(VnMedia) - Phiên họp báo sáng 24/2 của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hết sức “nóng” với những câu hỏi liên quan đến việc Đà Nẵng có ý định kiện Bộ này vì Dự thảo quy định vận hành hồ chứa thủy điện Đăk Mi 4 và xả lũ sông Vu Gia. Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định Bộ sẽ làm để không bao giờ có chuyện kiện cáo đó.
>>Vụ Đà Nẵng "dọa" kiện Bộ Tài nguyên: Quy trình có vì dân?
Các lãnh đạo Bộ tài nguyên và Môi trường tại buổi họp báo |
“Các đồng chí nói có chuẩn bị cho việc Đà Nẵng kiện hay không, tôi nói luôn rằng, chúng tôi sẽ làm để không bao giờ có chuyện kiện cáo đó. Bởi vì chúng tôi là cơ quan tham mưu giúp Thủ tướng Chính phủ. Việc đề xuất để đảm bảo lợi ích hài hòa và Thủ tướng sẽ là người quyết định” – Thứ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định khi nhận được các câu hỏi liên quan đến việc Đà Nẵng “dọa” kiện Bộ Tài nguyên và Môi trường.
"Chúng tôi chưa bao giờ nhận được ý kiến chính thức của Đà Nẵng về việc kiện cáo, bởi vì Đà Nẵng đang cùng chúng tôi tham gia một cách rất chặt chẽ về vấn đề này." - Thứ trưởng Trần Hồng Hà nói.
Trái với những thông tin mà Đà Nẵng đã đưa ra, rằng quy trình vận hành sẽ làm ảnh hưởng đến 1,7 triệu dân hạ du, trả lời PV báo điện tử VnMedia về công tác xây dựng Dự thảo này, Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước Hoàng Văn Bẩy khẳng định: "Một trong những mục tiêu cơ bản của việc xây dựng liên hồ chứa là đảm bảo yêu cầu sử dụng nước hạ du, sau đó mới đến phát điện."
“Điều 2 và điều 60 của Luật Tài nguyên nước đã quy định như vậy và Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải cũng đã chỉ đạo như vậy. Trong 2 năm vừa rồi, cơ quan tham mưu Cục tài nguyên nước đã bám chặt nguyên tắc này.” - ông Bẩy nói.
Tái khẳng định Dự thảo “không vi phạm Luật Tài nguyên nước”, Thứ trưởng Trần Hồng Hà giải thích, việc xây dựng quy trình trước hết là nhiệm vụ của cơ quan quản lý nhà nước, nhưng các bên liên quan cũng có đóng góp để bảo vệ lợi ích của mình, trong đó có lợi ích của các địa phương… Ông Hà cũng khẳng định đây là một việc rất khó, là “vấn đề muôn thuở mà các nước khác trên thế giới cũng như vậy”.
“Vấn đề này, Bộ Tài nguyên và các địa phương đang làm cũng có những ý kiến khác nhau và ý kiến của Đà Nẵng, của Quảng Nam hay Bộ Công Thương cũng vậy. Quan trọng nhất là Bộ tài nguyên và Môi trường sẽ phải đảm bảo rằng quy trình đó phải tính toán dựa trên những mô hình thực tế và số liệu lịch sử để cân nhắc hài hòa các lợi ích đó. Khi báo cáo Thủ tướng thì phải báo cáo trung thực, phản ánh ý kiến khác nhau của các bên liên quan và các số liệu phải chứng minh được rằng lợi ích đó đã hài hòa hay chưa.” – Thứ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
Ông Hà cũng cho biết, nếu có vấn đề liên quan đến xung đột lợi ích giữa Quảng Nam và Đà Nẵng thì cũng sẽ không vì Đà Nẵng mà để Quảng Nam thiệt và ngược lại, sẽ không để Đà Nẵng vì thủy điện Đắk Mi 4 mà ảnh hưởng. "Nhưng cũng không thể để một dự án mà chính phủ đã phê duyệt bằng ngân sách có thể là nhà nước hay tư nhân thì cũng là nguồn vốn của dân cả." - Thứ trưởng Trần Hồng Hà giải thích thêm.
“Chúng tôi không vì mục đích của doanh nghiệp, không vì mục đích của hạ nguồn hay thượng nguồn mà phải tìm ra được phương án tốt nhất có thể. Điều quyết định cuối cùng, các đồng chí yên tâm là Thủ tướng phê duyệt. Những báo cáo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường đảm bảo sẽ chính xác, chân thực để xem xét dựa trên cơ sở khoa học. hài hòa, không để xung đột quá lớn giữa các bên. Muốn riêng cho bên nào cũng không được, mà muốn bảo vệ tài nguyên nước mà không có thủy điện cũng không thể phát triển kinh tế xã hội được." Thứ trưởng nói.
Mặc dù trước đó Cục Quản lý Tài nguyên nước đã khẳng định "đòi hỏi của Đà Nẵng là phi thực tế", nhưng tại cuộc họp báo, Thứ trưởng Trần Hồng Hà đã cho biết, "nếu cần thiết thì Đà Nẵng và Bộ Tài nguyên sẽ ngồi lại để xem xét về cơ sở khoa học và tính toán.".
Ông Trần Hồng Hà còn nhấn mạnh thêm rằng: "thậm chí đã ra quyết định, nhưng nếu trong quá trình thực tiễn, giữa tính toán và thực tiễn có gì không đúng thì Thủ tướng cũng sẽ chỉ đạo điều chỉnh nếu không đảm bảo dòng chảy tối thiểu, không đảm bảo cung cấp cho mục đích và yêu cầu sử dụng nước ở hạ lưu".
Tuệ Khanh
Ý kiến bạn đọc