Bộ Giao thông muốn xây cầu mới để bảo tồn cầu Long Biên

19:29, 21/02/2014
|

(VnMedia) - Sáng 21/2, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng, phải tôn trọng các nhà lịch sử, văn hóa vì cầu Long Biên đã đi vào hình ảnh của người dân Thủ đô và cả nước nên phải giữ lại. Thay vào đó sẽ xây cầu đường sắt cách đó 30 mét.

>>
“Muốn bảo tồn cầu Long Biên thì phải giữ hình dáng, chức năng ban đầu”

- Sau khi Bộ Giao thông đưa ra 3 phương án xây mới và bảo tồn cầu Long Biên, nhiều ý kiến cho rằng, các phương án này không bảo tồn được nguyên trạng cây cầu lịch sử đã gắn bó cả 100 năm với Hà Nội. Quan điểm của ông về những ý kiến này thế nào?

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông: Tôi đã trăn trở, bức xúc. Tuy nhiên, chúng ta phải tôn trọng các nhà lịch sử văn hóa vì cầu Long Biên đi vào hình ảnh của người dân Thủ đô và cả nước nói chung nên phải giữ lại.

Còn các phương án chúng tôi đưa ra, đều tính đến cách tôn tạo, song quan điểm khác nhau như bảo tồn một phần, phát huy công năng mới, lấy lại hình dáng cũ, hay giữ nguyên như cũ thì phải xây cầu mới ra chỗ khác.

Chúng tôi cho rằng, cần phải lấy ý kiến đa chiều để đạt được mục tiêu chung là giao thông thông suốt, phải giữ được hình ảnh còn giữ mức độ nào thì phải tính.

 Ảnh minh họa

 Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông. Ảnh: Internet

- Được đưa ra cách đây gần 10 năm nhưng tại sao đến nay Bộ Giao thông vận tải và UBND Hà Nội chưa thống nhất được phương án xây cầu đường sắt qua sông Hồng?

Trước hết, phải khẳng định đây là tuyến rất quan trọng, tuyến huyết mạch của giao thông đô thị Hà Nội, song lại trùng với tuyến đường sắt quốc gia. Từ năm 1998, quy hoạch đã xác định, tại đây có tuyến đường sắt đô thị số 1 trùng với đường sắt quốc gia, do đó chắc chắn phải có một vị trí vượt sông Hồng.

Trước kia đã có quan điểm trùng vào cầu Long Biên song cũng có quan điểm giữ lại để bảo tồn. Sau đó, Bộ giao thông cũng đã nghiên cứu phương án tránh, cách xa 30m, 50m, 186m... để giữ lại cầu cũ.

Sau đó, Hà Nội và Bộ Giao thông đã đưa lên Chính phủ duyệt dự án khả thi. Tuy nhiên, sau đó có nhiều ý kiến khác nhau như cầu mới ảnh hưởng không gian kiến trúc cầu cũ nên lại phải nghiên cứu dịch ra 186m. Sau đó lại có yêu cầu của xã hội về giải phóng mặt bằng, dân không nhất trí nên Hà Nội yêu cầu chúng tôi nghiên cứu tiếp về trùng tim cầu cũ nên Bộ giao thông nghiên cứu 3 phương án mới đây.

Đây là hành lang vận tải quan trọng nên phải có vị trí vượt sông Hồng, cũng rất tôn trọng ý kiến bảo tồn công trình mang lại nhiều dấu ấn lịch sử và văn hóa nên chúng tôi đã tính đến các phương án này.

Không đụng đến cầu Long Biên thì Bộ kiến nghị làm phương án cầu mới cách 30m như đã nghiên cứu trước đây để khỏi ảnh hưởng kiến trúc cầu cũ. Còn cầu cũ tiếp tục khôi phục, chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị như vậy song Hà Nội e ngại và vẫn đề nghị nghiên cứu tiếp việc trùng tim như thế nào.

 Ảnh minh họa

Cầu Long Biên bắc qua sông Hồng (Hà Nội). Ảnh: Internet

- Như vậy, phải chăng kiến nghị của Hà Nội quá khó để có thể bảo tồn cầu Long Biên?

Không phải quá khó mà là rất khó. Trước hết phải đặt vấn đề cầu Long Biên đã rất cũ, khi động vào nó thì phải gia cố, tăng cường lên. Công năng cho đường thủy cũng thay đổi nên ta có trùng tu lại phải nâng lên để đảm bảo giao thông đường thủy.

Nếu kết hợp bảo tồn và xây dựng thì phải thống nhất tôn tạo để phục vụ công năng mới, còn nếu trùng vị trí cũ mà không cho động chạm vào thì không thể đảm bảo giao thông đường sắt.

Cái này chúng tôi đã kiến nghị từ trước, đã lập dự án rồi, giờ chúng tôi đề nghị thực hiện được dự án thì xây dựng cầu mới cách đó 30m. Cầu cũ vẫn giữ lại bảo tồn, song vẫn có quan điểm là sẽ ảnh hưởng tới cảnh quan, kiến trúc của cầu bên cạnh.

- Giả sử lần này Hà Nội vẫn không đồng thuận việc xây cầu mới thì sao, thưa ông?

 Trước hết nói hài hòa, giao thông rất cần thiết cho phát triển. Thành phố có dân số quá đông, nên phải tìm vị trí cầu thích hợp. Chắc chắn phải xây dựng, mạng đường sắt đô thị đã được nghiên cứu kỹ, đây là tuyến số 1 rất quan trọng, ta không thể dịch đường sắt đi quá xa. Vì nếu làm như thế thì hành khách không đi tàu. Dịch đi khoảng 500m thì người ta đã ngại đi bộ, phạm vi ảnh hưởng đã được tính trong quy hoạch.

- Theo Thứ trưởng có nên lấy ý kiến người dân về việc xây cầu mới này?

Chúng tôi đang tiến hành trao đổi giữa các bộ ngành. Dự án này đã cấp bách từ nhiều năm, người dân đi lại bằng đường bộ gây quá tải cho cầu Chương Dương. Nhật Bản cũng đã đồng ý hỗ trợ  khoản vay cho dự án này và yêu cầu xác định vị trí của dự án này để thực hiện.

Chúng tôi cần sự đồng thuận của Hà Nội vì dự án đi trên địa bàn Hà Nội, rồi sẽ báo cáo Thủ tướng. Một dự án bao giờ cũng có ảnh hưởng, có tác động này, tác động kia ta phải tìm phương án nào có nhiều tích cực nhất. 


Tùng Nguyễn - (ghi)

Ý kiến bạn đọc