(VnMedia) - Việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với học sinh, tránh phụ thuộc kết quả các môn thi như trước…
Việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với học sinh, tránh phụ thuộc kết quả các môn thi như trước |
Ngày 10/2, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có cuộc gặp mặt báo chí giải đáp những thông tin liên quan đến dự thảo điều chỉnh thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy trong những năm tới.
Tiếp tục lấy ý kiến về tự chủ tuyển sinh
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi văn Ga cho biết: Sau khi công bố dự thảo tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy trong những năm tới, Bộ cũng đã thu được nhiều ý kiến của người dân và của các nhà trường. Phần lớn ý kiến đồng thuận với chủ trương giao tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục đại học theo lộ trình Bộ đã công bố cũng như các qui định thực hiện tự chủ tuyển sinh.
Tính đến ngày 10/2, có 31 dự thảo đề án tự chủ tuyển sinh của các trường đã gửi về Bộ. Các dự thảo đề án này đã được công bố để lấy ý kiến rộng rãi. Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, sẽ tiếp tục lấy ý kiến đóng góp cho đề án đổi mới tuyển sinh để chỉnh sửa, hoàn thiện đề án trên tinh thần cầu thị.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết: Đổi mới thi tốt nghiệp THPT lần này bước đầu hướng tới sự thống nhất, phù hợp với đổi mới tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Các trường đại học, cao đẳng tự chủ tuyển sinh được quyền lựa chọn phương thức tuyển sinh để đáp ứng với yêu cầu chất lượng đầu vào và phù hợp với các ngành, nghề đào tạo của trường.
Như vậy, tự chủ tuyển sinh cho phép các trường sử dụng một cách linh hoạt các hình thức tuyển sinh khác nhau phụ thuộc vào quy mô, đặc điểm các ngành đào tạo. Khi đó, thi tuyển chỉ còn là một trong những phương thức tuyển sinh chứ không còn giữ vị thế độc tôn, duy nhất như trước đây. Để đạt được mục tiêu chuyển từ quá trình giáo dục coi trọng trang bị kiến thức cho học sinh sang phát triển phẩm chất và năng lực học sinh thì phải đổi mới chương trình và sách giáo khoa. Do vậy, trong khi chưa áp dụng chương trình giáo dục mới thì phương án thi chưa thể đổi mới căn bản; vì vậy, phương án thi điều chỉnh lần này sẽ được áp dụng ngay từ năm 2014 và được giữ ổn định cho đến kỳ thi tốt nghiệp THPT đầu tiên theo chương trình sách giáo khoa mới.
Giảm bớt rủi ro cho thí sinh
Về phương án thi tốt nghiệp hiện nay có những vấn đề đang được dư luận quan tâm, thắc mắc như: số lượng môn thi giảm, học sinh được tự chọn môn thi có dẫn tới hậu quả “học lệch”?; tại sao miễn thi tốt nghiệp cho khoảng 20% học sinh?; lí do môn ngoại ngữ chỉ là môn thi khuyến khích?...
Đồng chủ trì buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Việc sử dụng kết quả đánh giá trong quá trình cũng có tác dụng giảm thiểu rủi ro đối với học sinh, tránh phụ thuộc kết quả các môn thi như trước. Mặt khác, để góp phần khắc phục tình trạng học lệch, học tủ thì đề thi sẽ điều chỉnh theo hướng: tăng cường câu hỏi mở đối với các môn tự luận nhằm phát huy khả năng vận dụng kiến thức tổng hợp của học sinh, tránh tình trạng “đoán mò” và “học tủ”.
Giảm số môn thi và học sinh được tự chọn môn thi là một bước tiếp cận yêu cầu của Nghị quyết Trung ương 8: “Đảm bảo cho học sinh có trình độ trung học cơ sở có tri thức phổ thông nền tảng, đáp ứng yêu cầu phân luồng mạnh sau trung học cơ sở; trung học phổ thông phải tiếp cận nghề nghiệp và chuẩn bị cho giai đoạn học sau phổ thông có chất lượng”; đồng thời cũng góp phần giảm áp lực thi cử cho học sinh, giảm tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, đánh giá được năng lực của học sinh, tạo điều kiện cho các cơ sở giáo dục đại học có thể sử dụng kết quả này để tuyển sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo và yêu cầu chất lượng của trường theo tinh thần của nghị quyết NQ-TW8 là “đổi mới phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng theo hướng kết hợp sử dụng kết quả học tập ở phổ thông và yêu cầu của ngành đào tạo”, hội nhập với phương thức tuyển sinh đại học, cao đẳng của một số nước tiên tiến trên thế giới.
*Khống chế tỷ lệ miễn thi để tránh nới lỏng kiểm tra đánh giá
Về việc miễn thi cho 20% học sinh cũng nhằm giảm tốn kém cho xã hội, tạo động lực để học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện toàn diện trong quá trình học, phối hợp kết quả đánh giá trong quá trình học với đánh giá cuối kỳ, cuối năm học. Tỷ lệ 20% được xác định dựa trên tỷ lệ học sinh giỏi, học sinh tiên tiến trong các năm qua trung bình khoảng 40-45%, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT loại khá, giỏi trong các năm gần đây đều trên 20%; như vậy có thể tin tưởng rằng tất cả học sinh được miễn thi đều là xứng đáng.
Việc khống chế chỉ 20% học sinh được miễn thi nhằm tránh việc các trường nới lỏng khâu kiểm tra, đánh giá để có nhiều học sinh được miễn thi không thực chất; chính việc khống chế tỷ lệ sẽ tạo nên sự “cạnh tranh” lành mạnh, góp phần đảm bảo việc kiểm tra đánh giá được nghiêm túc, việc xét miễn thi được thực hiện theo quy trình thống nhất, đảm bảo công khai, minh bạch và chịu sự giám sát từ nhiều phía (học sinh, phụ huynh, giáo viên, xã hội…) với các tiêu chí cụ thể, yêu cầu trách nhiệm cao của giáo viên và nhà trường.
Về yêu cầu ngoại ngữ, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết hiện nay do những hạn chế của chương trình, sách giáo khoa, năng lực của giáo viên và cách thức thi, kiểm tra lạc hậu chưa đánh giá được toàn diện năng lực của học sinh. Mặt khác, điều kiện và chất lượng dạy học môn ngoại ngữ có sự chênh lệch giữa các vùng miền. Việc dự thảo ngoại ngữ là môn thi môn thi khuyến khích là giải pháp tạm thời trong những năm học sinh chưa được học và kiểm tra, thi theo chương trình mới, để các trường và học sinh không phải chịu áp lực dạy và học môn này trong khi chưa có điều kiện đảm bảo chất lượng.
(TTXVN)
Ý kiến bạn đọc