(VnMedia) - Sự kiện tắt điện hưởng ứng Giờ trái đất Xanh diễn ra vào ngày 29/3 tới đây sẽ đánh dấu một hành động tự nguyện lớn nhất vì môi trường trong lịch sử hành tinh, với sự tham gia của 200 quốc gia trên tất cả các châu lục. Tại Việt Nam, "Bước nhảy xanh” tiến hành đồng loạt trên khắp 63 tỉnh thành...
Tắt điện: Hành động tự nguyện nhất trong lịch sử
Giờ Trái Đất là một sự kiện quốc tế hằng năm, do Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (World Wildlife Fund) khuyến khích các hộ gia đình cùng các cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ vào lúc 20h30 đến 21h30 tối (giờ địa phương) ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hàng năm, nhằm làm gia tăng nhận thức về sự cần thiết phải hành động trước biến đổi khí hậu.
Tại Việt Nam, Giờ Trái Đất được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2009 tại sáu tỉnh thành, gồm có Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hội An, Huế và thành phố Khánh Hòa, cùng với sự tham gia của hàng trăm cá nhân, doanh nghiệp và tổ chức. Sau đó, chương trình tiếp tục nhân rộng và thu hút ngày càng đông các tỉnh thành cũng như tầng lớp trong xã hội tham gia.
Đến năm 2013 đã có hơn 32 tỉnh thành tham gia. Riêng tại TPHCM, từ năm 2011, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Báo Sài Gòn Giải Phóng chủ trì phối hợp với Sở Công thương và các cơ quan chức năng khác tổ chức chương trình Giờ Trái đất. Trong đó, Báo SGGP chịu trách nhiệm tổ chức hoạt động tuyên truyền, vận động cộng đồng hưởng ứng chiến dịch Giờ Trái đất.
Qua 4 năm thực hiện, nhiều hoạt động cộng đồng được thực hiện trong thời gian diễn ra chiến dịch đã góp phần nâng cao hiệu quả tuyên truyền về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Từ năm 2014, Giờ Trái đất đổi tên thành Giờ Trái đất Xanh (theo tên gọi chung của thế giới) trong giai đoạn 2014 -2016, nhằm chuẩn bị cho cột mốc 10 năm hình thành phát triển. Vì thế, sự kiện tắt điện hưởng ứng diễn ra vào ngày 29/3 tới đây sẽ đánh dấu một hành động tự nguyện lớn nhất vì môi trường trong lịch sử hành tinh với sự tham gia của 200 quốc gia trên tất cả các châu lục, với hơn 6.000 thành phố trên toàn thế giới trong đó có TP.HCM.
Tắt điện hưởng ứng giờ trái đất 2014 sẽ đánh dấu một hành động tự nguyện lớn nhất vì môi trường trong lịch sử hành tinh |
Năm 2014, bên cạnh mục tiêu chung là tiết kiệm năng lượng, chiến dịch Giờ Trái đất Xanh với thông điệp “Trái đất đang tắt điện một giờ” được trông đợi sẽ có sự thay đổi lớn về quy mô lẫn chiều sâu nhận thức cho người dân, thúc đẩy việc tận dụng nguồn năng lượng xanh nhằm giảm phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính, tái chế những nguồn nguyên liệu làm từ rác thải,...
Một số dự án quen thuộc trong khuôn khổ chiến dịch gồm “Đạp xe tuyên truyền” (cổ động thực hiện Giờ Trái đất Xanh bằng phương tiện xanh); “20s cho Giờ Trái đất Xanh” (kêu gọi tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 20s tại các ngã 4, vừa giảm lượng xăng tiêu thụ, vừa giảm phát thải ra môi trường); “Đôi bàn tay xanh” (tạo mô hình bản đồ Việt Nam và mô hình thu nhỏ của trường học sinh thái là trường tiểu học Mỹ Huề phân hiệu 1, huyện Hóc Môn từ vỏ hộp sữa và vỏ chai nhựa)…
Chiến dịch cũng đã và đang gặt hái những thành công bước đầu với sự hưởng ứng đặc biệt từ phía người dân ở những hoạt động khác. Điểm khác biệt của dự án “Khu phố Xanh” năm nay hướng đến tuyên truyền việc phân loại rác tại hộ gia đình, thí điểm 4 tuyến đường ở quận Tân Phú. Lượng rác vô cơ của người dân sau khi phân loại sẽ được định giá theo thị trường, kế đến, tổng số chi phí mà người dân tích lũy được sau một tháng chuyển giao rác thải vô cơ cho nhân viên vệ sinh, sẽ được đổi lại là sản phẩm tiêu dùng với giá tiền tương ứng - là những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống hàng ngày như dầu ăn, bột nêm, nước mắm, bột giặt, nước rửa chén v.v…
Dự án được người dân đánh giá rất cao bởi không chỉ kêu gọi, tuyên truyền mà còn hỗ trợ người dân thực hiện, cùng thực hiện và lắng nghe ý kiến phản hồi của người dân. Với những nguồn thu sau khi tái chế rác thải, sau khi phân loại, công nhân vệ sinh tiến hành thu gom, cân ký từng loại rác vô cơ có thể tái chế và ghi nhận lại sau mỗi ngày. Điều đáng nói là dự án này sẽ không chỉ duy trì trong một tháng cao điểm diễn ra chiến dịch Giờ Trái đất Xanh 2014 mà sẽ còn cố gắng duy trì xuyên suốt qua các năm tiếp theo.
Không dừng lại đó, để khuyến khích người dân tham gia hưởng ứng hoạt động phân loại rác tại nguồn, dự án Cộng đồng Xanh, thực hiện tại hệ thống siêu thị Co.opMart gồm 6 siêu thị Co.op Xtra, Lý Thường Kiệt, Hòa Bình, Thắng Lợi, Xa lộ Hà Nội và Bình Triệu, đã đồng loạt thực hiện thu đổi rác vơ cơ vào ngày 16/03.
Cụ thể, sau một ngày thu gom vỏ hộp nhựa, chai nhựa tại sáu siêu thị Co.opmart trên địa bàn thành phố, đã có hơn 1.000 người dân tham gia thu đổi rác - nhận quà khuyến mãi, kết quả thu về trên 500kg nhựa và hơn 43.000 vỏ hộp sữa. Đây là một phần không thể thiếu cho đầu vào của nguyên liệu sản xuất tấm lợp sinh thái ở dự án trọng điểm, chứng tỏ nỗ lực của dự án có thể tạo ra một quy trình khép kín và hoàn thiện.
Sau thành công và tạo được sự thu hút lớn từ dư luận năm 2013, dự án “Trường học sinh thái” tiếp tục là hoạt động trong tâm của chiến dịch Giờ Trái đất Xanh 2014 với thông điệp “Mua sắm sản phẩm xanh, xây trường học sinh thái”.
Điểm nhấn của dự án nằm ở việc thay mái tôn thông thường bằng một loại vật liệu mới - “tấm lợp sinh thái”. Đặc điểm của tấm lợp sinh thái là thành phần từ 100% nhôm và nhựa, tái chế từ vỏ hộp sữa giấy đã qua sử dụng, có khả năng cách nhiệt, cách âm tốt, không gỉ sét, đốt không cháy, xe chạy qua không bể vỡ, bảo hành 10 năm không thấm nước. Mỗi tấm lợp sinh thái được làm từ hơn 8.100 vỏ hộp sữa đã qua sử dụng. Như vậy ngoài việc các em học sinh trường Mỹ Huề phân hiệu 1 được học tập dưới mái lợp mới, thì dự án đã dùng đến 187 tấm lợp sinh thái – tương đương hơn 1,5 triệu vỏ hộp sữa đã được tái chế, góp phần tích cực giảm rác thải và bảo vệ môi trường.
Sự kiện chính 29/3/2014:
|
Ý kiến bạn đọc