Cầu Long Biên: Hà Nội vẫn muốn "vừa bảo tồn, vừa phát triển"

19:08, 26/02/2014
|

(VnMedia) - Cuối giờ chiều 26/2, người phát ngôn của UBND thành phố Hà Nội đã chính thức thông báo quan điểm của Thành phố liên quan đến việc tôn tạo, sửa chữa cầu Long Biên, theo đó “phải giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”.

>>
Cải tạo cầu Long Biên: Hội Kiến trúc sư lên tiếng


 Ảnh minh họa

 Cầu Long Biên - nỗi nhớ của người đi xa, tri kỷ của người ở lại - ảnh: Vũ Ngọc

 

Theo lời Người phát ngôn, gần đây, nhiều cơ quan thông tin, báo chí đăng, phát ý kiến trao đổi về các phương án vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng thuộc Dự án tuyến đường sắt đô thị số 1 Hà Nội có liên quan đến cầu Long Biên. Về vấn đề này, UBND Thành phố cho biết, theo Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có phương án làm cầu đường sắt vượt sông Hồng tại khu vực cầu Long Biên.

 

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Văn bản số 633/VPCP-KTN ngày 24/01/2014, Thành phố Hà Nội (TP.Hà Nội) cùng với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng giao cơ quan tư vấn nghiên cứu, đề xuất phương án hướng tuyến và vị trí cầu đường sắt vượt sông Hồng.

 

“Các phương án cụ thể do cơ quan tư vấn đề xuất vừa qua sẽ còn được bàn bạc và thảo luận.” - Người phát ngôn của UBND Thành phố nhấn mạnh.

 

Khẳng định “Thành phố Hà Nội luôn có quan điểm nhất quán về việc phải giải quyết hài hòa giữa bảo tồn và phát triển”, Người phát ngôn của UBND Thành phố cho biết, TP.Hà Nội sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các Bộ ngành liên quan sớm tổ chức hội thảo với sự tham gia rộng rãi của các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia trên nhiều lĩnh vực để xem xét toàn diện, khách quan, khoa học, nhằm đề xuất phương án tối ưu đảm bảo gắn kết việc bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa cầu Long Biên - cầu đường sắt hiện có gắn với bảo tồn khu phố cổ, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển giao thông, đảm bảo tốt nhất yêu cầu cảnh quan kiến trúc và môi trường đô thị của Thành phố theo quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.


Trên cơ sở kết quả thảo luận, Bộ Giao thông vận tải sẽ cùng với TP.Hà Nội báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

Phương án đi trùng tim cầu cũ là do… Hà Nội đề nghị?

 

Liên quan đến vấn đề cải tạo cầu Long Biên, những ngày vừa qua, dư luận đã tỏ ra khá lo lắng và bức xúc trước 3 đề xuất cải tạo cầu Long Biên của Bộ Giao thông Vận tải, trong đó cả 3 phương án đều có sự thay đổi cây cầu, đặc biệt là phương án di dời cầu đi chỗ khác đã khiến nhiều người bức xúc.

Hầu hết các ý kiến, từ chuyên gia đến người dân đều cho rằng, cầu Long Biên, dù chưa được cấp nào công nhận là di tích lịch sử quốc gia hay quốc tế, nhưng bản thân nó đã trở thành di tích trong lòng người Hà Nội, là nỗi nhớ của người đi xa và là “tri kỷ” của người ở lại. Nhiều người thậm chí còn tỏ rõ sự lo lắng với một Hà Nội không có cầu Long Biên, ví von rằng như vậy thì chẳng khác nào "Hà Nội không có hồ Gươm."

 

“Trong hai giá trị: Văn hóa lịch sử và công năng giao thông thì giá trị văn hóa lịch sử của cây cầu chắc chắn phải được đặt lên trước. Nếu làm rõ được điều này thì việc tôn tạo, tu sửa cây cầu như thế nào sẽ là điều dễ dàng” - PGS, TS, KST Trần Trọng Hanh, Ủy viên thường vụ, Phó Chủ tịch Hội đồng kiến trúc, Hội KTS Việt Nam nói với VnMedia

Cũng theo ông Trần Trọng Hanh "dự đoán" thì việc Hà Nội không định giữ nguyên trạng cầu Long Biên "chắc là không phải vấn đề tiền".
 

Sau hàng loạt ý kiến phản hồi từ các chuyên gia và sự chỉ trích của người dân, hôm 21/2, Bộ Giao thông Vận tải bất ngờ vừa có văn bản kiến nghị UBND Hà Nội giữ lại nguyên trạng cây cầu gắn bó với lịch sử Thủ đô này, đồng thời, trên báo GTVT cũng đã đăng bài viết thanh minh cho việc "ra lò" 3 phương án của Bộ này.

 

Theo đó, việc đề xuất 3 phương án mà dư luận đang phản đối là xuất phát từ đề nghị của Hà Nội. Cụ thể, đã nhiều lần Bộ GTVT đã đưa ra phương án xây dựng cầu đường sắt vượt sông Hồng đi lệch cầu Long Biên. Thậm chí phương án này từng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tuy nhiên, do "những khó khăn trong công tác GPMB nên Hà Nội đã kiến nghị phương án đi trùng tim với cầu cũ".

 

Như vậy, có thể hiểu là việc không quyết tâm bảo tồn nguyên trạng cầu Long Biên xuất phát từ chính UBND thành phố Hà Nội chứ không phải là từ Bộ Giao thông. Còn lý do của việc này chỉ là vì... giải phóng mặt bằng.

Đến lúc này thì một câu hỏi được đặt ra là: Vì sao có những con đường phải giải phóng mặt bằng với chi phí cực kỳ tốn kém như đường Xã Đàn thì Hà Nội vẫn quyết tâm làm được, mà việc giải phóng mặt bằng để giữ lại cây cầu gắn với lịch sử, văn hóa có một không hai của Hà Nội thì lại không thể?


Tuệ Khanh

Ý kiến bạn đọc