Theo một đại biểu thì việc quyết định tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm cần làm theo nguyên tắc, đó là Quốc hội ra nghị quyết thì việc tạm dừng cũng cần được Quốc hội quyết định.
Ở phiên họp sáng 21/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã đề xuất quy trình báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương dừng việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiêm tại kỳ họp đầu năm 2014 gồm hai bước.
“Tôi nghĩ vấn đề này phải đưa ra Quốc hội thảo luận, cá nhân tôi thì không đồng ý tạm dừng”, một vị đại biểu Quốc hội chuyên trách trao đổi ngay sau khi có thông tin Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm dừng thực hiện Nghị quyết 35 của Quốc hội về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do Quốc hội, hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2014) của Quốc hội, trong phiên họp sáng 21/2.
Đặt câu hỏi tại sao lại tạm dừng, vị đại biểu này cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 (đầu năm 2013) được cử tri rất hoan nghênh, ủng hộ, bởi qua đó không ít quan chức thuộc diện được lấy phiếu đã tự soi lại và điều chỉnh bản thân theo hướng tích cực hơn.
Đại biểu do cử tri bầu ra, vậy nếu việc cử tri hoan nghênh mà đại biểu lại dừng thì đại diện cho ý chí, nguyện vọng của ai, sẽ giải thích với cử tri như thế nào? “Theo tôi kỳ họp thứ bảy Quốc hội vẫn nên tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, nên chăng sửa theo hướng chỉ còn 2 mức là tín nhiệm và tín nhiệm thấp”, vị đại biểu trên bày tỏ.
Cũng đồng tình là việc tạm dừng lấy phiếu cần được đưa ra cho Quốc hội quyết định, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, bà Trương Thị Huệ lý giải, khi Quốc hội không ủy quyền thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thể quyết định tạm dừng. Vì vậy, cứ làm theo nguyên tắc, Quốc hội ra nghị quyết thì việc tạm dừng cũng cần được Quốc hội quyết định.
Theo bà Huệ, cử tri rất kỳ vọng qua lấy phiếu tín nhiệm các vị đại diện cho dân sẽ giám sát tốt hơn việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của những người mà chính Quốc hội đã thay mặt nhân dân phê chuẩn. Vì thế không nên dừng hẳn việc lấy phiếu. Tuy nhiên, bà Huệ cho rằng cần thiết phải sửa quy định và quy trình để có thể lượng hóa được mức độ hoàn thành nhiệm vụ của các vị được lấy phiếu, từ đó có đánh giá thực chất, chính xác hơn.
Nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi quy định để việc lấy phiếu đánh giá được rành mạch hơn chất lượng cán bộ cao cấp, song một số vị đại biểu khác không muốn đề cập quyền hạn tạm dừng việc lấy phiếu. Bởi đây là “cơ quan quyền lực cao nhất tạm dừng theo đề nghị của Bộ Chính trị”.
Nhưng, cũng có ý kiến lập luận, rằng Trung ương đang cho ý kiến nhưng chưa vội quyết, để cho Quốc hội thảo luận. Ý chí, nguyện vọng của dân sẽ được thể hiện qua Quốc hội, vì vậy việc thảo luận của Quốc hội là thực sự cần thiết.
Không đề cập đến quyền quyết định, nhưng đại biểu Trần Văn Độ, Phó chánh án Toà án Nhân dân Tối cao thì đồng tình với việc tạm dừng. “Bởi việc lấy phiếu tín nhiệm như hiện nay rất hình thức và không đúng bản chất”.
“Nhìn chung tôi vẫn thấy là Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với những người do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn trong bộ máy hành pháp, tư pháp là hợp lý nhất. Bởi vì đây là một trong những hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất; đồng thời cũng là việc Quốc hội thực hiện kiểm soát việc thực hiện quyền hành pháp, quyền tư pháp từ phía cơ quan lập pháp”, Trung tướng Trần Văn Độ tỏ rõ quan điểm.
Liên quan đến thời gian tiến hành bỏ phiếu, đại biểu Độ cho rằng không nên thực hiện việc này thường xuyên theo định kỳ, mà chỉ khi nào Quốc hội thấy người nào đó không hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình, khi có vi phạm pháp luật, kỷ luật công vụ hay đạo đức... ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của bộ máy Nhà nước. Kết quả bỏ phiếu bất tín nhiệm sẽ là cơ sở cho việc miễn nhiệm, bãi miễn người được bầu hoặc phê chuẩn hay ít ra là sự cảnh báo chính thức cho người nào đó "có vấn đề".
Thông tin Quốc hội và hội đồng nhân dân tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm với các chức danh do các cơ quan này phê chuẩn đã và có lẽ sẽ còn gây tranh cãi.
Ở phiên họp sáng 21/2 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Công tác đại biểu đã đề xuất quy trình báo cáo Quốc hội quyết định chủ trương dừng việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiêm tại kỳ họp đầu năm 2014 gồm hai bước.
Bước 1, giao cho Ủy ban Pháp luật chủ trì chuẩn bị tờ trình của Ủy ban thường vụ Quốc hội xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về việc tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm. Ủy ban Thường vụ Quốc hội có văn bản gửi Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc này.
Bước 2, tại kỳ họp thứ bảy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời trình Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 35/2012/QH13 (nếu có) để Quốc hội xem xét, quyết định.
Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý là “do ý kiến còn khác nhau về nghị quyết 35 thì lần này Ủy ban Thường vụ Quốc hội phải báo cáo ra Quốc hội rằng cần phải sửa đổi bổ sung một số điều cho nó thuận với tình hình thực tiễn trên cơ sở góp ý của đại biểu và đồng bào cử tri cả nước”.
Nhưng, ông chốt lại là kỳ họp tháng 5 này Quốc hội sẽ tạm không tiến hành lấy phiếu tín nhiệm và đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép thông báo với đại biểu xin đại biểu chấp thuận cho việc tạm dừng đó.
Và ông giải thích “tại sao phải xin, đáng ra là phải ra nghị quyết, dừng là làm trái nghị quyết, nghị quyết nói tiến hành hàng năm, giờ năm 2014 không làm nên Thường vụ hôm nay đồng ý báo cáo với Quốc hội rà lại để tiếp tục sửa nghị quyết 35 nên xin với Quốc hội là kỳ họp tháng 5 này không lấy phiếu”.
Chủ tịch Quốc hội cũng nói thêm, “Ủy ban Thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội, giữa hai kỳ họp Quốc hội không họp thì chúng ta họp ra quyết định và xin với Quốc hội như thế, để Quốc hội sẽ quyết định sửa nghị quyết 35 tại kỳ họp tới và từ đó về sau làm theo nghị quyết đó”.
Như vậy, có thể hiểu, “việc gửi thông báo xin đại biểu chấp thuận” sẽ thay cho việc trình Quốc hội thông qua nghị quyết về việc tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm, như đề nghị của Ban Công tác đại biểu. Trong khi, theo ý kiến của một số vị đại biểu thì dừng hay không sẽ phải do Quốc hội quyết định, sau khi thảo luận kỹ càng.
Ý kiến bạn đọc