(VnMedia) - Suốt một tuần qua, cả thế giới dường nhưng sống trong sự hoài nghi về số phận chiếc máy bay MH370 chở theo 239 người mất tích. Sự việc chỉ phần nào sáng tỏ khi nhà chức trách Malaysia thông báo, chiếc máy bay bị mất tích đã bị bắt cóc.
>>Dừng tìm kiếm máy bay Malaysia mất tích
Ngày 8/3 vừa qua, thêm một ngày khó quên trong lịch sử hàng không thế giới khi chiếc máy bay MH370 của Hàng hàng không Malaysia chở theo 239 người từ Kuala – Lumpur đến Bắc Kinh (Trung Quốc) bất ngờ mất tín hiệu khi bay gần tới khu vực kiểm soát bay của Việt Nam.
Mặc dù, chiếc máy bay mất tích chưa vào địa phận kiểm soát không lưu của Việt Nam nhưng trước thông tin cho rằng, chiếc máy bay có thể rơi ở khu vực đảo Thổ Chu, Việt Nam đã lập tức cử máy bay, tàu Hải quân đi tìm kiếm, cứu nạn. Sau đó, còn thành lập một Sở Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn hàng không tại Phú Quốc để chỉ đạo việc tìm kiếm chiếc máy bay mất tích.
Suốt quá trình tìm kiếm máy bay nước bạn mất tích, các máy bay và tàu Hải quân của ta đã tiếp cận và vớt được nhiều vật nghi là của máy bay mất tích trôi nổi trên biển do phía Malaysia thông báo và các nước yêu cầu kiểm tra, xác minh. Tuy nhiên, đây đều không phải là các bộ phận của chiếc máy bay mất tích.
Thậm chí, để nhanh chóng tìm được chiếc máy bay mất tích, theo đề nghị từ phía Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam cấp phép cho hai tàu Trung Quốc và một tàu Mỹ vào tìm kiếm cứu nạn. Sau đó, Mỹ triển khai khu trục hạm USS Pinckney, chở hai trực thăng MH-60 R, và một máy bay trinh sát hàng hải đường dài P-3C Orion vào vùng Biển Đông do Việt Nam quản lý để tìm chiếc máy bay. Sau đó, còn thêm nhiều tàu bay và tàu tìm kiếm khác của các nước cũng được cấp phép vào vùng biển Việt Nam tìm kiếm.
Trở lại quá trình tìm kiếm chiếc máy bay Malaysia mất tích có thể thấy, một tuần qua cả thế giới dường như sống trong liên tiếp các nghi ngờ về số phận chiếc máy bay mất tích. Ngay khi chiếc máy bay mất tích, người ta đã dự đoán, MH370 có thể đã quay đầu trước khi mất tích.
Khi đó, Radar theo dõi chuyến bay MH370 của Malaysia Airlines cho biết, máy bay có thể đã quay ngược hành trình đến Bắc Kinh trước khi mất tích. "Chúng tôi đã kiểm tra dữ liệu trên radar mà chúng tôi có và phát hiện có khả năng máy bay đã quay đầu", Rodzali Daud, tư lệnh không quân Malaysia nói.
Sau thông tin trên, các nhóm cứu hộ của Malaysia đã mở rộng vùng tìm kiếm ra bờ biển phía tây, sau khi có giả thuyết máy bay đã quay đầu về hướng sân bay Kuala Lumpur trước khi biến mất.
Khi 10 nước đang nỗ lực tìm kiếm máy bay mất tích trên Biển Đông thì lại rộ lên thông tin, máy bay Malaysia có liên lạc với phi cơ khác trước khi mất tích. Theo đó, một phi công bay phía trước máy bay bị mất tích của hãng hàng không Malaysia Airlines cho biết, đã liên lạc với chuyến bay mang số hiệu MH370 trước khi nó mất tích.
New Straits Times dẫn lời cơ trưởng, người yêu cầu được giấu tên, cho hay máy bay mà ông điều khiển bay trước chuyến MH370 30 phút. Sáng qua ông được đài kiểm soát không lưu yêu cầu chuyển tiếp đến chuyến bay MH370 thông qua tần số khẩn cấp, do họ không liên lạc được với máy bay phía sau.
"Chúng tôi đã thiết lập liên lạc được với MH370 ngay sau 1h30 sáng qua và hỏi xem liệu họ có đi vào không phận Việt Nam hay không", phi công trên kể.
"Đường truyền khá nhiễu, nhưng tôi nghe thấy có tiếng lầm bầm ở đầu bên kia. Đó là lần cuối cùng chúng tôi nhận tín hiệu từ họ", ông nói thêm.
Ông cho hay những phương tiện ở cùng tần số vào thời gian đó sẽ nghe được cuộc trao đổi, trong đó bao gồm các tàu ở vùng biển phía dưới.
Nhiều nghi vấn đã được đưa ra sau khi chiếc MH370 của Malaysia mất tích trên bầu trời. Ảnh: báo nước ngoài |
Sau rất nhiều nghi vấn ban đầu được đưa ra, ngày 11/3 – 4 ngày sau vụ máy bay mất tích, quân đội Malaysia hé lộ việc họ đã dò được tín hiệu cuối cùng của chiếc Boeing 777-200 hôm 8/3 bằng radar ở phía trên Eo biển Malacca, trong khi các nỗ lực tìm kiếm lại đang tập trung ở vùng biển phía nam Việt Nam cách đó vài nghìn km.
Đầu ngày 11/3, tờ Berita Harian của Malaysia cũng dẫn lời Tư lệnh không quân nước này Rodzali Daud nói rằng, chiếc máy bay được phát hiện lần cuối qua radar quân đội vào lúc 2h40 ngày 8/3 (giờ địa phương) tại địa điểm gần đảo Pulau Perak ở phía bắc của eo Malacca. Máy bay bay ở độ cao 9.000 m, ông cho biết.
"Máy bay được tháp điều khiển phát hiện sóng radar lần cuối vào lúc 2h40 tại vị trí rất gần Pulau Perak ở eo Malacca", tờ báo dẫn lời Rodzali nói. Tuy nhiên, sau đó, phía quân đội Malaysia lại bác thông tin này.
Tiếp sau đó, 8 người dân làng ở Kampung Pantai Seberang Marang trình báo về việc họ nghe thấy một tiếng nổ lớn ở phía đông bắc đảo Pulau Kapas và tin rằng nó có liên quan đến vụ phi cơ của Malaysia Airlines mất tích, News Strait Times dẫn lời Datuk Jamshah Mustapa, cảnh sát trưởng bang Terengganu, phía bắc Malaysia. Ông đã chuyển các biên bản tới cảnh sát liên bang Malaysia để họ tiếp tục xử lý.
Alias Salleh, 36 tuổi, cho biết ông cùng 7 người khác ngồi trên một chiếc ghế dài, cách bãi biển Marang khoảng 400 m, và nghe thấy tiếng ồn như cánh quạt của động cơ máy bay vào khoảng 1h20 sáng 8/3.
"Tiếng ồn lớn và đáng sợ đó đến từ phía đông bắc đảo Pulau Kapas. Chúng tôi chạy ra hướng đó để tìm hiểu nguyên nhân. Chúng tôi nhìn xung quanh bãi biển Rhu Muda nhưng không thấy gì bất thường", The Sun Daily dẫn lời Salleh nói.
Ông trình báo cảnh sát với hy vọng thông tin của mình có thể giúp nhà chức trách trong việc tìm kiếm chiếc phi cơ đang mất tích.
Sau hàng loạt thông tin nghi vấn về chiếc máy bay mất tích được các nước đưa ra, Trung Quốc bất ngờ công bố thông tin cho biết, một vệ tinh nước này từng phát hiện ba vật thể lớn ở khu vực được cho là nơi chuyến bay MH370 của Malaysia mất liên lạc từ hôm 9/3.
Những hình ảnh được chụp vào khoảng 11h sáng 9/3, một ngày sau khi phi cơ Boeing 777-200 chở theo 239 người của Malaysia Airlines, mất tích, CNN dẫn thông báo của Cơ quan Quản lý Khoa học, Công nghệ và Công nghiệp quốc phòng Trung Quốc (SASTIND) cho hay.
Ba vật thể phát hiện được khá lớn, gồm các kích thước khoảng 13 m x 18 m, 14 m x 19 m và 22 m x 24 m. Trong khi đó, sải cánh của một máy bay Boeing 777 cùng loại với chiếc mất tích rộng gần khoảng 61 m chiều dài thân khoảng 64 m.
Cơ quan này cho biết tọa độ ba vật thể nằm ở 6,7 độ vĩ Bắc, 105,63 độ kinh Đông, trong vùng biển nằm giữa phía đông bắc Malaysia và phía nam Việt Nam. Sau thông tin trên, Việt Nam và Malaysia đã cử máy bay và tàu tìm kiếm đi xác minh nhưng không phát hiện vật khả nghi.
Ngay sau đó, các nhà điều tra Mỹ nhận định, MH370 có thể còn bay 4 giờ sau khi mất tích. Theo Wall Street Journal, nhận định trên được các điều tra viên hàng không và nhân viên an ninh quốc gia Mỹ đưa ra. Nó dựa trên những số liệu được tự động tải và gửi cho mặt đất từ các động cơ của chiếc Boeing 777, như một phần trong chương trình bảo dưỡng và giám sát định kỳ của hãng sản xuất động cơ.
Theo đó, tổng thời gian phi cơ này bay trên không là 5 tiếng đồng hồ. Điều này đồng nghĩa với việc MH370 với 239 hành khách và tổ lái còn bay thêm hàng trăm km sau khi biến mất khỏi màn hình radar sau khoảng một tiếng khởi hành.
Sự việc thêm một lần nữa được đưa ra suy xét khi một quan chức cấp cao Mỹ cho rằng MH370 đang nằm dưới đáy Ấn Độ Dương, sau khi có thông tin máy bay đã gửi tín hiệu ít nhất 5 lần tới các vệ tinh kể từ khi biến mất khỏi màn hình radar dân sự.
"Nhiều khả năng chiếc máy bay đang nằm dưới đáy Ấn Độ Dương", CNN dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay. Ông này đưa ra kết luận trên dựa trên các thông tin mới xuất hiện.
Nhà chức trách Malaysia tin rằng họ nhận được một số tín hiệu "ping" từ hệ thống dịch vụ dữ liệu của máy bay, được biết đến với tên gọi ACARS, truyền cho vệ tinh sau khi phi cơ mất liên lạc. Điều này cho thấy chiếc máy bay có thể đã bay đến Ấn Độ Dương.
Sau những "nghi vấn" trên, sự việc phần nào được sáng tỏ khi trưa 15/3, Thủ tướng Malaysia Najib Razak bất ngờ xuất hiện trong cuộc họp báo, thông báo nước này ngừng tìm kiếm máy bay mất tích ở Biển Đông, bởi MH370 đã quay trở lại Malaysia rồi tiến tiếp về phía tây bắc sang Ấn Độ dương.
Cuộc họp báo lần đầu tiên xuất hiện sự có mặt của Thủ tướng Malaysia này diễn ra sau khi các nhà điều tra Malaysia đã kết luận, một hay nhiều người có kinh nghiệm bay đã bắt cóc chiếc máy bay Boeing 777 của hãng hàng không Malaysia Airlines.
Đến nay, vụ chiếc máy bay MH370 của Malaysia chở 239 người mất tích vẫn chưa có hồi kết nhưng từ những công bố của nhà chức trách Malaysia có thể thấy sự việc đã phần nào sáng tỏ.
Việc nhà chức trách Malaysia đưa ra quyết định chuyển hướng điều tra từ vụ mất tích trên biển sang một vụ bắt cóc sẽ le lói hy vọng sống với những hành khách đi trên chuyến bay và thân nhân những người đang ngóng tin người thân từ chiếc máy bay mất tích.
Ý kiến bạn đọc