Nhà siêu mỏng siêu méo: Hà Nội cần học ai?

17:52, 14/02/2014
|

(VnMedia) - Ở Việt Nam, nhà siêu méo có từ thời Pháp, còn ở trên thế giới cũng vậy, ở đâu mở đường là ở đó đất thừa, nhà méo. Tuy nhiên, vấn đề là người ta đã xử lý như thê nào để bộ mặt đô thị không bị méo mó. KTS Trần Huy Ánh đã trao đổi với VnMedia về vấn đề này. 

 Ảnh minh họa

 KTS Trần Huy Ánh


- Dư luận luôn phàn nàn về việc Hà Nội có nhiều nhà siêu mỏng siêu méo, vậy công có cho rằng, nhà siêu mỏng siêu méo là một “biểu tượng xấu” của Hà Nội hiện nay hay  không?  

Gần đây có bạn hỏi tôi là có công trình kiến trúc nào mới được xây ở Hà Nội đẹp không, tôi  nghĩ mãi chưa ra… Có mấy tác phẩm thì cũng đã xây dựng từ 15-20 năm trước, các công trình thuộc thế hệ các KTS Lê Hiệp, Lê Văn Lân, Tạ Xuân Vạn. Đấy là cảm nghĩ của cá nhân tôi và các KTS đồng cảm. Vậy là  các công trình  xây vuông vắn trên các địa điểm rộng rãi  còn chưa đẹp thì nói chi đến miếng đất méo mó, nhỏ hẹp ven đường. Có điều là những cái xấu xí bên đường nó đập vào mắt nhiều người, sự phản cảm làm ta nhức nhối  nên cái xấu điển hình được bàn luận sôi nổi rộng rãi hơn  và tạo ra hội chứng  “nhà siêu mỏng, siêu méo“ ồn ào, chứ nhìn chung thì còn nhiều cái xấu hơn nấp sau những dải cây xanh, tường rào hay công trình ít xấu hơn che mất tầm mắt.

Nhà xây trên những thửa đất nhỏ hẹp có mặt tại tất cả các đô thị trên thế giới, ngay cả thành phố hoa lệ như Paris, Tokyo... cũng không thiếu – đó là hậu quả tất yếu của những cuộc canh tân đô thị, khi các kiến trúc sư vạch ra những con đường mới hay mở rộng quảng trường, xén vào khu dân cư. Có điều là các nhà quản lý đô thị, các KTS và các cư dân có cách giải quyết khéo léo, tài tình làm cho thẩm  mỹ kiến trúc cảnh quan đường phố vẫn rất hài hòa. Ngay tại Hà Nội cũng đầy những ngôi nhà siêu mỏng trên khu phố cổ, nhưng có ai nhận ra đâu. Có cải cái đình làng góc phố Chả Cá, năm 1926 mở đường xén bay cả cái đình, chỉ còn hậu cung, ấy vậy mà nay qua phố, ai cũng nhận ra đó là cái  đình chứ đâu đến nỗi như bây giờ, cứ mở đường mới thì y như rằng tòi ra cái phố mới đầy nhà siêu mỏng, siêu méo ồn ào.
 
Bất cứ con đường nào mới mở đi qua khu dân cư hiện hữu thì ắt để lại hai bên đường không ít thì nhiều những thửa đất mỏng và méo – ai cũng biết điều đó từ khi đặt bút vẽ con đường. Nhưng hầu như chuyện con voi đứng giữa nhà không ai nhìn thấy, có lẽ đó là nguyên nhân, còn hậu quả thì ai cũng đã được thấy rồi 

 Ảnh minh họa

 Cứ ở đâu mở đường, ở đó mọc ra những ngôi nhà kỳ dị


 - Đã từng nghiên cứu rất sâu về quy hoạch và kiến trúc thời Pháp, ông nhận xét như thế nào về cách xử lý nhà siêu mỏng siêu méo. So sánh với cách quản lý hiện nay, ông thấy có điều gì khác biệt?
 
Tôi có thời gian làm việc tại một đơn vị trực thuộc Nhà Đất Hà Nội (năm 1997 nhập với sở Địa chính thành ra cái sở TNMT hiện nay), có điều kiện tiếp cận với tài liệu quản lý đô thị  trước 1955 và gần đây, các đồng nghiệp người Pháp cũng cung cấp thêm tư liệu nên đã hiểu phần nào kỹ thuật, quy trình quản trị đô thị thời đó.

