Lắp ráp điện tử: Mù mờ thông tin về độc hại

19:01, 16/03/2014
|

(VnMedia) - Những năm gần đây, số các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử đầu tư vào Việt Nam liên tục tăng. Điều này được kỳ vọng mở ra một cơ hội việc làm nhiều hơn, tăng trưởng kinh tế tốt hơn, nhưng đằng sau đó cũng là những nguy cơ, đặc biệt là đối với sức khỏe người lao động.

Bài 1: Mù mờ thông tin
 
Hiện nay, nhiều Tập đoàn lớn đã chọn Viêt Nam là điểm đến để đặt các nhà máy lắp ráp điện tử. Lý do là vì Việt Nam đã tăng cường các điều kiện ưu đãi về thuế đối với linh kiện điện tử. Trong khi đó, thị trường lao động đang ở thời kỳ dân số vàng, với lực lượng lao động trẻ dồi dào mà chi phí nhân công lại rẻ hơn nhiều nước khác. Chi phí tài nguyên ở Việt Nam cũng vào diện thấp.
 
Đặc biệt, trong khi tình hình nhiều nước đang có bất ổn thì nền chính trị của Việt Nam khá ổn định. Cùng với đó, trong quá trình hội nhập, Chính phủ đã đưa ra nhiều chính sách nhằm thu hút đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài.
 
Với những đặc điểm trên, ngành công nghiệp điện tử là một trong những ngành công nghiệp được đánh giá phát triển nhanh nhất hiện nay. Ngành này đã có những đóng góp tích cực trong giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động phổ thông trong khu vực nông thôn, góp phần tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
 
Ngành công nghiệp điện tử Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu năm 2013 gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, điện thoại các loại và linh kiện đạt khoảng 32,1 tỷ USD, chiếm khoảng 24% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu. Việt Nam hiện đã là một trong những nước sản xuất linh kiện, lắp ráp điện tử cho các tập đoàn điện tử lớn trên thế giới như Sony, Samsung, Sanyo, Toshiba.
 
Hiện có hơn 500 nhà máy, công ty điện tử ở Việt Nam, tốc độ tăng trưởng trung bình hàng năm  là 20-30%. Toàn ngành hiện có khoảng 200.000 lao động, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực lắp ráp sản phẩm điện tử tiêu dùng và sản xuất phụ tùng linh kiện xuất khẩu. Số lượng công nhân trong lĩnh vực này ngày càng tăng.
 
Tuy nhiên, việc tiếp nhận đầu tư trong ngành công nghiệp này không chỉ có màu hồng. Ngoài những lo ngại về ô nhiễm môi trường thì vấn đề sức khỏe người lao động trong ngành công nghiệp đặc thù này vẫn đang là một ẩn số không những chưa có lời giải mà gần như chưa được đặt ra một cách công khai, minh bạch.
 
Theo ông Lê Trường Giang, Trung tâm Nghiên cứu môi trường và điều kiện lao động - Viện Khoa học Lao động và Xã hội - Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, ở Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu sâu nào về bệnh nghề nghiệp liên quan đến lao động tại các nhà máy lắp ráp điện tử. Bản thân các doanh nghiệp cũng không hề công khai, minh bạch về môi trường làm việc và những ảnh hưởng có thể xảy ra đối với người lao động. Trong khi đó, người lao động cũng chỉ quan tâm đến thu nhập có thể được hưởng chứ chưa có một hiểu biết nào về nguy cơ đối với sức khỏe của bản thân trong quá trình làm việc.

Ảnh minh họa

Chưa có một nghiên cứu sâu nào về ảnh hưởng của môi trường tại các nhà máy lắp ráp điện tử ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe của người lao động tại Việt Nam - ảnh minh họa


Thực tế, khi làm việc tại các nhà máy lắp ráp điện tử như Foster Việt Nam hay Jahwa Vina, phóng viên đều nhận được câu khẳng định là các nhà máy này không sử dụng bất kỳ một loại hóa chất hay vật liệu độc hại nào gây ảnh hưởng không tốt cho sức khỏe của công nhân. Đại diện các công ty này cũng cho biết, chưa từng có dấu hiệu nào về bệnh nghề nghiệp trong các công nhân của họ.
 
Tương tự, tiếp xúc với phóng viên, khi được hỏi về hiểu biết của mình với nghề nghiệp mà họ đang hoặc đã làm tại các nhà máy lắp ráp điện tử, gần như 100% công nhân đều trả lời " không biết". Thậm chí, họ không hề có ý định tìm hiểu.
 
“Em đã làm công việc lắp ráp điện tử được gần 1 năm, trong công đoạn hàn, lúc đầu vào xưởng, em có ngửi thấy mùi gây khó chịu. Nhưng bây giờ, em quen rồi nên không còn cảm giác gì nữa” – H. một công nhân làm tại nhà máy Foster cho biết.
 
Ngay cả khi các nhà báo làm việc với chính quyền địa phương nơi có các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp thiết bị điện tử đang hoạt động, lãnh đạo địa phương cũng cho biết họ không không có thông tin gì vệ bệnh nghề nghiệp liên quan đến lĩnh vực này.
 
Theo ông Nguyễn Văn Huyến – Chánh văn phòng UBND thị xã Phúc Yên, hiện trên địa bàn Phúc Yên có khoảng gần 1000 doanh nghiệp đang hoạt động trong các lĩnh khác nhau, trong đó có cả doanh nghiệp lắp ráp điện tử. Tuy nhiên, ông Huyến cho biết “chỉ nghe nói là có độc hại” chứ chưa từng được thông tin một cách cụ thể về những nguy cơ của bệnh nghề nghiệp trong lĩnh này.

Vậy, trên thực tế, nghề lắp ráp điện tử có phải hoàn toàn "vô hại" đối với sức khỏe người lao động như các nhà sản xuất tại Việt Nam khẳng định?, và thực tế gì đã xảy ra tại chính những nước "mẹ đẻ" của ngành công nghiệp này?
 
Bài 2: Nghề lắp ráp điện tử có thật sự gây bệnh tật?


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc