Thu phí đại lộ Thăng Long không phải để bảo trì

15:11, 19/02/2014
|

(VnMedia) - Theo ông Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc thu phí là để áp dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long và để duy tu hệ thống chiếu sáng, thoát nước... chứ không dùng bảo trì đường bộ.

>>Thu phí đại lộ Thăng Long: Hà Nội tự làm khó mình?

>>Sắp triển khai thu phí trên đại lộ Thăng Long?

Trước dư luận nhiều chiều về việc đề xuất thu phí Đại lộ Thăng Long, trao đổi với báo chí tại cuộc họp báo thường kỳ do Thành ủy Hà Nội tổ chức chiều 18/2, ông Nguyễn Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã phải thêm một lần nữa giải thích về đề xuất gây tranh cãi này của Hà Nội.

Theo ông Tân, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 9141/VPCP-KTN ngày 26/12/2011 về việc thu phí đường cao tốc Đại lộ Thăng Long và để tổ chức quản lý, khai thác tốt tuyến đường theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải, UBND Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng đề án thu phí Đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc). Tuy nhiên, từ tháng 11/2012, Bộ Giao thông Vận tải lại hình thành quỹ bảo trì đường bộ.

Trong bối cảnh đã có quy định về thu phí sử dụng đường bộ nếu triển khai theo hình thức xã hội hóa và thu phí theo Thông tư 197/TT-BTC của Bộ Tài chính thì phải xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng trước khi thực hiện việc thu phí.

Ngày 24/1, UBND Thành phố Hà Nội đã có văn bản số 687/UBND-KT báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép thu phí sử dụng đường bộ trên Đại lộ Thăng Long (phần đường cao tốc) nhưng cho đến nay vẫn chưa có văn bản trả lời.

Ảnh minh họa

Hà Nội đang tính chuyện thu phí ô tô chạy trên Đại lộ Thăng Long.
Ảnh: Internet

Theo ông Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, việc thu phí là để áp dụng hệ thống quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long và để duy tu hệ thống chiếu sáng, thoát nước... chứ không dùng bảo trì đường bộ.

Ông Tân cũng khẳng định, việc áp dụng hệ thống giao thông thông minh sớm muộn gì cũng phải đầu tư. Sau này, tất cả các đại lộ cao tốc đều cần phải được trang bị thiết bị quản lý giao thông thông minh nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, giảm thiểu tai nạn giao thông. Tuy nhiên, vấn đề huy động nguồn kinh phí nào để đầu tư lại tùy thuộc thẩm quyền quyết định của Chính Phủ hoặc thành phố.

Nếu đầu tư theo hình thức xã hội hóa và thực hiện thu phí trên đại lộ Thăng Long nhằm hỗ trợ hoàn vốn đầu tư hệ thống quản lý giao thông thông minh được trang bị trên đại lộ này cho chủ đầu tư, thì việc có thực hiện thu phí trên đại lộ Thăng Long hay không phải được Chính Phủ cho phép.

Theo ông Tân, tổng kinh phí đầu tư xây dựng hệ thống giao thông thông minh trên đại lộ Thăng Long khoảng trên 209 tỷ đồng.

Đề cập đến vấn đề trạm thu phí, ông Tân cho biết, hiện nay, trên địa bàn Hà Nội chỉ còn duy nhất một trạm thu phí trên đường Bắc Thăng Long-Nội Bài để hoàn vốn cho chủ đầu tư. Còn việc đầu tư xây dựng hệ thống quản lý giao thông thông minh trên các đại lộ là một xu hướng tất yếu, tuy nhiên việc có thực hiện việc thu phí trên đại lộ hay không phải tùy theo hình thức đầu tư.

Đại lộ Thăng Long (Hà Nội) dài dài 28km, rộng 140m, gồm 2 dải đường cao tốc quy mô mỗi chiều 3 làn xe; 2 dải đường đô thị 2 làn xe; dải phân cách giữa; 2 dải đất dự trữ và dải trồng cây xanh, vỉa hè.
 
Được thông xe vào đúng dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, đại lộ Thăng Long được coi là tuyến đường cao tốc hiện đại, là trục giao thông chính nối liền Thủ đô Hà Nội với các huyện của ngõ phía Tây Thủ đô cũng như kết nối Thủ đô với các tỉnh phía Tây Bắc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội các địa phương nơi tuyến đường đi qua.

Dự thảo đề án Thí điểm hệ thống quản lý giao thông thông minh trên Đại lộ Thăng Long chủ yếu gồm các nội dung chủ yếu như: hệ thống đếm và phân loại phương tiện giao thông tự động dùng để đếm các phương tiện tham gia giao thông; hệ thống camera giám sát dùng cho việc giám sát các hoạt động giao thông diễn ra trên truyến; hệ thống bảng báo hiệu tự động (VMS) cung cấp các thông tin xác thực trên tuyến đường tới người điểu khiển phương tiện; hệ thống truyền dữ liệu đảm bảo kết nối toàn bộ các thiết bị trong hệ thống; trung tâm điều hành là trụ sở làm việc và điều hành hoạt động của Trung tâm quản lý đường cao tốc; trạm thu phí; phần mềm quản lý giao thông thông minh; hệ thống kiểm soát xe quá khổ, quá tải.

Đặc biệt, nhằm hoàn vốn đầu tư cho ngân sách, đồng thời, tạo nguồn thu tiếp tục đầu tư các tuyến đường khác trên địa bàn; tạo nguồn thu để thực hiện công tác quản lý, duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng Đại lộ Thăng Long, dự thảo đề xuất thành phố cho phép tổ chức thu phí tại đại lộ này.

Theo đề án, thành phố sẽ tổ chức quy trình thu phí đóng; thu theo loại xe, tải trọng và thực tế quãng đường đi. Hình thức thu phí chủ yếu là trả phí không dùng tiền mặt (ETC) thông qua tài khoản đăng ký trước với hệ thống, hoặc thẻ trả trước với mệnh giá khác nhau.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc