(VnMedia) - Giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng được cho là những mảng nhạy cảm nhất, đụng chạm nhất và là nhiệm vụ thường xuyên của Thanh tra Chính phủ. Mỗi kết luận từ cơ quan này đưa ra thường gây rúng động dư luận. Những kết luận gần đây của Thanh tra Chính phủ đang được dư luận đặc biệt quan tâm và là những thông tin gây bất ngờ cho công chúng.
Tổng Thanh tra Chính phủ đã giải đáp những thắc mắc của người dân về những công bố mới nhất của cơ quan này.
Tổng thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh trong chương trình Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời tối 26/1 |
EVN và việc xây biệt thự, sân tennis tính vào giá điện
- Thưa Tổng Thanh tra, những công bố của Thanh tra Chính phủ về đợt thanh tra EVN gần đây đã khiến cho dư luận xôn xao. Những người dân quan tâm đến vấn đề này đã đặt câu hỏi băn khoăn về số vốn mà Tập đoàn Điện lực Việt Nam đầu tư ngoài công ty mẹ lên đến 121.000 tỷ đồng – một số tiền quá lớn trong khi Tập đoàn này liên tục kêu ca là thiếu vốn đầu tư. Vậy, theo Tổng Thanh tra, việc cơ quan này kêu ca có hợp lý không?
Trong quá trình thanh tra Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Thanh tra Chính phủ đã làm rõ nhiều vấn đề, trong đó có việc đầu tư ngoài công ty mẹ là 121 nghìn tỷ, vượt vốn điều lệ là 45.000 tỷ. Nếu nói về mặt quy định thì đầu tư ngoài ngành là không vi phạm các quy định của pháp luật vì pháp luật vẫn cho phép các doanh nghiệp Nhà nước đầu tư đa ngành, đa lĩnh vực. Nhưng có thể nói, đầu tư ngoài công ty mẹ dẫn đến các hệ quả làm phân tán nguồn vốn, đầu tư không tập trung ngành nghề chính.
Thứ hai, hệ số tỷ suất lợi nhuận của đầu tư ngoài ngành nghề chính đạt tỷ suất thấp. Từ đó, sau khi kết luận thanh tra, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Bộ Công thương chấn chỉnh vấn đề này, đồng thời phải tập trung đầu tư ngành nghề chính để mang lại vốn đầu tư cho ngành điện, thực hiện hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.
Đến nay, trong quá trình thanh tra và sau kết luận thanh tra, thực hiện ý kiến của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thực hiện một bước và đặc biệt là phải thực hiện lộ trình thoái vốn theo lộ trình Chính phủ quy định.
- Thông tin mà Thanh tra Chính phủ công bố về việc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đưa 600 tỷ đồng xây biệt thự, sân tennis, bể bơi tính vào chi phí 6 dự án điện khiến dư luận rất bức xúc. EVN lại cho nhà máy nhiệt điện Phả Lại vay với lãi suất thấp, rồi lại vay lại một số tiền lớn của nhà máy này với lãi suất cao gấp 8 lần lãi suất cho vay. Thưa Tổng Thanh tra Chính phủ, tại sao lại có cho vay lãi suất thấp, rồi vay lại chính nơi đó với lãi suất cao gấp 8 lần? Có phải những chi phí này lại được tính vào giá điện và bổ vào đầu người dân không?
Nội dung này Thanh tra Chính phủ đã kết luận, làm việc đầu tư vào 6 dự án là nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, các công trình phúc lợi như sân tennis, bể bơi và các công trình thể thao khác, với con số chính xác là 595 tỷ đồng. Sau khi thanh tra kết luận, có 1 dự án trên 60 tỷ đã được đưa vào giá thành để tính giá thành, đưa vào giá bán điện. Còn lại 5 dự án đang xây dựng và đưa vào sử dụng.
Sau khi có kết luận của thanh tra, Chính phủ đã chỉ đạo giao cho Bộ Tài chính, Bộ Công Thương phải rà soát, điều chỉnh lại. Nội dung nào, đầu tư nào được đưa vào giá thành thì đưa vào giá thành để tính vào giá điện. Còn nội dung nào không được đưa vào giá thành thì tính vào quỹ phúc lợi để đầu tư các dự án tương tự nói trên. Nói tóm lại, việc này hoàn toàn không phải 595 tỷ đầu tư và đưa vào giá thành điện hết mà hiện nay có 5 dự án chưa quyết toán. Trong quá trình quyết toán sẽ loại ra những cái không phù hợp, không đưa vào giá thành.
Nội dung về cho vay 2.350 tỷ đồng của Nhiệt điện Phả Lại thì đây là vốn tạm nhàn rỗi của công ty Nhiệt điện Phả Lại, do vậy, khẳng định hoạt động này không phải là hoạt động tín dụng mà huy động nội lực trong Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thực hiện việc này là hết sức bình thường, góp phần vào việc đầu tư vào ngành điện. Chúng tôi đã xem xét và thấy rằng hoạt động này không vi phạm pháp luật, cho nên chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ hoạt động này không vi phạm về hoạt động tín dụng, nên không đưa vào những kết luận là vi phạm của Tập đoàn Điện lực Việt Nam.
Ngân hàng Nông nghiệp: Đã bắt tạm giam 30 đối tượng
- Thưa Tổng Thanh tra, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là một trong những ngân hàng lớn nhất, nhưng đã xảy ra quá nhiều sai phạm trong thời gian qua, Thanh tra Chính phủ đã triển khai công tác thanh tra ở ngân hàng này đã lâu, vậy tại sao vẫn kéo dài mà chưa công bố kết quả.
Tại chuyên mục Dân hỏi Bộ trưởng trả lời này, Tổng Thanh tra có thể cho biết quá trình thanh tra Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và kết quả như thế nào?
Thanh tra Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam có thể nói là khá lâu, một cuộc thanh tra kéo dài hơn 1 năm. Bởi vì những lý do, thứ nhất là Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam là ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất. Có vốn huy động dư nợ lên tới 431 nghìn tỷ và vốn điều lệ hơn 21 nghìn tỷ.
Thứ hai, Ngân hàng Nông nghiệp có nhiều đầu mối, hoạt động địa bàn rất rộng. Nên khi có kết luận thanh tra thì phải mất thời gian. Vừa qua, chúng tôi đã thanh tra, kết luận và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý. Có dấu hiệu vi phạm, thứ nhất là hoạt động tín dụng không đúng quy định của Nhà nước, vi phạm Luật Tín dụng với hình thức là thủ tục, giải ngân, thế chấp tài sản không đúng quy định. Thứ hai, trong tổ chức quản lý điều hành lỏng lẻo, gây hậu quả.
Thứ ba, có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Nên thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam được các cơ quan chức năng làm rõ, kiến nghị xử lý một số vụ việc. Đặc biệt, trong quá trình thanh tra năm 2012 thanh tra Chính phủ tuy chưa kết luận toàn bộ thanh tra Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam, nhưng chúng tôi phát hiện một vụ án vi phạm pháp luật, đó là Công ty Lifepro đầu tư nước ngoài ở Ninh Bình vi phạm Luật Tổ chức tín dụng, với số vốn vay 3.500 tỷ đồng và số vốn lãi lên đến cuối năm 2012 là 300 tỷ đồng. Tóm lại là dư nợ tín dụng lên tới 3.800 tỷ.
Vi phạm có tính chất lừa đảo gây hậu quả, chiếm đoạt tài sản của Nhà nước. Chúng tôi đã chuyển cho cơ quan điều tra và đã khởi tố, bắt tạm giam gần 30 đối tượng, trong đó có cán bộ ngân hàng, cán bộ hải quan và khách hàng. Trong đó có 1 lãnh đạo là giám đốc chi nhánh và 2 lãnh đạo của Ngân hàng Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Hiện nay vụ án này đang được tiến hành điều tra làm rõ để truy tố, xử lý theo quy định của pháp luật.
- Thưa ông, những sai phạm được Thanh tra Chính phủ công bố sẽ được xử lý như thế nào, Thanh tra Chính phủ có tiếp tục kiểm soát những vấn đề xử lý sau thanh tra không và những thông tin này có công bố cho những người dân được biết không?
Thủ tướng Chính phủ đã đồng ký kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ. Ngày 23/1 vừa qua, chúng tôi đã công bố tại đơn vị, tức là tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tới đây, chúng tôi sẽ tiếp tục công bố các phương tiện thông tin đại chúng. Sau khi chương trình này được phát đi, các phương tiện thông tin đại chúng khác sẽ được công khai.
Quá trình thanh tra, chúng tôi đã xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ, đã chuyển cơ quan điều tra 15 vụ việc để cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ các dấu hiệu vi phạm và chuyển 59 vụ việc cho Ngân hàng Nhà nước để Ngân hàng Nhà nước tiến hành kiểm tra, giám sát theo Luật Tổ chức tín dụng. Nếu có vi phạm thì xử lý theo quy định.
Chống tham nhũng:
- Thưa Tổng Thanh tra, chúng tôi thấy Luật Phòng chống tham nhũng hiện đã có nhưng hình thức thì nhiều chứ chưa thực chất và còn kém hiệu quả. Ví dụ như việc kê khai tài sản của các quan chức, của những người có vị trí cao.... nói thì quyết liệt nhưng vẫn còn nhiều quan chức không hiểu tiền đâu ra mà có trang trại to, biệt thự lớn. Theo Tổng Thanh tra, việc kê khai tài sản đã được thực hiện hiệu quả hay chưa và nếu chưa thì Thanh tra Chính phủ sẽ làm gì để công tác này thực chất hơn, hiệu quả hơn trong thời gian tới?
Việc kê khai tài sản là giải pháp phòng ngừa quan trọng trong các giải pháp phòng ngừa. Vì vậy, sau khi Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi có nhiều điểm mới, trong đó có điểm mới là kê khai và công khai tài sản. Và gần đây, Bộ Chính trị có Chỉ thị số 33 là giao nhiệm vụ và trách nhiệm của cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải tiến hành kê khai, công khai tài sản.
Đối với việc công khai, kê khai tài sản lần này thì tất cả các bản kê khai tài sản trước đây phải được kê khai lại toàn bộ, cộng dồn lại từ trước đến nay, nếu có tài sản tăng thêm thì phải giải trình tài sản tăng thêm. Sau khi kê khai phải được công khai tại nơi làm việc, công tác thường xuyên của đối tượng kê khai.
Thứ ba là giao trách nhiệm cho thủ trưởng của người quản lý trực tiếp cán bộ tiến hành xác minh khi có dấu hiệu không trung thực hoặc kê khai chậm.
Thứ tư là quy định việc xử lý cán bộ là kê khai không trung thực, kê khai chậm và có vi phạm trong việc kê khai.
Tóm lại, kê khai tài sản là biện pháp quan trọng và cần thiết để phòng ngừa, ngăn chặn và công khai thu nhập của cán bộ, công chức thuộc đối tượng kê khai theo Luật phòng chống tham nhũng sửa đổi và trong thời gian sắp tới, ngoài kê khai tài sản ra, Thanh tra Chính phủ đang có dự thảo Nghị định để Chính phủ ban hành việc kiểm soát thu nhập của người có chức vụ quyền hạn theo Luật Phòng chống tham nhũng sửa đổi.
- Xin cảm ơn Tổng Thanh tra.
Ý kiến bạn đọc