Điều ẩn giấu phía sau câu chuyện cầu Long Biên

06:49, 10/03/2014
|

(VnMedia) - VnMedia xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết của 2 chuyên gia người Pháp với quan điểm: “Những vấn đề liên quan đến cây cầu Long Biên còn đi xa hơn nhiều so với việc bảo tồn cây cầu” và “cần mở rộng vấn đề ra toàn bộ câu chuyện quy hoạch đô thị đang ẩn giấu phía sau câu chuyện về một dự án giao thông”.

>>Cải tạo Cầu Long Biên: Hội Kiến trúc sư lên tiếng
>>Cầu Long Biên: Hà Nội vẫn muốn vừa bảo tồn, vừa phát triển

Ảnh minh họa

Tristan Laurent Morel


Khi được đề nghị trả lời phỏng vấn VnMedia về một số nội dung liên quan đến cây cầu Long Biên và dự án đường sắt đô thị số 1, Tristan Laurent Morel, nhà quy hoạch người Pháp đồng thời là chuyên gia tư vấn và là đại diện của Viện Quy hoạch và Phát triển đô thị Vùng Ile-de-France (IAU-IdF) tham gia dự án Điều chỉnh quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội đã viết một bài với tựa đề: Cầu Long Biên và khu nội đô lịch sử của Hà Nội: Sau một gốc cây là chuyện cả cánh rừng. Ông cho biết, bài viết được thực hiện sau khi có sự trao đổi với Dominique Riou, kỹ sư giao thông người Pháp, chuyên gia của IAU-IdF, Trưởng nhóm chuyên gia giao thông tham gia dự án Điều chỉnh quy hoạch Vùng thủ đô Hà Nội.

VnMedia xin trân trọng giới thiệu đến độc giả bài viết này.

Tháng 02/2014, Bộ Giao thông - Vận tải đã đưa ra nhiều phương án để cải tạo cầu Long Biên như một phương tiện cho phép tuyến đường sắt đô thị số 1 vượt sông Hồng từ Gia Lâm chạy vào trung tâm thành phố Hà Nội. Do vấn đề di sản và môi trường đô thị ngày càng có vị trí quan trọng ở Việt Nam hiện nay, việc bảo tồn giá trị lịch sử và văn hóa của cây cầu Long Biên đã thu hút sự quan tâm của dư luận: các nhà chuyên môn cũng như nhiều đối tượng khác trong xã hội đã chia sẻ những phản ứng của mình thông qua các bài viết đăng tải trên các phương tiện thông tin chính thống cũng như các mạng xã hội. Đến ngày 01/03 vừa qua, để khép lại những tranh luận này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra quyết định không phá bỏ cầu Long Biên và tuyến đường sắt đô thị số 1 vẫn có thể triển khai theo như quy hoạch.

Hiện tại, dường như vấn đề tranh luận chỉ tập trung vào việc xác định vị trí cho cây cầu mới sẽ nằm thật gần hay thật xa cầu Long Biên. Tuy nhiên, câu chuyện không chỉ dừng lại ở đó. Mục đích khai thác của các phương tiện thông tin đại chúng không giúp cho người dân nắm được rõ hơn các kế hoạch triển khai tuyến đường sắt đô thị số 1.

Quả thực các nghiên cứu khả thi và nghiên cứu chi tiết được thực hiện trong giai đoạn 2010 - 2011 cho thấy chủ trương quy hoạch tuyến đường sắt trên cao này chạy xuyên qua khu nội đô lịch sử của thành phố hay nói cụ thể hơn là chạy giữa khu vực Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long và trên nóc những ngôi nhà trong Khu phố Cổ có lịch sử ngàn năm.

Cầu Long Biên đã thu hút sự chú ý của dư luận bởi nó mang trong mình giá trị di sản, song dường như những vấn đề liên quan đến cây cầu này còn đi xa hơn nhiều so với việc bảo tồn cây cầu: cần mở rộng vấn đề ra toàn bộ câu chuyện quy hoạch đô thị đang ẩn giấu phía sau câu chuyện về một dự án giao thông. Vẫn còn đủ thời gian để xem xét lại tầm nhìn của các chuyên gia tư vấn thiết kế hướng tuyến của tuyến đường sắt đô thị số 1, đặc biệt là cần tập trung vào những ảnh hưởng của dự án này tới cảnh quan đô thị hiện tại cũng như tới môi trường kinh tế - xã hội.

Ảnh minh họa

Lịch sử lâu dài và quý giá của ngành đường sắt Việt Nam cũng sẽ biến mất dưới những trụ cầu cạn của tuyến đường sắt đô thị mới ... ảnh: Vũ Quang Ngọc


Dự án hiện tại

Xét về góc độ cảnh quan và môi trường, tuyến cầu cạn bằng bê-tông đi trên cao được dự kiến để phục vụ cho tuyến đường sắt số 1 sẽ được nhìn thấy từ mọi hướng trong Khu phố Cổ và các khu vực lân cận, kể cả từ các tuyến phố chính của Khu phố Cũ, khu Hoàng thành Thăng Long hay hồ Hoàn Kiếm. Tuyến đường này sẽ gây cản trở hoặc làm giảm tầm nhìn từ một số địa điểm trong khu vực rất nhạy cảm này và rất khó kiểm soát.

Hơn nữa, các nhà ga có quy mô lớn của tuyến số 1 sẽ bao trùm lên các con phố nhỏ chạy suốt từ phía bắc Khu phố Cổ cho tới ga Hà Nội, khiến cho không gian sống bị đè nặng dưới hàng tấn sắt thép và bê-tông thay vì những không gian thoáng đãng và những hàng cây cổ thụ đại diện cho xu hướng phát triển bền vững.

Điều đó có thể sẽ gây tác động xấu tới chất lượng thiết kế cảnh quan và không gian đô thị hiện hữu. Như vậy, cho đến nay, việc lồng ghép tuyến đường sắt này một cách hài hòa trong không gian đô thị dường như chưa được cân nhắc một cách thận trọng. Điều đó cũng có thể gây ra những phản ứng tiêu cực của người dân sống trong các khu vực xung quanh. Không chỉ các ngôi nhà có thể sẽ chịu ảnh hưởng (về tầm nhìn và quy mô xây dựng phải hạn chế) mà ngay cả không gian sống và sinh hoạt hàng ngày của người dân cũng bị tác động bởi các chuyến tàu sẽ chạy liên tục hai chiều với tần suất 2 đến 3 phút một chuyến với tiếng ồn đáng kể suốt từ sáng đến tối.

Bên cạnh những tác động tới cuộc sống hàng ngày của người dân, sức hấp dẫn du lịch của khu nội đô lịch sử cũng sẽ bị ảnh hưởng. Từ lâu nay, Thủ đô Hà Nội luôn được du khách biết đến như một nơi có không gian đô thị rất đặc biệt gắn với sự cân bằng giữa hai yếu tố hiện đại và truyền thống mà họ có thể quan sát được ngay trong cuộc sống hàng ngày của người dân Hà Nội. Vậy nên các kế hoạch phát triển sẽ mất đi tính đồng bộ nếu chúng khiến cho nét đặc thù này dần biến mất.

Cuối cùng, lịch sử lâu dài và quý giá của ngành đường sắt Việt Nam cũng sẽ biến mất dưới những trụ cầu cạn của tuyến đường sắt đô thị mới trong khi chúng đã để lại nhiều dấu ấn đối với hình thái đô thị cũng như quá trình tồn tại của Hà Nội với tư cách là một đô thị.

Xét về góc độ kinh tế - xã hội, các tài liệu thiết kế tuyến đường này cho thấy việc xây dựng các ga tàu điện sẽ kéo theo nhiều công trình mới mọc lên ở các khu vực xung quanh mỗi nhà ga. Tuyến số 1 được dự kiến phát triển trong khu nội đô lịch sử có mật độ cao. Như vậy, các công trình mới sẽ mọc lên dọc theo tuyến đường này, đặc biệt trong khu vực trung tâm lịch sử kéo dài từ bờ sông Hồng cho tới tận ga Hà Nội. Cấu trúc đô thị hiện tại sẽ có những biến đổi lớn, tương tự như những thay đổi mang tính triệt để theo Quy hoạch chung Hà Nội năm 1981 khiến cho Khu phố Cổ bị thay thế một phần bằng các tuyến phố mới.

Thực ra tuyến đường sắt số 1 được thiết kế cách đây ba năm như một dự án cải tạo đô thị bởi phía tư vấn đề xuất thay thế dân cư hiện tại bằng tầng lớp dân cư mới có đủ khả năng mua nhà và sống trong các khu nhà mới. Với một viễn cảnh phát triển trên tinh thần nâng cao chất lượng môi trường sống của người dân, tuyến số 1 đã được quy hoạch theo hướng ít chú trọng tới tĩnh không của tuyến đường chạy trên cao và những vấn đề liên quan tới các tác động tiêu cực của dự án, ngoài ra cũng không tính đến sự lồng ghép một cách mềm mại trong không gian đô thị. Về mặt kỹ thuật, lẽ ra cần tiến hành các nghiên cứu khả thi để chứng minh tại sao tuyến đường sắt này lại được xác định là lựa chọn phù hợp nhất để kết nối ga Gia Lâm với ga trung chuyển phía nam thành phố.

(Còn nữa)


Trần Huy Ánh - Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc