Nếu không thắt chặt, 90% học sinh Việt Nam sẽ... học đại học

22:44, 07/02/2014
|

(VnMedia) - Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bùi Văn Ga, ở nhiều nước, chỉ khoảng 50-70% học sinh học lên THPT, còn ở Việt Nam, có đến 90% học sinh sau khi tốt nghiệp THCS vẫn tiếp tục học lên THPT. Nếu không thắt chặt đầu vào, tất cả số học sinh này tiếp tục học đại học, cao đẳng, gây nên sự lãng phí lớn... 

Ảnh minh họa

Thứ trưởng Bộ Giáo dục Bùi Văn Ga


-  Thưa Thứ trưởng, một trong những vấn đề được dư luận quan tâm hiện nay là chất lượng giáo dục Việt Nam chưa ngang với tầm thế giới nên một bộ phận khá lớn học sinh Việt Nam khi đi du học ở nước ngoài thường được xếp vào những trường có thứ hạng không cao, nhất là trong giai đoạn đầu, hoặc là phải học lùi lại một năm, hoặc phải học thêm ngoại ngữ. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về ý kiến này?

Thực ra không phải hoàn toàn như vậy. Những nước phát triển có những trường đại học tuyệt vời, ai nghe cũng phải kính nể nhưng cũng có những trường đại học bình thường. Ở Việt Nam chúng ta cũng có những trường đại học rất tốt, nhưng cũng có những trường mà chất lượng chưa đạt như mong đợi. Vì vậy, khi sinh viên tốt nghiệp ra nước ngoài học tiếp, sẽ phải qua tuyển sinh của các trường nước ngoài, với những kỳ kiểm tra năng lực, ngoại ngữ, nếu đạt yêu cầu thì mới được chấp nhận học.
 
Cục Đào tạo Nước ngoài hàng năm đã gửi ra nước ngoài đào tạo hàng ngàn du học sinh ở các bậc thạc sĩ, tiến sĩ… không có vấn đề gì về bằng cấp mà đều được các trường nước ngoài chấp nhận. Ngay cả những trường hàng đầu thế giới cũng nhận học sinh của chúng ta. Hiện nay có một số trường đại học của Việt Nam mặc dù chỉ cấp bằng đại học, kỹ sư thôi, nhưng nước ngoài lại thừa nhận chúng ta là thạc sĩ, ví dụ như bằng kỹ sư chất lượng cao ở các trường đại học Bách Khoa, đại học Xây dựng… Đối với những sinh viên này hoàn toàn không có khó khăn gì trong việc tiếp tục học ở nước ngoài mặc dù giữa ta và những nước đó chưa có hiệp định công nhận tương đương bằng cấp. Tất nhiên, cũng có những học sinh đi ra nước ngoài diện tự túc gặp khó khăn bởi chính họ phải tự tìm trường, tìm thầy, phỏng vấn…
 
-  Xã hội hóa là xu hướng tốt, nhưng liệu có sự chênh lệch nhất định giữa trường công lập và dân lập khi sinh viên đi ra nước ngoài?
 
Thực tế hiện có có những trường ngoài công lập chất lượng rất tốt. Sinh viên các trường đó được nước ngoài công nhận, thậm chí các trường đó còn nhận sinh viên nước ngoài về đào tạo, trao đổi sinh viên như trường đại học Thăng Long, Hoa Sen TP. HCM đã có giao lưu sinh viên rất tốt, các nước phát triển đưa sinh viên đến học và công nhận bằng tương đương… Hay như trường đại học Công nghệ TP. Hồ Chí Minh, trường đại học Duy Tân Đà Nẵng… cũng có các chương trình tiên tiến, mời giáo sư nước ngoài đến giảng dạy… Chất lượng những trường này đã được khẳng định. Tất nhiên cũng có những trường mới thành lập, chất lượng chưa được khẳng định thì khi sinh viên ra nước ngoài học tiếp, sẽ phải qua các kỳ kiểm tra, phỏng vấn hoặc làm các bài test để đánh giá năng lực, dù là sinh viên trường trong hay ngoài công lập. Nếu sinh viên nào có ngoại ngữ tốt, kiến thức tốt và năng lực tư duy thì sẽ vượt qua các rào cản ban đầu để theo học đại học hay sau đại ở nước ngoài, không phân biệt trường công hay trường tư.
 
- Một trong những vấn đề đã được đề cập khá lâu, đó là giáo trình của các trường đại học chưa đáp ứng được các chuẩn quốc tế. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?

Chất lượng đào tạo đại học phụ thuộc vào nhiều thứ như chương trình, giáo trình, đội ngũ gióa viên, phương pháp giảng dạy, quản lý, phương pháp kiểm tra đánh giá… trong đó chất lượng giáo trình là một vấn đề quan trọng. Đối với một số ngành có tốc độ phát triển nhanh như ngành công nghệ  thông tin, nếu chúng ta không cập nhật thường xuyên thì giáo trình sẽ dễ dàng bị lạc hậu so với yêu cầu sản xuất của các doanh nghiệp bên ngoài.

Đối với các giáo trình như vậy, chúng ta phải thường xuyên cập nhật để theo kịp với trình độ phát triển của công nghệ. Chính vì vậy, trong Luật Giáo dục đại học đã được Quốc hội thông qua, Bộ Giáo dục đã giao các trường tự chủ trong việc xây dựng các chương trình đào tạo. Hiệu trưởng các trường có quyền quyết định các chương trình đào tạo cho phù hợp.

Việc quyết định chương trình phụ thuộc vào việc xác định mục tiêu đào tạo. Lâu nay, chúng ta đạo tào theo kiểu cung cấp kiến thức là chính, yêu cầu học sinh phải học thuộc… mà chưa chú trọng nhiều vào việc phát triển năng lực tư duy và phẩm chất của họ để thích nghi nhanh chóng vào môi trường công tác – những phẩm chất cần thiết của người lao động. Sắp tới, chúng ta sẽ phải điều chỉnh mục tiêu, từ đó điều chỉnh chương trình, phương pháp giảng dạy, quản lý… để phù hợp với đào tạo nhân lực.
 
- Qua quan sát ở một số nước thì đầu vào đối với sinh viên tương đối dễ nhưng đầu ra rất khó khăn. Thứ trưởng đánh giá như thế nào về mô hình trong nước hiện nay và mô hình mà sau này chúng ta hướng tới?
 
Đối với các nước phát triển, khi mà giáo dục phổ thông ổn định thì việc tuyển đầu vào không phải là vấn đề gì lớn. Đối với những nước này, sự phân luồng học sinh sau THCS rất là chặt chẽ, có tới 30, thậm chí 50% học sinh sau THCS đi học nghề, học trung cấp hay kỹ thuật viên. Như vậy, khoảng 50-70% tiếp tục học phổ thông và số này sau đó tiếp tục học cao đẳng, đại học là không có vấn đề gì. Tuy nhiên ở nước ta hiện nay chỉ khoảng 5-6% sau THCS là đi học nghề, còn trên 90% tiếp tục học THPT. Trong số đó, sẽ có những em không đảm bảo năng lực học đại học, cao đẳng, vì vậy chúng ta phải có kỳ tuyển sinh để lọc những em có đủ năng lực thực sự vào học đại học. Trong quá trình đào tạo, chúng ta tiếp tục sàng lọc nữa thì chúng ta mới có đội ngũ chất lượng tốt được.

Nếu chúng ta để các em tốt nghiệp THPT vào học cao đẳng, đại học thì như vậy, hầu như tất cả học sinh tốt nghiệp phổ thông đều vào học ĐH, cao đẳng. Như vậy, sẽ là một sự bất cập, gây tốn kém và lãng phí cho xã hội, đồng thời gây nhiều bất cập, tạo ra một cơ cấu bất hợp lý cho chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Vì vậy, chúng ta phải tuyển sinh để điều chỉnh lại cơ cấu lao động này. 

(Còn nữa)


Tuệ Khanh - (ghi)

Ý kiến bạn đọc