(VnMedia) - Sau khi vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận về 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản kiến nghị UBND Hà Nội giữ lại nguyên trạng cây cầu gắn bó với lịch sử Thủ đô này.
>>Khó có thể nghĩ Hà Nội thiếu hồ Gươm và cầu Long Biên!
>>Bộ Giao thông muốn xây cầu mới để bảo tồn cầu Long Biên
>>"Khôi phục được cầu Long Biên như cũ thì rất tốt”
>> Cải tạo cầu Long Biên: Hội kiến trúc sư lên tiếng
Theo tìm hiểu của VnMedia, sở dĩ có kiến nghị này là do Hà Nội đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu xây dựng cầu vượt đường sắt đô thị tuyến số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi trùng với tim cầu Long Biên cũ để tránh phải giải phóng mặt bằng. Vì vậy, trung tuần tháng 2 vừa qua, sau nhiều lần đưa ra các giải pháp cho cầu Long Biên, Bộ Giao thông Vận tải đã tiếp tục đưa ra 3 phương án xây mới và cải tạo cây cầu này.
Tuy nhiên, tại văn bản vừa gửi UBND Hà Nội về việc xây mới cầu vượt đường sắt tuyến Yên Viên - Ngọc Hồi, Bộ Giao thông vận tải khẳng định, sau khi so sánh tổng thể các phương án trong Dự án bảo tồn cầu Long Biên, Bộ Giao thông tiếp tục kiến nghị thành phố lựa chọn phương án xây cầu đường sắt mới cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi tại vị trí cách 30m về phía thượng lưu cầu Long Biên thay cho 3 phương án xây mới và cải tạo cầu vừa mới được đưa ra lấy ý kiến vào trung tuần tháng 2 vừa qua.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, phương án xây cầu đường sắt cho tuyến đường sắt đô thị số 1 Yên Viên – Ngọc Hồi mà đơn vị này lựa chọn chính là phương án đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 10469/BGTVT-KHĐT ngày 2/10/2013.
Cụ thể, tại Công văn số 10469/BGTVT-KHĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về "Huớng tuyến đường sắt vượt sông Hồng thuộc Dự án Xây dựng đường sắt đô thị Tp. Hà Nội (tuyến số 1), giai đoạn I", Bộ Giao thông vận tải đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc Bộ Giao thông đã phê duyệt Dự án đầu tư Xây dựng đường sắt đô thị Tp. Hà Nội (tuyến số 1) - Giai đoạn I.
Trong đó, cầu đường sắt vượt sông Hồng được xác định tại vị trí cách cầu Long Biên hiện tại 30m về phía thượng lưu, sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận kết quả báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt trên cao Hà Nội và cho phép thực hiện "Dự án đường sắt trên cao, đoạn Ngọc Hồi — Yên Viên và Dự án cải tạo, khôi phục cầu Long Biên thành 2 dự án riêng biệt”, cũng như trên cơ sở góp ý của UBND Tp. Hà Nội.
Sau khi bị dư luận phản đối về 3 phương án xây mới và cải tạo cầu Long Biên, Bộ Giao thông vận tải vừa kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép giữ lại nguyên trạng cây cầu Long Biên - cây cầu lịch sử của Hà Nội. Ảnh: Vũ Ngọc |
Cũng theo công văn này, Bộ Giao thông vận tải đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận giữ nguyên phương án vị trí cầu vượt sông Hồng theo dự án đã được duyệt và giao UBND Tp. Hà Nội sớm phê duyệt chỉ giới đường đỏ theo quy định. Đối với cầu Long Biên cũ, Bộ Giao thông vận tải một lần nữa kiến nghị thực hiện bảo tồn, tôn tạo đúng như cũ.
Trước đó, vào trung tuần tháng 2 vừa qua, Bộ Giao thông vận tải đưa ra 3 phương án xây mới và sửa cầu Long Biên. Phương án 1 là: xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu Long Biên hiện tại, di dời chín nhịp cầu cũ về phía thượng lưu để bảo tồn. Phương án 2 là xây dựng cầu mới tại vị trí tim cầu hiện tại có kết cấu nhịp giàn thép tương tự của cầu Long Biên hiện nay như thiết kế ban đầu năm 1902. Phương án 3 là xây dựng cầu mới có một phần vị trí tại tim cầu hiện tại, giữ nguyên các nhịp cầu cũ để bảo tồn....
Sau khi được đưa ra lấy ý kiến các bộ, ngành, Bộ Giao thông vận tải đã vấp phải nhiều ý kiến không đồng thuận của các chuyên gia và người dân về việc đòi phá bỏ cây cầu lịch sử của Hà Nội này. Trao đổi với VnMedia, GS Nguyễn Lân Dũng, Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, cầu Long Biên cũng như Hồ Gươm gắn liền với tâm tưởng của mọi người về Hà Nội. Do đó, khó có thể nghĩ đến một Hà Nội thiếu Hồ Gươm và cầu Long Biên.
"Cây cầu hơn 110 năm tuổi này gắn liền với biết bao kỷ niệm. Từ cuộc rút ra khỏi Hà Nội để bắt đầu cuộc kháng chiến 9 năm, rồi đến những ụ súng dựng ngay trên cầu để bắn thẳng vào phi cơ Mỹ, và hàng chục triệu người đi lại xuôi ngược thường xuyên qua cầu trong trên một thế kỷ. Thế không phải là một di sản quan trọng hay không?. Đụng chạm đến di sản, lại là một di sản thiêng liêng như vậy nhẽ nào không quan tâm đến Luật Di sản?", GS Nguyễn Lân Dũng nói.
Còn PGS, TS, KST Trần Trọng Hanh, Ủy viên thường vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội KTS Việt Nam cho rằng: "Cầu Long Biên, mặc dù chưa được cấp nào công nhận nhưng đã trở thành di sản trong lòng người Hà Nội. Do đó, giá trị văn hóa tinh thần phải được đặt lên trên công năng giao thông".
Ý kiến bạn đọc