(VnMedia) - Kiến nghị sửa đổi bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ Công an cho rằng, hình phạt với người chưa thành niên phạm tội nghiêm trọng là chưa phù hợp, và việc duy trì hình phạt tử hình là cần thiết trong giai đoạn hiện nay...
Hình phạt với người dưới 18 tuổi chưa phù hợp
Tổng hợp hình phạt đối với tội phạm chưa thành niên còn bất cập |
Ngày 15/3, Bộ Tư pháp đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự năm 1999 bằng hình thức trực tuyến tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Tham luận tại Hội nghị của Bộ Công an đánh giá, Bộ hình sự năm 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) là công cụ pháp lý sắc bén của Nhà nước trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân, góp phần thể hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng và Nhà nước, chủ động đấu tranh phòng, chống tội phạm, bảo đảm cho mọi người được sống trong một môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, có tính nhân văn.
Qua thực tiễn hơn 12 năm thi hành Bộ luật hình sự trong Công an nhân dân cho thấy, cơ bản là thuận lợi, công tác điều tra, xử lý tội phạm đã có những chuyển biến tích cực, bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; số vụ án khởi tố điều tra và kết quả đề nghị truy tố năm sau cao hơn năm trước; các trường hợp đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra chiếm tỷ lệ nhỏ trong các vụ án kết thúc điều tra; hạn chế được oan, sai; chủ động phòng ngừa tội phạm; góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm, giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tuân thủ pháp luật của nhân dân.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được nêu trên thì thực tiễn áp dụng Bộ luật hình sự cũng nảy sinh những khó khăn, vướng mắc cần được nghiên cứu, tổng kết, rút kinh nghiệm, nhất là hiện nay diễn biến, tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, phần chung của Bộ luật hình sự còn thiếu một số khái niệm cơ bản, chưa bảo đảm sự thống nhất với Phần các tội phạm như khái niệm “trách nhiệm hình sự”, “miễn trách nhiệm hình sự”, “nhiều tội phạm”, “phạm nhiều tội”, “phạm tội nhiều lần” “tình tiết định tội”, “tình tiết định khung hình phạt”, “tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự” “tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự”...; khái niệm tội phạm chưa bảo đảm tính khái quát hóa cao. Các quy định về hình phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo còn nhiều bất cập, chưa phát huy được mục đích, tác dụng của hình phạt trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm.
"Thực tiễn cho thấy, hình phạt cảnh cáo chỉ áp dụng đối với người phạm tội ít nghiêm trọng và có nhiều tình tiết giảm nhẹ nhưng chưa đến mức được miễn hình phạt nên không có tính cưỡng chế cao và chưa phát huy được tác dụng giáo dục, răn đe người phạm tội. Việc áp dụng hình phạt tiền còn nhiều bất cập, chưa quy định cho phép thay thế áp dụng hình phạt tiền bằng hình phạt khác nghiêm khắc hơn nên không bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn. " - tham luận của Bộ Công an nêu rõ.
Ngoài ra, theo Bộ Công an, việc áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là rất ít, nội dung và cơ chế xử lý tương tự như án treo lại không có cơ chế giám sát, giáo dục nghiêm khắc nên có thể phát sinh sai phạm, tiêu cực trong quá trình áp dụng. Trong khi đó, các quy định về áp dụng án treo lại mang tính tùy nghi, chưa tạo sự thống nhất trong áp dụng pháp luật.
Đặc biệt, Bộ Công an cho rằng, một số quy định đối với người chưa thành niên phạm tội chưa phù hợp với tình hình người chưa thành niên phạm tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhất là quy định về mức hình phạt đối với người chưa thành niên phạm tội và phương pháp tổng hợp hình phạt trong trường hợp người chưa thành niên phạm nhiều tội, trong đó các tội phạm đều được thực hiện khi chưa đủ 18 tuổi.
Duy trì án tử hình là cần thiết
Việc duy trì hình phạt tử hình là cần thiết trong giai đoạn hiện nay |
Kiến nghị sửa đổi, bổ sung Bộ luật Hình sự, Bộ Công an đề xuất, vấn đề mở rộng phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ như phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù cho hưởng án treo cần được nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung trên cơ sở tổng kết thực tiễn thi hành áp dụng các hình phạt này.
"Từ thực tiễn thi hành Bộ luật hình sự thời gian qua cho thấy, việc áp dụng các hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ còn nhiều bất cập, tác dụng giáo dục, răn đe không cao; việc áp dụng án treo thời gian qua còn tùy nghi, thậm chí sai phạm, tiêu cực, không đem lại hiệu quả phòng, chống tội phạm như mong muốn, chỉ nên hoàn thiện các quy định về hình phạt cải tạo không giam giữ, án treo trên cơ sở kế thừa các quy định của Bộ luật hình sự hiện hành và cụ thể hơn về nội dung, chặt chẽ, đầy đủ hơn về trình tự, thủ tục, đối tượng áp dụng trong những trường hợp cụ thể để tránh lạm dụng việc áp dụng các hình phạt này, đồng thời có thể nghiên cứu mở rộng áp dụng đối với tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, tội phạm về môi trường và một số tội phạm khác có mục đích kinh tế." - Bộ Công an đề xuất.
Về vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân, Bộ Công an cho rằng, cho đến nay vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau nên cần được nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng hơn cả về phương diện lý luận và thực tiễn. Cần làm rõ hơn về sự cần thiết phải bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân; những vướng mắc, bất cập của pháp luật hiện hành, nhất là pháp luật xử lý vi phạm hành chính về chế tài xử lý đối với pháp nhân; tài liệu tham khảo nước ngoài về xử lý trách nhiệm hình sự đối với pháp nhân.
Về việc áp dụng hình phạt tử hình, Bộ Công an cho rằng, cần khẳng định việc duy trì hình phạt tử hình trong giai đoạn hiện nay là rất cần thiết. Vì vậy, việc nghiên cứu bổ sung hoặc hạn chế phạm vi áp dụng hình phạt tử hình cần có thêm cơ sở lý luận, thực tiễn và tiêu chí rõ ràng đối với các tội danh cụ thể; từ đó kiến nghị bổ sung hoặc bỏ hình phạt tử hình ở những tội danh cụ thể nào cho phù hợp.
Ngọc Quỳnh
Ý kiến bạn đọc