(VnMedia) - Bãi đỗ xe cao tầng Nguyễn Công Hoan được kỳ vọng là sẽ góp phần giải quyết bài toán giao thông tĩnh khu vực này. Tuy nhiên, bãi đỗ xe "treo" này đã quây tôn, chiếm vỉa hè khiến cho tình trạng giao thông phố Nguyễn Công Hoan thêm lộn xộn.
Bãi đỗ xe 'treo" quây tôn chiếm hết cả vỉa hè phố Nguyễn Công Hoan và ngõ 84 Ngọc Khánh để trông giữ ô tô, xe máy |
Trong khi ý tưởng xây dựng các bãi đỗ xe cao tầng là nhằm góp phần giải tỏa tình trạng đỗ xe ở vỉa hè, lòng đường, gây mất mỹ quan đô thị thì trên thực tế, bãi đỗ xe “treo” lại đang gây ra tình trạng ngược lại.
Tại phố Nguyễn Công Hoan, một con phố nhỏ thuộc phường Ngọc Khánh, Quận Ba Đình, trước đây đã tồn tại một điểm trông giữ ô tô trên mặt một đoạn mương được cống hóa. Tuy nhiên, sau khi Thành phố mới có chủ trương xây dựng bãi đỗ xe cao tầng bằng thép ở địa điểm này thì người ta đã nhanh chóng chặt bỏ cây xanh, quây rào tôn kín cả vỉa hè hai bên mương.
Điều đáng nói là kể từ lúc quây tôn, chặt cây đến nay đã gần 2 năm nhưng bãi đỗ xe cao tầng này vẫn là một bãi đất trống với hàng rào tôn. Tuy nhiên, có một điều khác là việc trông giữ ô tô trên vỉa hè bỗng dưng được “hợp pháp hóa”, với hàng trăm chiếc ô tô ngày đêm ra vào. Ngoài ra, hai đầu của bãi đỗ xe “treo” này hiện cũng được người dân tranh thủ chiếm dụng để mở hàng nước, quán ăn rất lộn xộn.
Điều đáng nói là, chỉ một đoạn ngắn của phố Nguyễn Công Hoan, song song với bãi đỗ xe treo này là trụ sở của Bộ Thủy sản (cũ), nay thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Thêm vào đó là một số tòa nhà cao tầng đang gấp rút hoàn thành, “hứa hẹn” lượng người qua lại con phố nhỏ này ngày một đông thêm.
Những khoảng không còn lại quanh bãi đỗ xe "treo" bị người dân tranh thủ chiếm dụng mở hàng quán |
Đặc biệt, trên phố Nguyễn Công Hoan có tới 3 trường học, đó là trường THCS Phan Chu Trinh, trường tiểu học Ngọc Khánh và trường mầm non Tuổi thơ. Đó là chưa kể khu vực này cũng có một chợ cóc khá lớn là chợ Ngọc Khánh. Hàng ngày, vào các giờ cao điểm, xe máy, ô tô của phụ huynh đưa con đi học, rồi người đi chợ… rất đông khiến tình trạng dồn ứ, tắc đường liên tục xảy ra. Việc quây kín cả vỉa hè cho bãi đỗ xe “treo” đã khiến cho giao thông trên con phố này càng trở nên mất an toàn, nhiều người ở gần cũng không dám cho con tự đi bộ đi học.
Theo anh Hải (Khu tập thể Bộ thủy sản), con phố nhỏ như phố Nguyễn Công Hoan, nơi có tới 3 trường học, một cái chợ và rất nhiều khu tập thể quanh khu vực thì việc xây dựng bãi đỗ xe cao tầng dành cho ô tô ở khu vực này cũng cần phải xem xét lại.
“Phố nhỏ, người qua lại đông, nhất là trẻ nhỏ, việc ô tô ra vào để gửi xe ở đây sẽ gây mất an toàn. Ngoài ra, xe ô tô ra vào nhiều cũng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân và trẻ nhỏ. Bây giờ đã vậy, sau này làm xong bãi đỗ xe, ô tô ra vào nhiều hơn thì lại càng nguy hiểm hơn” - anh Hải lo lắng nói.
Còn theo ý kiến của bà Trần Thị Mơ thì bãi đỗ xe này chỉ nên quy hoạch thành bãi gửi xe máy, xe đạp cho người dân ở các khu tập thể quanh đây, hoặc trở thành địa điểm tập kết để cha mẹ đưa, đón học sinh. Như vậy, sẽ tránh gây tắc đường tại các cổng trường, đồng thời tạo nên sự an toàn cho con đường đến trường của trẻ.
