Vụ Đà Nẵng có thể kiện Bộ Tài nguyên môi trường: Quy trình có vì dân?

17:57, 20/02/2014
|

(VnMedia) - Đà Nẵng cho biết sẽ kiên quyết kiện nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường không sửa Dự thảo, còn Bộ thì nói rằng đã xây dựng quy trình đúng pháp luật. Nhưng một câu hỏi được đặt ra là: khi xây dựng quy trình, Bộ có đặt lợi ích của người dân lên trước?

>>
Kiên quyết loại bỏ thủy điện không an toàn
>>Rùng mình với kết quả thanh tra thủy điện

Ảnh minh họa

Theo ông Huỳnh Vạn Thắng, Đà Nẵng sẽ kiện Bộ TN&MT lẫn Thủy điện Đắk Mi 4 nếu không thay đổi dự thảo quy trình vận hành hồ chứa gây thiếu nước cho vùng hạ du


Những ngày gần đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến thông tin, Đà Nẵng có thể khởi kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường vì cho rằng, quy định xả nước sông Vu Gia trong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ do Bộ này soạn thảo gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến vùng hạ du.
 
Theo ông Huỳnh Vạn Thắng - Phó Trưởng ban chỉ huy Phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn TP, Phó GĐ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Nẵng, sở dĩ Đà Nẵng muốn kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường là do Dự thảo quy trình đã khống chế mực nước tại thị trấn Ái Nghĩa (huyện Đại lộc, Quảng Nam) H = 2,53m để làm cơ sở cho vận hành. Trị số 2,53m là giá trị trung bình của mực nước trung bình tháng có dòng chảy nhỏ nhất trong năm trong tài liệu từ năm 1976 đến nay.
                                                    
Điều đó đồng nghĩa với việc bắt hạ du sông Vu Gia luôn luôn ở trong trạng thái thiếu nước, cạn kiệt nguồn nước làm ảnh hưởng đến khoảng 1,7 triệu dân vùng phía Bắc Quảng Nam và TP Đà Nẵng.
 
Theo ông Thắng, với việc đẩy hạ du vào thế khó khăn trên, dự thảo quy trình đã vi phạm nghiêm trọng Luật Tài nguyên nước tại Khoản 2, 5, 7, 8 Điều 3; vi phạm Nguyên tắc quản lý, bảo vệ khai thác sử dụng tài nguyên nước, phòng chống và khắc phục hậu quả tác hại do nước gây ra. Khoản 1 điều 9; Vi phạm Khoản 1, 2 Điều 54; Khoản 1 Điều 55; Khoản 3 Điều 60; Khoản 1 Điều 61… và vì vậy, nếu Bộ Tài nguyên và Môi trường không sửa Dự thảo theo đề nghị của Đà Nẵng thì TP này sẽ kiên quyết kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường ra tòa.
 
Trước phản ứng này của Đà Nẵng, hôm 13/2, Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã có công văn trả lời, giải thích. Theo khẳng định của Bộ Tài Nguyên và Môi trường thì việc xả nước sông Vu Gia trong Dự thảo Quy trình vận hành liên hồ do Bộ Tài nguyên và Môi trường dự thảo tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước.
 
Theo đó, Cục Tài nguyên nước khẳng định “các vấn đề về xả nước của Thủy điện Đắk Mi 4, mực nước tại Trạm thủy văn Ái Nghĩa, thay đổi tỷ lệ chuyển nước qua sông Quảng Huế ... đã được nghiên cứu, phân tích tính toán, cân nhắc nhiều phương án trên nguyên tắc sử dụng tổng hợp, hiệu quả nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước trên phạm vi toàn lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn (bao gồm cả Đà Nẵng và Quảng Nam) trong điều kiện khả năng nguồn nước hiện có, thực trạng hệ thống các hồ đã được xây dựng, đồng thời hài hòa với nhiệm vụ phát điện và bảo đảm tuân thủ các quy định của Luật Tài nguyên nước.”  Vì vậy, Cục này kết luận "Đòi hỏi của Đà Nẵng là phi thực tế..."
 
Cục Tài nguyên nước cũng cho biết, những vấn đề liên quan đến Dự thảo đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường báo cáo Thủ tướng Chính phủ
 
Công văn ngay lập tức vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ hơn từ Đà Nẵng. Trao đổi với báo ANTĐ, ông Huỳnh Vạn Thắng cương quyết nói: “Sắp tới chúng tôi sẽ có văn bản phản hồi một lần nữa về vấn đề này. Đà Nẵng kiên quyết đề xuất chọn mực nước khống chế tại Trạm AN bằng 2,8m mới đảm bảo tối thiểu cho sản xuất, sinh hoạt, môi trường, dân sinh ở hạ du. Nếu trường hợp Bộ Tài nguyên và Môi trường kiên quyết giữ nguyên quan điểm đó, trình Thủ tướng Chính phủ thông qua Quy trình vận hành thì chúng tôi - những cơ quan tham mưu cho UBND TP. Đà Nẵng sẽ khởi kiện Bộ về việc lập quy trình vận hành gây thiệt hại về kinh tế, dân sinh theo điều 60 Luật Tài nguyên nước; kiện yêu cầu thủy điện Đăk Mi4 phải đền bù thiệt hại, tranh chấp nguồn nước theo điều 76 Luật Tài nguyên nước. Chúng tôi khẳng định Đà Nẵng có quyền khởi kiện tại tòa án theo quy định pháp luật.”
 
Như vậy, câu chuyện đến nay vẫn chưa có hồi kết và người dân Đà Nẵng đang "phập phồng" trong nỗi lo thiếu nước như đã từng xảy ra trong năm 2013.

Trở lại câu chuyện về quy trình vận hành thủy điện, tại kỳ họp Quốc hội cuối năm 2013, trong khi các đại biểu bức xúc lên tiếng về những thiệt hại khủng khiếp do thủy điện xả lũ gây ra đối với người dân, thì những nhà quản lý vẫn một mực cho rằng đã “vận hành theo đúng quy trình”. Tr\ước cách  trả lời này, một đại biểu đã bức xúc nói rằng: Đúng quy trình nhưng hại chết dân thì phải xem lại quy trình đó!
 
Vào đầu tuần tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ có cuộc họp báo để thông tin về các hoạt động của Bộ trong tháng 2/2014. Tại cuộc họp báo này, câu chuyện về việc Đà Nẵng dọa khởi kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường chắc chắn sẽ là chủ đề được các phóng viên đặc biệt quan tâm. Và trong rất nhiều câu hỏi sẽ được đặt ra, chắc sẽ có câu: “Dù xây dựng quy trình đúng pháp luật hay không, nhưng Bộ Tài  nguyên xây dựng quy trình này có thật sự trên quan điểm là vì người dân hay không?”


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc