(VnMedia) - Sau khi báo chí đưa tin, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã phát hiện thêm 2 trụ cầu Vĩnh Tuy bị nứt, đưa tổng số trụ cầu “có vấn đề” lên con số 3.
>>Nứt cầu Vĩnh Tuy không do co ngót bê tông!
>>"Siêu âm" vết nứt nguy hiểm ở cầu Vĩnh Tuy
Sau khi các báo đưa tin về trụ cầu T22 của Vĩnh Tuy bị nứt, đơn vị tư vấn thiết kế cầu Vĩnh Tuy, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) đã tiến hành kiểm tra hiện trường để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.
Qua tiến hành kiểm tra thực trạng tại chân cầu, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, trụ T22 xuất hiện vết nứt dọc tại tim trụ theo hướng dọc cầu ở cả hai phía, chiều rộng vết nứt lớn nhất là 2 mm, dài 10 m ở cả hai phía trụ.
Ngoài vết nứt tại trụ cầu trên, đơn vị này cũng phát hiện trụ T23 cũng bị nứt dài 2-3 m nhưng chiều rộng nhỏ hơn ở vị trí tương tự trụ T22 và trụ T24 bị nứt ở phía Long Biên với bề rộng nhỏ hơn. Theo đánh giá của TEDI, các dầm bê tông không bị nứt, các trụ làm việc ổn định, không có hiện tượng lún, nghiêng.
Sau khi tiến hành rà soát lại hồ sơ thi công, đơn vị tư vấn nhận định, vết nứt dọc thân trụ T22 không phải do điều kiện chịu lực mà có thể quá trình thi công bị ảnh hưởng bởi một số yếu tố như độ ẩm, nhiệt độ môi trường, độ sụt của bê tông. Quá trình bảo dưỡng sau khi đổ bê tông tác động đến quá trình thủy hóa bê tông, tạo thành vết nứt ngay trong khi bê tông ninh kết.
|
Mới sử dụng được vài năm nhưng trụ chính của chân cầu Vĩnh Tuy đã xuất hiện vết nứt đe dọa sự an toàn của thân cầu. Ảnh: Báo Xây dựng |
Hiện để đánh giá chính xác nguyên nhân gây nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, Sở Giao thông Hà Nội đã thuê đơn vị tư vấn kiểm định độc lập để khảo sát, kiểm định và đánh giá ảnh hưởng của vết nứt tại các trụ cầu, dự kiến hoàn thành trước 10/3.
Trước đó, trao đổi với VnMedia về nguyên nhân có thể dẫn đến vụ nứt cầu Vĩnh Tuy, PGS Nguyễn Phi Lân, Trưởng khoa Cầu - Đường, Đại học Xây dựng loại trừ khả năng gây nứt do co ngót bê tông mà Sở Giao thông vận tải đưa ra trước đó.
Theo PGS Lân, hiện tượng co ngót bê tông chỉ xảy ra trong thời gian đầu. Do đó, bây giờ việc đầu tiên để xác định vết nứt là do đâu thì phải theo dõi xem vết nứt tiếp tục phát triển hay không.
“Trước mắt, phải yêu cầu nhà thầu dán áp phích vào và kiểm tra theo dõi một thời gian dài xem vết nứt còn phát triển nữa hay không. Nếu tiếp tục nữa thì phải xem xét”, PGS Lân nêu quan điểm.
Đưa ra dự đoán của mình về nguyên nhân gây nứt trụ cầu Vĩnh Tuy, PGS Lân cho rằng, để khẳng định trụ cầu Vĩnh Tuy nứt vì lý do gì thì chưa thể khẳng định chắc chắn.
“Vết nứt ấy có rất nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân ban đầu có thể là co ngót bê tông. Tuy nhiên, việc này chỉ xảy ra trong thời gian đầu. Còn lại về sau này nứt có khả năng do chịu tải của trụ cầu yếu và nhiều yếu tố khác ảnh hưởng đến”, PGS Lân khẳng định.
Theo tìm hiểu, gói thầu xuất hiện nứt dọc thân trụ cầu do Tổng công ty xây dựng Thăng Long thi công, đơn vị tư vấn giám sát là Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) thực hiện. Gói thầu số này có chiều dài tổng cộng 946,8m, tổng giá trị hợp đồng là 302 tỷ đồng, trải dài từ trụ T22 đến T38, bao gồm 3 nhịp cầu chính là dầm hộp đúc hẫng khẩu độ 135m và 13 nhịp cầu dẫn. Phần móng của các trụ cầu được đặt trên từ 20-24 cọc khoan nhồi đường kính D=2m, sâu trung bình 50m tới tầng cuội sỏi. Phần cầu dẫn từ trụ T25 đến T38 là 13 nhịp dầm SupperT, chiều dài 40m/nhịp.
Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng thuộc tuyến vành đai 2 nằm trên địa bàn hai quận Hai Bà Trưng và Long Biên. Điểm đầu cách ngã ba Minh Khai khoảng 275m, và điểm cuối vượt qua Quốc lộ 5 tại km2+630 khoảng 400m về phía Khu đô thị Sài Đồng.
Chiều dài toàn bộ tuyến là 8.493m, trong đó phần tuyến chính là 5.830m với hai cầu là cầu Vĩnh Tuy dài 3.778m và cầu vượt Quốc lộ 5 với chiều dài 364m cùng với các cầu nhánh.
Cầu Vĩnh Tuy do Ban quản lý Dự án Tả Ngạn (thuộc Uỷ ban Nhân dân thành phố Hà Nội) là chủ đầu tư xây dựng công trình, sau khi hoàn thành vào tháng 9/2009 và đưa vào sử dụng năm 2010 thì cầu Vĩnh Tuy được bàn giao cho Sở Giao thông Vận tải Hà Nội quản lý.
Ý kiến bạn đọc