Khi nghiên cứu mở đường phố mới qua khu dân cư , KTS vẽ trên bản đồ địa chính (có ranh giới sở hữu lô đất - trong đó có mô tả nhà cửa trên đất) chứ không vẽ lên bản đồ địa hình như hiện nay, chỉ có công trình kiến trúc. Con đường xén cắt nhà cửa, đất đai lộ ra những thửa đất còn lại diện tích nhỏ. méo mó… sẽ được đánh dấu, hợp thửa và đưa ra mô hình xây dựng phù hợp. Thành phố tổ chức đấu giá bán thửa đất đã hợp thửa (các chủ cũ có quyền ưu tiên mua lại nếu trả bằng giá trong phiên đấu giá). Người trúng thầu cam kết xây nhà theo quy định, về hình thức cũng như đảm bảo vệ sinh (đảm bảo chất lượng nước thải theo quy định vào cống thoát nước thành phố). Các công chức liên quan đến đo đạc đất đai, cấp phép xây dựng, vệ sinh đô thị, thuế phí…. đều phải đóng tiền bảo đảm thế chấp (khoảng 50 lạng vàng) và có công chức cấp cao hơn bảo lãnh. Mọi việc lèm nhèm về luật lệ bị phát hiện sẽ bị sa thải, tiền thế chấp sung công, người bảo lãnh liên lụy. Nhiều nghiên cứu lịch sử đô thị hóa Hà Nội cho biết trong nửa đầu TK20, có rất ít chuyện lộn xộn hay kiện cáo lôi thôi trong lĩnh vực này.

Có thể nói Hà Nội ta được thừa hưởng di sản quản lý đô thị văn minh nhất cuối TK 19, đầu TK20, do vậy Hà Nội đã từng là một trong 3 thành phố đẹp nhất châu Á trước chiến tranh thế giới thứ II (Hà Nội, Thượng Hải, Tokyo). Có được kết quả đó một phần HN được quy hoạch đô thị bởi các KTS tài năng, đồng thời có hệ thống quản lý đô thị khoa học, hiệu quả, đồng bộ… cái mà Hà Nội ta hôm nay đang thiếu nên chuyện nhà siêu mỏng siêu méo còn là câu chuyện dài kỳ 
 
- Theo ông, Hà Nội liệu có giải quyết dứt điểm được nhà siêu mỏng siêu méo hay không và để giải quyết dứt điểm, Hà Nội cần làm gì? Học theo Đà nẵng, làm lại cách thời Pháp hay có cách gì mới hơn phù hợp với đặc thù của Thủ đô?
 
Tôi nhớ đến câu nói rất ấn tượng trong bộ phim của Mỹ “đồng tiền không ngừng nghỉ “, đó là: “chỉ có người không bình thường mới tin vào sẽ có kết quả mới trong khi lặp lại cách giải quyết y như cũ. Tôi cũng có thời gian tìm hiểu cách làm phố phường ở Đà Nẵng – tôi thấy  không có gì mới và không học gì ở họ. Nếu họ đúng thì Đà Nẵng phải  là thành phố đáng sống thực sự, hàng triệu người giàu đến mua nhà ở đó và thành phố ấy giàu lên nhanh chóng.

Nhưng thực tế thì bên những con đường rộng rãi thẳng tăp, hay trong các khu nghỉ dưỡng sang trọng đó, ai đang sống? phần lớn cư dân trong thành phố ấy đang có những cơ hội sinh kế gì?- họ có ký ức, tình cảm gì đối với nơi chốn, có thực sự hạnh phúc và tự hào được sống trong cái thành phố ấy không?  – chưa  từng có câu trả lời thật thỏa đáng. Do vậy, những cái cảm xúc lướt qua đường phố của du khách ngồi trên xe hơi chưa nói lên điều gì. Một thành phố đẹp không phải chỉ có những con đường lớn và những ngôi nhà vuông vắn mà cần cái không gian sống thực sự ấy.

Để trả lời câu Hà Nội có thể chấm dứt tình trạng nhà siêu mỏng siêu méo không, đây là công việc khó, nhưng làm tôi cũng nhớ đến câu nói hay của một nhà khoa học lớn tuổi, một thầy giáo ngành xây dựng đã có thời gian làm thứ trưởng Bộ Xây dựng và Phó Chủ tịch thành phố Hà Nội, ông ấy nói rằng “việc gì khó, khó lắm thì cứ hỏi dân sẽ có câu trả lời“. Vậy thành phố Hà Nội đã thấy khó chưa? hay là cứ thử hỏi dân Hà Nội xem có cách gì giúp các nhà quản lý Thành phố không? biết đâu đấy...

- Xin cảm ơn KTS về cuộc trao đổi.


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc