(VnMedia) - Chiều 25/3, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã ra quyết định thanh tra đột xuất công tác tổ chức, quản lý, xây dựng các dự án có sự góp mặt của nhà thầu là Công ty Tư vấn giám sát Giao thông vận tải Nhật Bản (JTC) tại Việt Nam.
>>Thứ trưởng sang Nhật xác minh vụ hối lộ
>>Thêm 2 Phó Tổng giám đốc bị dừng công tác vì "nghi án" hối lộ
>>Dự án "tố" nhận 700.000 USD: "Vướng" đủ kiểu!
>>Dừng công tác Giám đốc Ban Quản lý dự án đường sắt
>>Đã có 4 lãnh đạo ngành Đường sắt bị đình chỉ công tác
Tin từ Bộ Giao thông vận tải tối 25/3 cho biết, trong ngày, Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải đã thành lập 2 đoàn thanh tra đột xuất công tác tổ chức, quản lý, thực hiện dự án xây dựng đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi) và một số dự án của Tổng Công ty đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư có sự có mặt của Công ty JTC thực hiện.
Dịp này, Thanh tra Bộ Giao thông vận tải cũng sẽ tiến hành thanh tra công tác tổ chức, quản lý, thực hiện các tiểu dự án xây dựng đường sắt đoạn Hạ Long - Cái Lân, Lim - Phả Lại, Phả Lại - Hạ Long do Cục đường sắt Việt Nam làm chủ đầu tư.
Được biết, tất cả các hoạt động thanh tra nêu trên sẽ do Chánh Thanh tra Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Huyện chịu trách nhiệm giám sát.
|
Mô hình một tuyến đường sắt đô thị trong nội đô Hà Nội. Ảnh: Internet. |
Trong một diễn biến liên quan, hiện để làm rõ "nghi án" do đơn vị nhà thầu Nhật Bản tố cáo, Bộ Công an cũng đang phối hợp với Thanh tra của Bộ Giao thông Vận tải, tiến hành xem xét lại toàn bộ các dự án xây dựng đường sắt độ thị Hà Nội, đặt biệt là dự án JTC đã trúng thầu nhằm phát hiện những sai sót, vi phạm trong quá trình thực hiện dự án .
Theo Bộ Công an, căn cứ vào kết quả giải quyết sự việc của các cơ quan Tư pháp Nhật Bản, trên cơ sở đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ thực hiện việc xác minh tin báo, tố giác về tội phạm cũng như thực hiện các yêu cầu tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật. Khi có đủ căn cứ pháp lý, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an sẽ quyết định xử lý vụ việc trên theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam và thông lệ quốc tế.
Xung quanh vụ nhật báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun đưa tin, một người được cho là công tác ở đơn vị quản lý dự án của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam đã được JTC "lại quả" số tiền 80 triệu yên để đơn vi này giành được hợp đồng tư vấn thiết kế dự án đường sắt đô thị sử dụng nguồn vốn ODA của Nhật Bản.
Đến chiều ngày 24/3, đã có 4 quan chức cấp cao của ngành đường sắt bị đình chỉ công tác để làm rõ những khả năng có liên quan gồm: ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Ban Quản lý các dự án đường sắt của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam; ông Ngô Anh Tảo và ông Trần Quốc Đông, 2 vị Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và ông Trần Văn Lục, Giám đốc Ban quản lý dự án đường sắt, Cục Đường sắt Việt Nam.
Sở dĩ 4 người này bị đình chỉ công tác trong thời hạn nhất định để giải trình là do đang hoặc đã từng có thời gian gắn bó với Ban Quản lý dự án đường sắt của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, nơi đơn vị bạn "tố" nhận 700.000 USD hối lộ.
Để nhanh chóng xác minh "nghi án" này, tối ngày 25/3, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông đã đích thân sang Nhật Bản để làm việc với tất cả các cơ quan của Nhật Bản bao gồm Cục Thuế khu vực Tokyo; Đội điều tra đặc biệt của Văn phòng Công tố Tokyo và Nhật báo lớn nhất Nhật Bản Yomiuri Shimbun nhằm xác minh thông tin về sự việc nghi án nhận hối lộ của quan chức ngành đường sắt Việt Nam.
Điều đáng nói là trong vụ việc này, tuy chưa có bằng chứng cụ thể và chưa được nước bạn thông báo chính thức mà chỉ tiếp nhận thông tin qua báo chí nhưng Bộ Giao thông vận tải đã ngay lập tức bắt tay vào điều tra nghi án trên.
Sở dĩ có điều này là do cách đây vài năm, cũng từ báo chí Nhật Bản đưa tin, ông Huỳnh Ngọc Sĩ, nguyên Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải TPHCM, nguyên Trưởng Ban quản lý dự án Đại lộ Đông - Tây đã bi kết án 20 năm tù vì nhận hối lộ 262.000 USD từ quan chức Nhật Bản để Công ty tư vấn quốc tế Thái Bình Dương thắng thầu dự án xây dưng Đại lô Võ Văn Kiệt năm 2008.
Ý kiến bạn đọc