(VnMedia) - Theo kế hoạch sẽ có 643 người được đào tạo để vận hành tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội). Trong số này, có gần 200 người được cử sang Trung Quốc để đào tạo. Số còn lại sẽ được đào tạo trong nước.
>>Cuối 2015, người Hà Nội mới được đi tàu điện trên cao
Bộ Giao thông vận tải cho biết, chuẩn bị cho việc thành lập Công ty Vận hành khai thác Đường sắt đô thị Hà Nội vào tháng 6 tới đây; ngày 14/2 vừa qua, đơn vị này đã chủ trì cuộc họp về công tác tuyển dụng, đào tạo nhân lực cho dự án.
Theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam, số người cần đưa đi đào tạo cho Dự án đường sắt trên cao tuyến Cát Linh - Hà Đông là 643 người, trong đó số lượng nhân sự đào tạo tại Trung Quốc là 194 người; số lượng nhân sự đào tạo tại Việt Nam là 449 người.
Thời gian đào tạo tại Trung Quốc từ ngày 1/4/2014 - 20/6/2015; đào tạo tại Việt Nam từ 1/6 - 8/8/2015. Riêng số lượng lái máy là khoảng 50 người phải tuyển dụng để đưa đi đào tạo sớm hơn vì thời gian đào tạo mất 315 ngày.
Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam Vũ Quang Khôi cho biết, do Công ty Vận hành khai thác Đường sắt đô thị Hà Nội vẫn chưa thành lập nên UBND TP Hà Nội giao việc tuyển dụng nhân lực để đưa đi đào tạo cho Sở Nội vụ Hà Nội chủ trì cùng Cục Đường sắt Việt Nam, Ban Đường sắt đô thị Hà Nội phối hợp thực hiện.
Nếu đúng tiến độ, cuối năm 2015, người Hà Nội mới được đi lại
trên tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Sau khi đăng tải và gửi thông báo tới các đơn vị liên quan, đến ngày 14/1 vừa qua, Cục Đường sắt Việt Nam và Ban Quản lý đường sắt đô thị Hà Nội đã nhận được tất cả 59/48 hồ sơ đăng ký cho từng vị trí chức danh để đi đào tạo gồm: chỉ huy trưởng Trung tâm điều hành; phó Chỉ huy trưởng Trung tâm điều hành; nhân viên điều hành dịch vụ trên tàu; giám sát tín hiệu cao cấp; giám sát tín hiệu; nhân viên lái tàu, dồn tàu cao cấp; lái tàu trưởng; lái tàu thử, dồn tàu, lái tàu..
"So với yêu cầu về số lượng tuyển dụng đến nay vẫn chưa đáp ứng đủ tại vị trí lái tàu trưởng ca và giám sát tín hiệu cao cấp. Dự kiến, sau khi tuyển dụng đủ số người cần thiết, Cục Đường sắt Việt Nam sẽ cử sang Trung Quốc để đào tạo về vận hành và khai thác đường sắt đô thị", Phó Cục trưởng Cục Đường sắt Việt Nam cho biết.
Dự án đường sắt đô thị Hà Nội, Cát Linh - Hà Đông (tuyến số 3) là một trong những tuyến đường sắt cao tốc được triển khai sớm nhất so với các tuyến khác trên địa bàn TP Hà Nội và đã thực hiện được nhiều khối lượng công việc nhưng đến nay lại đang chậm 1 năm so với tiến độ điều chỉnh.
Theo kế hoạch được điều chỉnh giữa năm 2013, bắt đầu từ ngày 1/3/2015, tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông (Hà Nội) sẽ được đưa vào vận hành chạy thử. Sau đó, sẽ chính thức đưa vào khai thác thương mại từ 1/6/2015. Tuy nhiên, do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng ở một số ga nên tiến độ chạy thử lại bị lùi lại đến tháng 9/2015 và đến tháng 12/2015 mới đưa vào khai thác thương mại. Như vậy, nếu đúng tiến độ phải cuối năm 2015, người Thủ đô mới được đi trên tuyến tàu điện trên cao Cát Linh - Hà Đông.
Theo thiết kế, tuyến đường sắt đô thị số 3 Cát Linh- Hà Đông, có chiều dài toàn tuyến khoảng 13,5km, đi hoàn toàn trên cao. Tuyến đường được thiết kế theo kiểu đường đôi, khổ 1.435m, điện khí hoá, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng theo quy phạm thiết kế Metro GB 5017-2003 của Trung Quốc, chịu được động đất cấp 8.
Toàn tuyến đi trên cao và chủ yếu chạy trên dải phân cách giữa 2 làn đường bộ thuộc trục đường Hào Nam và đường Nguyễn Trãi; điểm khởi đầu là ga Cát Linh (Q. Đống Đa), điểm kết thúc tại ga Yên Nghĩa (Q. Hà Đông) gồm 12 ga đón tiễn khách (Cát Linh - La Thành - Thái Hà - Láng - Đại học Quốc gia - Vành đai III - Thanh Xuân III - Bến xe Hà Đông - Hà Đông - La Khê - Văn Khê - Bến xe Hà Đông mới) và khu Depo (trung tâm điều hành tuyến) tại phường Phú Lương, Q. Hà Đông.
Đoàn tàu gồm 6 toa hoặc 8 toa (khi lưu lượng giao thông tăng lên), có sức chở từ 2.028 hành khách đến 2.110 hành khách. Tốc độ tối đa là 80km/h, tốc độ lữ hành là 35km/h. Thời gian khai thác hàng ngày từ 5 -23 giờ, tần suất vận chuyển tối đa là 2 phút/chuyến...
Ý kiến bạn đọc