(VnMedia) - Học trò bức xúc đánh lại thầy là điều không chấp nhận được, tuy nhiên “như vậy còn là may, nếu học sinh nhẫn nhịn nhưng lại có lòng tự trọng cao thì có thể xảy ra kết cục bi thảm hơn… - PGS, nhà giáo Văn Như Cương nói.
Trò đánh lại còn “may” hơn là đi… tự tử
Hai ngày nay, clip quay lại cảnh thầy tát trò tới tấp, còn trò thì… lên gối đánh lại thầy khiến dư luận cảm thấy rất bức xúc.
Trước hết, nói về hành động của người thầy, đó là một phản ứng không thể chấp nhận được, cho dù học sinh có phạm lỗi gì đi nữa. “Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò. Học sinh, nhất là nam sinh tuổi choai choai, thiếu hiểu biết và kinh nghiệm sống, khả năng kiềm chế còn non dại, nhưng thầy giáo lớn tuổi rồi, lại được đào tạo nghề sư phạm mà hành động như vậy là không thể chấp nhận được. Với học sinh nhỏ tuổi còn dọa nạt được cho chúng nó sợ, chứ học sinh lớn lớn thế này thì phải khéo” - một thành viên trên viết trên Webtretho.
Trao đổi với VnMedia, PGS, nhà giáo Văn Như Cương nhận xét: “Không thể chấp nhận được! Chỉ là con người với con người với nhau cũng không xử sự như thế. Một người lớn tuổi hơn không thể hành xử như vậy với một người nhỏ hơn, trong khi đây là quan hệ giữa thầy và trò, việc đó phải cấm ngặt, không bao giờ để xảy ra, dù có bức xúc đến mấy thì hành động này là hoàn toàn phản giáo dục”.
Phân tích về hậu quả của việc thầy đánh trò đến mức trò đánh lại thầy, PGS Văn Như Cương cho rằng, có 2 điều đặc biệt nguy hiểm.
“Điều nguy hiểm thứ nhất là sau khi thầy đánh trò rồi trò tức lên đánh lại thầy thì sau đó sẽ không thể dạy dỗ gì được học sinh nữa. Thầy đánh trò đã đành, đằng này học sinh còn đánh lại thầy nữa thì làm gì còn uy tín. Nếu đứng lớp nữa thì phản cảm lắm" - thầy Văn Như Cương nói.
“Tuy nhiên, còn một điều nguy hiểm hơn. Sự phản ứng của học sinh cũng cần lên án, nhưng cách phản ứng đó là còn... may. Nếu em học sinh không vì bức xúc, vì phẫn uất nhảy lên đánh thầy mấy cái cho hả giận mà lại tự nhịn nhục rồi quá uất ức vì thầy hành xử như thế (mà rất có thể là oan cho mình), đi học về, nó nhảy xuống sông tự tử thì làm thế nào? Đã có chuyện như vậy xảy ra ngay ở trong lớp học, trước mặt cô giáo. Đó là cô giáo chỉ nói chứ không đánh, vậy mà không biết cô đã nói gì, chỉ biết em nữ sinh lớp 12 đứng dậy, nói rằng không bao giờ gặp cô nữa rồi đi thẳng ra cửa, nhảy từ tầng 2 xuống và chết. Ta phải lường trước cái đó” - PGS Văn Như Cương phân tích thêm.
Theo PGS, đứng về chức năng của nhà giáo, người thầy, người cô cần phải rèn luyện để không chỉ tránh những chuyện như trò đánh lại thầy mà còn tránh những hậu quả khác để khỏi phải ân hận suốt đời.
Chạm vào lòng tự trọng của thanh niên là nguy hiểm |
Chạm vào lòng tự trọng của thanh niên là nguy hiểm
Lâu nay, dư luận xã hội luôn bức xúc chuyện giáo viên đánh học trò. Nhiều phụ huynh khi thấy con cái bị đánh, dù là nặng hay nhẹ đều phản ứng rất dữ dội. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu đánh bằng cái tâm muốn thực sự dạy dỗ cho trẻ, đánh mà vẫn cho trẻ biết là mình thương chúng thì chúng sẽ dễ chấp nhận hơn mà không có sự phản kháng nặng nề.
Một thành viên trên Webtretho chia sẻ rằng, các thầy cô giáo hồi xưa tận tâm dạy học, 2 chữ "nghề giáo" rất thiêng liêng nên cho dù có đánh học trò thì học trò vẫn nể, vẫn kính trọng. “Không phải như bây giờ, giáo viên nhiều người không có trình độ lại không có đạo đức thì học trò nào nể? Thời đại phát triển, học trò cũng ý thức hơn với quyền lợi của chúng, cái tuổi này thích thể hiện bản thân nữa, thử hỏi ổng đánh nó thế thì biểu sao nó không bật lại cho được?”.
Một thành viên khác thì kể lại: “Ngày xưa đi học mà viết xấu thì cô giáo cầm thước kẻ quật thẳng vào tay cho nhớ, lần sau viết cẩn thận hơn. Giờ nhiều khi nghĩ lại cũng phải cảm ơn cô rèn chữ nên chữ mình khá đẹp. Cái chính ở đây là thầy cô dạy có tâm hay không có tâm thôi. Thầy cô có tâm, dạy tốt thì dù mắng chửi vẫn đông học sinh và nhất là sau này khi ra trường đi làm, lúc đó mới hiểu được tấm lòng của thầy cô và học sinh quay lại thăm thầy cô vào ngày 20/11 và Tết rất đông.”
Kể lại chuyện hồi nhỏ của chính bản thân mình, PGS Văn Như Cương nói: “Hồi xưa, tôi có lỗi vẫn bị bố đánh. Ông cụ có một cái roi giắt trên mái nhà, cầm xuống dằn nhẹ nhẹ vào mông rồi vừa giảng giải như thế nào là đúng, như thế nào là sai, là không được. Mình nằm yên nghe rồi bố hỏi một câu: nhớ chưa? sau đó quất 3 cái rồi cho đứng dậy. Nhưng hành động đó là mang tính chất giáo dục rõ ràng chứ không phải mang cái bực tức của ông bố để đánh con “vì mày làm vỡ cái bình hoa hay làm hỏng cái gì khác”. Cách giáo dục như vậy thì trẻ con chấp nhận được, học sinh chấp nhận được, vì biết là người lớn tôn trọng mình, giảng giải cho mình biết chứ không có ý gì xúc phạm.
“Nhưng bây giờ, người thầy này xem học sinh như quân thù, tát bên này rồi tát bên kia là thể hiện sự không tôn trọng. Xã hội hiện nay, trẻ con có nhận thức về sự bình đẳng, có lòng tự trọng, tự do phát biểu một cách bình đẳng và mọi người phải tôn trọng. Chạm vào cái điều (lòng tự trọng - PV) của thanh niên bây giờ là nguy hiểm, hoàn toàn không nên.” - PGS Văn Như Cương cảnh báo.
Ông cũng nhắc lại chuyện Mạnh Tử bị mẹ đánh. Mạnh Tử mỗi khi phạm bị mẹ đánh đều biết lỗi mà nằm yên chịu trận dù đau đến mấy. Rồi đến một lần, ông không còn cảm nhận được cái đau do bị đòn của mẹ thì bật khóc, nói rằng thương mẹ đã già yếu nên đánh không đau. “Điều đó thật cảm động vì Mạnh Tử nhận thức được mẹ đánh là vì muốn dậy dỗ mình. Sự hiểu biết như thế là quá tuyệt vời, chứ không phải như nhiều người, chỉ vì căm thù mà đánh.” - PGS phân tích.
Về phản ứng của cậu học trò trong clip thày trò đánh nhau, nhiều người vì quá bức xúc với hành động của thầy giáo nên đã đồng tình với phản ứng tiêu cực của cậu học trò. Thậm chí nhiều người còn cực đoan mà nói rằng: “Phải tôi, tôi.... đánh mạnh hơn”.
Tuy nhiên, PGS Văn Như Cương cho rằng ở trong một trường học có tổ chức, có đoàn thể để học sinh phản ánh nên gặp trường hợp bị thầy giáo đánh cần phải kìm nén chứ không nên xử sử bằng cách đánh lại thầy giáo. “Bỏ chạy còn hơn đánh lại thầy. Chạy lên văn phòng báo cáo là bị thầy đánh thì ông hiệu trưởng sẽ xuống giải quyết ngay.” - thầy Cương “mách nước”.
“Đi ra đường cũng vậy, nếu gặp trường hợp bị ai đó hành hung thì chắc chắn là các em nên lánh đi, hoặc hô hoán nếu có đông người. Dù gặp một đứa trẻ bé hơn đánh mình cũng không nên đánh lại vì sẽ có thể có nhiều hậu quả đáng tiếc. Ngay cả câu chuyện mà ta hô hào lên là dũng cảm, đó là vụ một bà cụ bị cướp xe rồi đuổi theo để giằng lại, theo tôi là không nên khuyến khích. Trong trường hợp đó, bà cụ chỉ nên nhớ lấy số xe rồi đi báo cáo chứ không nên xông pha như thế, có thể nguy hiểm đến tính mạng. Đó cũng là điều nên giáo dục trẻ con cách ứng xử khi đi ra đường.” - PGS Văn Như Cương kết luận.
Ý kiến bạn đọc