Thêm vào đó, trên vỉa hè phố Nguyễn Công Hoan, ô tô vô tư đỗ, chiếm lối của người đi bộ mà không gặp trở ngại nào |
Bãi đỗ xe cao tầng có còn là “cứu cánh” cho giao thông tĩnh?
Có một thời gian, người Hà Nội tưởng như sắp sửa bước vào thời kỳ “văn minh đô thị” khi không còn xe máy, ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hày hay dưới lòng đường nữa mà thay vào đó là những bãi đỗ xe cao tầng hiện đại.
Để đối phó với tình trạng gia tăng nhanh chóng số lượng xe máy, ô tô và hiện trạng xe máy, ô tô đỗ tràn lan trên vỉa hè, lòng đường, hàng loạt bãi đỗ xe cao tầng bằng thép dự kiến được xây dựng và đưa vào sử dụng ngay trong năm 2012.
Thế nhưng, kể từ khi bãi đỗ xe dàn thép đầu tiên với… 30 chỗ gửi xe được khánh thành tại phố Nguyễn Công Trứ đến nay thì dường như chẳng mấy ai còn kỳ vọng vào giải pháp cứu cánh này nữa. Ngược lại, là câu chuyện đầu tư - hiệu quả bắt đầu được xem xét kỹ lưỡng hơn.
Để có thể lắp ghét được bãi đỗ xe chỉ phục vụ cho… 30 chỗ đỗ, người ta đã phải đầu tư tới 13 tỷ đồng. Với giá trông giữ xe không hề nhỏ (2,5-3 triệu đồng/xe/tháng), tính theo lãi suất ngân hàng thì các nhà kinh tế học cho rằng, phải mất đến… 60 năm mới hoàn vốn. Đó là chưa kể, những bãi đỗ xe cao tầng này luôn chiếm diện tích đất ở những chỗ có vị trí đẹp, khả năng sinh lời cao nếu dùng vào các mục đích kinh doanh khác. Cũng chính vì tính hiệu quả kinh tế mà cho đến nay, chưa có nhà đầu tư tư nhân hay nước ngoài nào bỏ tiền ra để thực hiện dự án.
Vào giờ tan tầm, lưu lượng người qua lại rất đông khiến những đứa trẻ sang đường khó khăn. Nếu bãi đỗ xe cao tầng được khánh thành, lượng ô tô qua lại con phố nhỏ này tăng lên càng gây nguy hiểm hơn |
Điển hình là bãi đỗ xe Nguyễn Công Hoan, nguyên nhân của việc bị “treo” cũng chính là vấn đề hiệu quả kinh tế. Chính vì vậy, hồi tháng 11/2012, chính Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Thế Thảo đã ra văn bản cho biết, trong quá trình nghiên cứu lập dự án bãi đỗ xe cao tầng Nguyễn Công Hoan, Công ty Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội chưa làm rõ được phương thức đầu tư cũng như hiệu quả của dự án về kinh tế và xã hội. Do vậy, việc tham mưu của các sở ngành về phương án hỗ trợ cho dự án còn chưa thống nhất.
Ông Thảo cũng giao Công ty này lập lại Dự án đầu tư, đảm bảo theo đúng quy định và cơ chế thí điểm; xác định rõ doanh thu, chi phí, hiệu quả kinh tế xã hội…
Không biết Dự án này đã được lập lại như thế nào và đã làm rõ được những yêu cầu của Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo hay chưa, chỉ biết rằng, gần 1 năm sau, tháng 7/2013 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Văn Khôi đã ký quyết định phê duyệt Dự án xây dựng 2 bãi đỗ xe tại phố Nguyễn Công Hoan (Q.Ba Đình) và Trần Nhật Duật (Q.Hoàn Kiếm), nhưng thời gian thực hiện dự án thì kéo dài từ nay đến năm 2015, với tổng số vốn cho cả 2 dự án là 122 tỷ đồng bằng tiền ngân sách.
Như vậy, trước mắt, nếu đơn vị trên thực hiện đúng tiến độ thì trong vòng 2 năm nữa, bãi đỗ xe “treo” nói trên vẫn sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến an toàn giao thông và mỹ quan trong khu vực.
Ý kiến bạn đọc