(VnMedia) - Tại Việt Nam, chưa có một nghiên cứu sâu nào về ảnh hưởng của nghề lắp ráp điện tử với sức khỏe người lao động, tuy nhiên, từ phân tích của các nhà khoa học và kinh nghiệm trên thế giới cho thấy, đã có những bằng chứng về các căn bệnh ung thư...
>> Lắp ráp điện tử: Mù mờ thông tin về độc hại
Bài học từ những cái chết
Theo bà Ngô Hương, nguyên Giám đốc Trung tâm Phát triển và Hội nhập (CDIvietnam), đối với ngành công nghiệp lắp ráp điện tử, nhìn bề ngoài thì thấy rằng rất sạch sẽ và ít ảnh hưởng đến môi trường. Tuy nhiên, tham khảo hồ sơ IBM 1969 - 2001 cho thấy, IBM ghi nhận trong 30 năm qua, nguyên nhân dẫn đến cái chết của 30.000 công nhân cho thấy, ung thư vú ở phụ nữ tại IBM cao hơn gấp 2,42 lần bình thường. Trong khi đó, đã phát hiện ra những nguyên nhân gây ung thư não, ung thư thận và ung thư gan.
Còn tại Hàn Quốc, nghiên cứu từ tập đoàn Samsung cho thấy, năm 2007 phát hiện nạn nhân đầu tiên, năm 2009 phát hiện 21 nạn nhân và năm 2010 có 45 nạn nhân. Năm 2011, con số nạn nhân tăng lên 120 và trong đó, 46 nạn nhân đã chết.
Theo tìm hiểu của bà Ngô Hương, gần 30 người Hàn Quốc đã nộp đơn khiếu nại lên cơ quan Phúc lợi và Bồi thường người lao động tại Hàn Quốc (KWCW), cho rằng làm việc tại các nhà máy của Samsung khiến họ mắc nhiều bệnh nguy hiểm như ung thư, đa xơ cứng hay u não. Năm 2011, tòa án Seoul cũng kết luận rằng nhà máy bán dẫn của hãng này gây ra bệnh ung thư cho 2 nhân viên cũ. Trong khi đó, phát ngôn viên James Chung của Samsung cho biết hãng sẽ không kháng cáo.
“Như vậy, lãnh đạo công ty không phủ nhận tồn tại và tác hại của điện tử trường cũng như đại diện Samsung tại Hàn Quốc không kháng án chống lại sự cáo buộc của cơ quan Phúc lợi và Bồi thường người lao động tại Hàn Quốc thuộc Bộ Lao động ngày 18/12/2012 về mối quan hệ nhân quả giữa điều kiện lao động của các nhà máy Samsung với căn bệnh ung thư do hóa chất hay làm đêm” - bà Ngô Hương nói.
Tại Trung Quốc, công nhân Foxcon đã biểu tình tại Wuhan vào tháng 1 và tháng 4/2012 do các vấn đề về sức khỏe.
Nhiều yếu tố độc hại
bà Ngô Hương cho biết, một số tác hại chính khi làm việc trong ngành điện tử bao gồm: Bức xạ điện tử trường phát ra từ hệ thống máy thiết bị; hóa chất làm từ keo, hóa chất thành phần của chất bán dẫn, nguyên vật liệu sản xuất linh kiện tại khu vực sản xuất vỏ nhựa, bảng mạch điện tử; môi trường chênh lệch nhiệt độ với bên ngoài…
Còn theo TS Doãn Ngọc Hải, Phó Viện trưởng Viện sức khỏe nghề nghiệp và môi trường thì yếu tố nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe trong ngành điện tử bao gồm các hóa chất như Axit, kiềm, khi đông lạnh, xyanua, chất phụ gia, chất độn, kim loại, chất oxy hóa, nhựa, dung môi chất bán dẫn, hạt nano… Ngoài ra còn các yếu tố khác như khí hậu, ánh sát, tiếng ồn, bụi, hơi khí độc…
TS Doãn Ngọc Hải |
“Điều kiện lao động của ngành sản xuất và lắp ráp điện tử có thể nói là ở mức nặng nhọc độc hại và ở một số công đoạn như sản xuất pin, con chip, test chức năng có thể ở mức đặc biệt nặng nhọc độc hại nguy hiểm với các hóa chất nguy hiểm, bức xạ ion hóa và không ion hóa, công việc căng thẳng và tác hại của việc làm đêm với đọ dài 9-10 tiếng” – TS Doãn Ngọc Hải nêu rõ.
Trong khi đó, ông Lê Trường Giang, Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Điều kiện Lao động phân tích, sản xuất linh kiện điện tử hay lắp ráp điện tử đều cho ra các sản phẩm yêu cầu độ chính xác cao. Môi trường nơi sản xuất phải luôn đảm bảo phù hợp với các sản phẩm như nhiệt độ, độ ẩm, độ sạch. Một trong các đặc điểm đặc thù là người lao động làm việc trong phòng kín, với hệ thống điều hòa… được gọi là phòng sạch. “Tuy nhiên, sạch ở đây là với sản phẩm chứ không phải là với người lao động” – ông Lê Trường Giang nói.
Ngoài tác hại của hóa chất như TS Doãn Ngọc Hải hay bác sĩ Ngô Hương đã phân tích, ông Lê Trường Giang còn chỉ ra yếu tố sinh lý lao động, với các tư thế làm việc tĩnh tại đứng hoặc ngồi trong dây chuyền lắp ráp với cường độ cao cùng các chi tiết nhỏ, màn hình, âm thanh yêu cầu độ chính xác… dễ gây giảm thị giác, thính giác và căng thẳng, mệt mỏi thần kinh.
Một vài ví dụ về tác hại của các hóa chất trong ngành lắp ráp điện tử: |
Bài 3: Lắp ráp điện tử gây hại sức khỏe: Cần sự minh bạch
Ý kiến bạn đọc