(VnMedia) - Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử, cần xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm đối với nguồn lực hỗ trợ người dân tộc thiểu, kể cả nguồn lực trong nước và quốc tế, để đảm bảo các nguồn lực này đến tay người thụ hưởng chính sách.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử |
Tối 5/1. trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban dân tộc Giàng Seo Phử đã trả lời các câu hỏi xung quanh vấn đề tiến độ triển khai các chính sách hỗ trợ đồng bào dân tộc và miền núi và làm thế nào để huy động nguồn vốn xã hội hóa từ doanh nghiệp, từ các tổ chức quốc tế nhằm xóa đói giảm nghèo cho người dân.
- Thưa Bộ trưởng, năm 2013 Chính phủ ban hành nhiều chính sách mới để hỗ trợ đồng bào vùng dân tộc và miền núi. Nhưng trên thực tế, đời sống của đồng bào vẫn còn nhiều khó khăn. Xin Bộ trưởng cho biết tiến độ thực hiện những chính sách này như thế nào, và liệu những đồng tiền hỗ trợ có đến được tận tay những người dân nghèo hay không?
Năm 2013, chúng tôi đã trình Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ ban hành một số chính sách mới. Cụ thể là Chiến lược công tác dân tộc, Chương trình hành động về công tác dân tộc của Chính phủ đến năm 2020. Trên thực tế, chương trình 135 đã giúp cho các đồng bào dân tộc vùng đặc biệt khó khăn thoát khỏi đói nghèo; chính sách về hỗ trợ di dân, định canh, định cư; chính sách giải quyết việc làm cho đồng bào các dân tộc... Tuy nhiên, nhiều chính sách của chúng ta được xây dựng từ trước, một số chính sách đã lạc hậu nhưng chưa có điều kiện để sửa đổi, bổ sung phù hợp. Ngoài ra, sự phân công quản lý điều hành các chương trình cũng còn có sự chồng chéo.
Điều quan trọng nhất, đó là không đủ các nguồn lực bố trí cho các chính sách đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, đặc biệt là Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã quyết định. Ví dụ chương trình 135 năm 2013 đạt mức độ rất thấp. Chương tình về nước sinh hoạt, đất sản xuất, đất ở cho người nghèo, người đặc biệt khó khăn… cũng chưa bố trí được vốn.
- Bộ trưởng nói rằng nguồn vốn là vấn đề nan giải hiện nay. Vậy theo Bộ trưởng, mức hỗ trợ phải nhiều hơn hiện nay như thế nào? Ví dụ hiện một xã hay một huyện cần được hỗ trợ thế nào?
Về mức hỗ trợ cho đồng bào dân tộc, vùng đặc biệt khó khăn còn đang ở mức thấp. Vùng nông thôn chỉ có 80.000, vùng phát triển hơn cũng chỉ có 100.000 đồng/người/tháng, trong khi theo tính toán hiện nay, nhu cầu thực tế tối thiểu cũng khoảng 300.000 đồng/người/tháng. Sự chênh lệch giữa 80.000 đồng đến 300.000 đồng rất là thấp mà hiện nay vẫn còn chưa được hỗ trợ.
Như vậy có thể thấy nguồn vốn chính là vấn đề nam giải trong khi chúng ta đang hoàn toàn dựa trên nguồn trợ cấp của Nhà nước, Chính phủ. Ngoài nguồn vốn đó, chúng ta có thể huy động nguồn vốn từ xã hội hóa của các doanh nghiệp hay tổ chức quốc tế. Là người đứng đầu Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm có chính sách nào để huy động nguồn vốn này?
Đứng trước khó khăn của nguồn lực trong nước, vấn đề xã hội hóa, huy động nguồn lực từ bên ngoài hết sức quan trọng và có ý nghĩa to lớn trong việc cùng với ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho đồng bào dân tộc.
Vừa qua, được sự ủy quyền của Thủ tướng tôi đã ký Hiệp định đầu tư tài trợ của Chính phủ Ireland cho Chính phủ Việt Nam, trị giá 15 triệu Euro trong giai đoạn 2013-2015. Đây là nguồn lực chỉ dành cho 8 tỉnh khó khăn nhất của đất nước, mỗi năm có thêm trên 100 tỷ nên phải hết sức tiết kiệm và chống lãng phí thất thoát, xử lý nghiêm khắc các trường hợp vi phạm về sử dụng nguồn lực, kể cả trong nước và quốc tế, để đảm bảo các nguồn lực này đến tay người thụ hưởng chính sách.
- Thưa Bộ trưởng, đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn còn thường xuyên phải chịu hậu quả nặng nề từ thiên tai. Vậy theo Bộ trưởng, cần có những chính sách gì để hướng dẫn người dân phòng ngừa cũng như hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả thiên tai?
Những năm gần đây chúng ta đã phải chứng kiến những cảnh rất đau lòng và sự tàn phá tàn khốc của lũ quét…, chính những thiên tai này đã làm cho đời sống của đồng bào dân tộc đã khó khăn càng khó khăn thêm.
Trước đây chúng ta đã đầu tư rất nhiều cơ sở hạ tầng với hy vọng sẽ nâng cao đời sống của đồng bào. Nay chúng ta chứng kiến tất cả những đối tượng này lại đều trở thành người nghèo. Để khắc phục hậu quả này không phải một sớm, một chiều và đây là vấn đề lớn của đất nước. Chính phủ cần chỉ đạo và giao trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương chủ động xây dựng hệ thống chính sách khắc phục hậu quả của biến đổi khí hậu, của thiên tai; đề xuất và đưa các tiến bộ kỹ thuật vào công tác dự báo lũ quét, lũ ống…
- Bước sang năm 2014, chúng ta đều mong tất cả trẻ em vùng cao đều được đến trường, đời sống của đồng bào dân tộc và miền núi ngày càng được nâng cao. Vậy, Bộ trưởng gửi gắm tâm huyết gì đối với đồng bào dân tộc miền núi?
Được Đảng và Nhà nước phân công làm công tác dân tộc, cuộc đời gắn bó với đồng bào dân tộc, nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Ủy ban Dân tộc, tôi xin gửi lời chúc Tết và lời thăm hỏi ân cần đến toàn thể đồng bào dân tộc cả nước nói chung, đồng bào dân tộc thiểu số nói riêng, đặc biệt là các hộ đồng bào nghèo vùng thường chịu ảnh hưởng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, chuẩn bị đón xuân mới, đón Tết cổ truyền dân tộc vui tươi, lành mạnh.
Mỹ Hạnh -
(ghi)
Ý kiến bạn đọc