Di dời cầu Long Biên để xây cầu vượt đường sắt mới?

15:41, 17/02/2014
|

(VnMedia) - Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản gửi liên Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cùng UBND Thành phố Hà Nội về phương án vị trí xây cầu vượt Hồng thuộc dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi (Hà Nội) giai đoạn I.

Đáng chú ý, trong văn bản trên, đơn vị đầu ngành về giao thông đưa ra 3 phương án liên quan đến việc xây mới, bảo tồn cầu Long Biên do tuyến đường sắt này có hướng tuyến trùng với tuyến đường sắt hiện có từ Hà Nội sang Gia Lâm (qua cầu Long Biên).
 
Theo đó, với phương án 1 được Bộ Giao thông vận tải đưa ra là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại và di dời 9 nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. 
 
Bộ Giao thông vận tải cho rằng, với phương án này, cầu mới sẽ có kết cấu hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển công nghệ, kỹ thuật xây dựng cầu của thế kỷ 21. Cầu dùng cho cả đường sắt và đường bộ gồm đường sắt đôi chạy giữa, hai bên cánh gà dành cho đường ôtô (xe buýt), xe máy và xe thô sơ. Còn 9 nhịp cầu Long Biên đầu cầu phía Hà Nội còn nguyên bản sẽ di dời về phía thượng lưu (cách cầu hiện tại 85m) để bảo tồn.

Cầu Long Biên. Ảnh: Hoàng Hà

Cầu Long Biên sẽ được khôi phục theo hướng phát triển giao thông đô thị. Ảnh: VnE

Theo đánh giá của Bộ Giao thông Vận tải, với phương án này, cầu Long Biên hiện nay sẽ được bảo tồn dạng bảo tàng bằng cách gia cố, sửa chữa (nguyên bản) để khai thác đường bộ 2 bên cầu phục vụ cho du lịch bãi giữa sông Hồng, đường sắt ở giữa sẽ đặt đầu máy để làm bảo tàng lưu giữ nét cổ kính xưa của cầu Long Biên-Hà Nội.
 
Ngoài ra, cầu cũ sẽ được đặt trên mố trụ xây mới mô phỏng hình dạng như cũ đồng thời xây dựng 2 trận địa pháo phòng không cao 11,5m trên bãi cát nổi giữa sông Hồng và đặt ụ pháo mô phỏng về lịch sử hào hùng của người Hà Nội trong 12 ngày đêm của trận chiến “Điện Biên Phủ trên không” năm 1972.
 
“Phương án 1 sẽ tốn khoảng 867 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng và xây dựng cần đến 7.982 tỷ đồng,” văn bản của Bộ Giao thông Vận tải nêu rõ.
 
Phương án 2 Bộ Giao thông Vận tải đưa ra là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp dàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Cầu mới được dùng cho cả đường sắt, đường bộ (đường sắt đôi chạy ở giữa, ô tô, xe máy, xe thô sơ đi hai bên cánh gà).
 
Theo phương án này, việc bảo tồn cầu cũ là bảo tồn sống theo quan điểm bảo tồn và phát triển. Xây cầu mới có hình dáng tương tự cầu cũ nhưng công năng thay đổi và công trình vẫn khai thác theo nhu cầu phát triển giao thông đô thị. Phương án này cần khoảng 867 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và cần 9.094 tỷ đồng để xây dựng.
 
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng đưa ra phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn.
 
Cụ thể, các nhịp cầu mới đầu phía Gia Lâm sẽ đi trùng tim cầu hiện tại do các nhịp cầu phía này đã bị bom Mỹ đánh hỏng nên không có khả năng bảo tồn; đầu phía Hà Nội sẽ xây các nhịp cách tim cầu hiện tại khoảng 30m về phía thượng lưu để tránh xâm phạm đến cầu Long Biên hiện tại. Thực hiện phương án này sẽ giữ lại 9 nhịp cầu còn nguyên bản phía Hà Nội để bảo tồn mang tính nguyên bản, nghĩa là giữ nguyên cầu cũ không thay đổi vị trí và kết cấu.
 
Tuy nhiên, Bộ Giao thông Vận tải cũng nhìn nhận, phương án 3 này phải cần đến số tiền là 989 tỷ đồng giải phóng mặt bằng và cần 9.389 tỷ đồng xây dựng, gần tương đương với phương án 2.
 
Trên cơ sở so sánh tổng hợp các phương án kết cầu và bảo tồn cầu Long Biên cũ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, cả 3 phương án trên diện tích chiếm dụng đất của dự án khoảng hơn 60.000m2 và di dời hơn 600 nhà dân.
 
“Sau khi có sự so sánh giữa các phương án, Bộ Giao thông Vận tải nhận thấy phương án 1 có ưu điểm vượt trội về kinh tế, kỹ thuật, kiến trúc và bảo tồn cầu Long Biên cũ cũng như về giải phóng mặt bằng,” Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông khẳng định. 

Cầu Long Biên được người Pháp xây dựng từ năm 1898. Trong những năm 1898 - 1903 chỉ có xe lửa chạy giữa và 2 bên là đường bộ hành. Sau đó 3 năm tiếp theo mới mở dần ra hai bên và đến năm 1930 xe ôtô mới được phép qua cầu.

Hiện nhiều mấu trụ cầu bị hư hỏng, xuống cấp. Từ nhiều năm nay, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải và Tổng công ty đường sắt Việt Nam nghiên cứu phương án khôi phục cây cầu là biểu tượng văn hóa của người Hà Nội này.


Tùng Nguyễn

Ý kiến bạn đọc