(VnMedia) - “Muốn bảo tồn cầu Long Biên thì phải giữ đúng hình dáng ban dầu, với chức năng là cây cầu cho đường sắt, người đi bộ và xe cơ giới nhẹ. Nếu không như vậy, nó không còn là cây cầu Long Biên trước đây nữa”, GS. TSKH Lã Ngọc Khuê, Nguyên Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải trao đổi với VnMedia.
>>Hà Nội chọn bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên
>>"Khôi phục được cầu Long Biên như cũ thì rất tốt”
>>Di dời cầu Long Biên để xây cầu vượt đường sắt mới?
- Bộ Giao thông Vận tải vừa đưa ra 3 phương án xây dựng mới và bảo tồn cầu Long Biên. Quan điểm của GS về việc này thế nào?
GS. Lã Ngọc Khuê: Việc Bộ Giao thông Vận tải và UBND Hà Nội đưa ra 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên gần đây là việc làm hết sức có trách nhiệm vừa để bảo tồn được cây cầu vứa để phát triển tuyến đường sắt đô thị phục vụ giao thông công cộng ngày càng ùn tắc nặng nề.
Cần phải hiểu rằng, đi đến bước này, Bộ Giao thông Vận tải và UBND Hà Nội đã trải qua gần chục năm với rất nhiều đề xuất và phương án khác nhau. Đầu tiên phương án được đưa ra là làm một cầu đường sắt đô thị cách đó 50 mét. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ làm cho không gian kiến trúc bị phá vỡ, dồn nén nặng nề ở trung tâm thành phố cho nên phương án đó không được chấp nhận.
Sau đó, lại chuyển sang một phương án khác là làm cầu đường sắt đô thị dịch chuyển lên 186 mét về phía Bắc. Phương án này sẽ phải phá nhiều tuyến phố từ Bốt Hàng Đậu qua Hàng Than đến Nguyễn Trung Trực…
Mặt khác, việc giải phóng mặt bằng ở khu “đất vàng” này thì chưa thể nào tính hết được. Nhân dân ở đây đã sống lâu đời và cũng kế cận không gian khu phố cổ, cho nên cũng không đồng tình với phương án này. Vì vậy, qua nhiều năm nay không xử lý được.
Bộ Giao thông vừa đưa ra 3 phương án để xây mới và bảo tồn cầu Long Biên. Ảnh: Internet. |
- Mới đây, đại diện Sở Giao thông vận tải nêu ý kiến cho rằng nên bảo tồn nguyên trạng cây cầu, đồng thời sửa chữa, nâng cấp tải trọng để phục vụ giao thông. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là nếu bảo tồn thì sẽ phải bảo tồn như thế nào cho đúng, thưa GS?
Trong lúc còn có nhiều ý kiến khác nhau, tôi cho rằng chúng ta phải tìm cách để đi đến đồng thuận. Muốn vậy, phải dựa trên nguyên tắc, còn nếu chúng ta thảo luận mà không có nguyên tắc làm chuẩn sẽ rất khó kết luận.
Ý kiến cá nhân của tôi là phải làm sao để bảo tồn không mâu thuẫn với phát triển. Cho nên phải cố gắng làm thế nào để giữa cái bảo tồn và phát triển sống chung với nhau, đừng vì bảo tồn mà hy sinh phát triển, nhưng cũng đừng vì phát triển mà hy sinh bảo tồn.
Vấn đề thứ hai, khi bảo tồn một đối tượng, phải bảo tồn về không gian, hình dáng, kết cấu…nhưng quan trọng là phải bảo tồn đúng chức năng và công năng của nó.
Ví dụ như, ta bảo tồn khu phố cổ Hội An thì dân vẫn sống ở đó, vẫn sinh con đẻ cái, kinh doanh… chứ không phải rào lại chỉ cho người vãn cảnh xem ở bên ngoài. Bảo tồn như vậy mới có giá trị. Hoặc bảo tồn một cái chùa thì sau đó vẫn để cho người dân đến làm lễ chứ không phải ta rào lại vì sợ hư hại không cho ai vào. Nói một cách khác, bảo tồn thì phải làm sao cho đối tượng “sống” được chứ không phải làm cho nó “chết đi”.
Ở đây, nó là cây cầu, muốn bảo tồn thì trước hết nó phải là cây cầu. Cầu thì phải dùng cho giao thông. Ở đây là giao thông đô thị. Điều cần nhấn mạnh rằng đây vốn dĩ là một cây cầu đường sắt.
Năm 1902, khi khánh thành chỉ để chạy tàu đường sắt. Hai bên có lan can cho người đi bộ; sau đó, hơn 10 năm, người Pháp mới mở ra hai bên cánh gà có đường cho ô tô hạng nhẹ. Bây giờ bảo tồn thì phải giữ đúng chức năng là cây cầu. Giữ đúng công năng cho cả đường sắt, người đi bộ và xe cơ giới nhẹ. Còn nếu không đúng như vậy, nó không còn là cây cầu Long Biên trước đây.
Nguyên tắc thứ ba là chúng ta cố gắng tối đa giữ cho được hình dáng, vẻ đẹp và không gian. Việc này đương nhiên chúng ta phải làm.
Xuất phát từ đó thì thấy phương án số 2 mà Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội đưa ra là rất hợp lý. Vẫn cho đường sắt hoạt động, vẫn cho xe cơ giới nhẹ đi qua và vẫn xây dựng với dáng vẻ của giàn thép như ngày xưa. Như vậy, về tổng thể vẫn là cây cầu Long Biên như trước đây. Vẫn vị trí cũ, công năng, chức năng, hình dáng như cũ… Vậy tại sao lại bảo đây không phải là cầu Long Biên nữa?.
- Tuy nhiên, nếu bảo tồn như vậy, nhiều ý kiến e ngại sẽ mất đi tính “cổ” của cây cầu. GS nói sao về điều này?
Theo tôi, không khác gì nét cổ cả, vì hình dáng vẫn thế không thay đổi. Bây giờ nhiều ý kiến cho rằng không được đụng đến và giữ nguyên trạng cây cầu hiện nay. Tuy nhiên, nếu giữ nguyên trạng cây cầu hiện nay có còn là cầu Long Biên nữa không?.
Cây cầu Long Biên ngày xưa dài hơn 1.600 mét với 19 nhịp. Sau một thế kỷ sử dụng và bị chiến tranh tàn phá nặng nề, quá nửa số nhịp (10 nhịp đã bị phá hoại hoàn toàn). 9 nhịp còn lại thì 2 nhịp số 6 và 8 bị phá hoại một phần, phải gia cố lại.
Hơn nữa, 9 nhịp còn lại hiện nay nhiều chỗ bị han gỉ rất nhiều. Các trụ cũng bị hư hại nhiều. Nhiều nhịp bây giờ đang phải kê đỡ bằng các trụ tạm. Cho nên nếu giữ nguyên trạng cây cầu hiện nay thì đây không phải là cây cầu Long Biên ngày xưa. Đấy là cái người ta nối ghép, chắp vá từ những mảnh vỡ của thời gian và chiến tranh còn lại chứ không phải là cầu Long Biên mà chúng ta hoài vọng như những gì vốn có của những năm 1967 vế trước.
Ví như có một ngôi chùa cổ bị sập đi hơn một nửa, phần còn lại cũng xuống cấp nặng nề, nếu không trùng tu lại toàn bộ mà giữ nguyên sự đổ nát như vậy mà lại bảo rằng như thế là bảo tồn ngôi chùa cổ là không đúng.
Cho nên, nếu nói bảo tồn cầu Long Biên thì chắc chắn phải thực hiện phương án 2 như Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội đã đề xuất.
- Xin cảm ơn GS về cuộc trao đổi!
Ý kiến bạn đọc