khác nên tai nạn xảy ra với máy bay này của Hãng hàng không Malaysia Airlines là “rất khó hiểu, có điều gì đó rất đột ngột đến nỗi phi công không kịp thông báo bất cứ điều gì cho kiểm soát không lưu”.

Theo ông Trung, thông thường nếu có sự cố về kỹ thuật, phi công sẽ báo cáo cho kiểm soát không lưu và họ hoàn toàn có đủ thời gian và phương tiện kỹ thuật để xử lý.

Ở tọa độ và khoảng thời gian bay chưa ra khỏi không phận Malaysia như trường hợp này, phi công hoàn toàn có thể cho máy bay quay về Kuala Lumpur (Malaysia).

Phương án khác là hạ cánh xuống điểm dự bị gần nhất, có thể là xuống sân bay Phú Quốc hoặc sân bay Cần Thơ, hai sân bay hoàn toàn có đủ cơ sở hạ tầng để đón máy bay lớn như Boeing 777.

Máy bay cũng có thể đi thêm đến sân bay Tân Sơn Nhất và hạ cánh an toàn. Trong trường hợp bị hỏng một động cơ, máy bay vẫn có thể bay thêm vài tiếng đồng hồ nữa mà không có vấn đề gì. Vì vậy phi công hoàn toàn có thể đưa máy bay hạ cánh an toàn xuống sân bay Tân Sơn Nhất.

Nếu xấu hơn, cả hai động cơ đều bị hỏng, mà trường hợp này là vô cùng hi hữu, máy bay đang ở độ cao khoảng 11km so với mặt đất thì phi công vẫn có thể tính toán khoảng thời gian máy bay còn lướt được trên không và tìm phương án hạ cánh: hoặc xuống biển hoặc xuống sân bay gần nhất, trong trường hợp này hoàn toàn có thể xuống sân bay Phú Quốc.

Phi công sẽ phải thông tin cho mặt đất bằng các hệ thống liên lạc thông thường để chuẩn bị phương án ứng cứu.

                                                 Máy bay mất tích lúc an toàn nhất

Vì sao chiếc máy bay Boeing 777-200 của Malaysia biến mất đến nay vẫn còn là một ẩn số. Chuyên gia hàng không của CNN Richard Quest nói máy bay khi ấy đang ở thời điểm an toàn nhất của một chuyến bay.

Ông giải thích: “Lúc đó máy bay đã khởi hành được 2 giờ. Đây là thời điểm được xếp vào khoảng thời gian bay bằng. Chúng ta có thể chia ra các giai đoạn của chuyến bay thành lăn bánh, cất cánh, nâng độ cao và bay bằng”.

Ông Quest chỉ ra rằng trong giai đoạn bay bằng, đây là lúc an toàn nhất và dường như không có gì để sai sót cả. “Máy bay ở độ cao này đang trong chế độ bay tự động, phi công chỉ có một chút điều chỉnh nhỏ và thay đổi độ cao trong lúc máy bay đốt nhiên liệu. Vì vậy điều gì đó xảy ra ở độ cao này phải cực kỳ nghiêm trọng” - ông Quest giải thích.

Chuyên gia hàng không Jim Tilmon nói loại máy bay Boeing 777-200 là loại máy bay tối tân và có lịch sử an toàn tuyệt vời. Chỉ có một vụ tai nạn chết người liên quan đến loại máy bay này là vụ của Hãng Asiana Airlines tại sân bay San Francisco (Mỹ) hồi tháng 6 năm ngoái khiến 3 người thiệt mạng. Các vụ còn lại nhỏ lẻ không có thương vong. Malaysia Airlines có 15 chiếc Boeing 777-200.



(theo Tuổi Trẻ)

Ý kiến bạn đọc