Thi tốt nghiệp phổ thông: 4 môn hay 5 môn?

15:06, 10/01/2014
|

(VnMedia) - Ngày 9/1, Bộ GD&ĐT đã công bố bản Dự thảo mới nhất về Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông để lấy ý kiến đóng góp, dựkiến kết thúc vào ngày 20/1.


 Ảnh minh họa

Bộ Giáo dục cho biết, qua đánh giá ưu, nhược điểm các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) những năm trước đây; trên cơ sở tham khảo ý kiến của các nhà giáo, chuyên gia giáo dục và dư luận xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) dự kiến có một số thay đổi trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT những năm sắp tới (trước khi áp dụng Chương trình giáo dục phổ thông mới).


Theo đó, về vấn đề miễn thi tốt nghiệp, ngoài các đối tượng được miễn thi theo Quy chế thi hiện hành (người học khiếm thị; người học lớp 12 được tham gia kỳ thi chọn đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế, khu vực các môn văn hoá và được tuyển chọn tham gia các cuộc thi quốc tế hoặc khu vực về thể dục thể thao, văn hoá văn nghệ), các thí sinh (học sinh Giáo dục THPT và học viên Giáo dục thường xuyên) có kết quả học tập, rèn luyện tốt sẽ được miễn thi dựa theo các tiêu chí cơ bản là: Kết quả học tập, rèn luyện của học sinh trong 3 năm học THPT; Kết quả các kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp; Kết quả các kỳ thi sáng tạo khoa học-kỹ thuật, các cuộc thi trí tuệ dành cho học sinh THPT được tổ chức ở cấp quốc gia, quốc tế.


Thí sinh miễn thi được xếp loại tốt nghiệp dựa theo điểm trung bình cả năm lớp 12. Tuy nhiên, thí sinh được miễn thi vẫn được quyền đăng ký dự thi tốt nghiệp để được xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp theo quy định tại mục 2 của văn bản này.


Trong kỳ thi đầu tiên, tỷ lệ miễn thi chung cho mỗi sở giáo dục và đào tạo tối đa là 20%. Tỷ lệ này có thể được xem xét điều chỉnh trong các năm sau.


Về vấn đề thi tốt nghiệp THPT, có 2 phương án chọn môn thi.

Phương án thứ nhất gồm 2 môn thi bắt buộc là Toán và Ngữ văn và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử.


Học sinh có thể đăng ký thi môn Ngoại ngữ (đề ra theo chương trình 7 năm hiện hành) để được cộng điểm khuyến khích vào điểm xét tốt nghiệp (ĐXTN); dự kiến: bài thi môn Ngoại ngữ đạt 9,0 điểm trở lên được cộng 2,0 điểm; đạt 7,0 điểm trở lên được cộng 1,5 điểm; đạt 5,0 điểm trở lên được cộng 1,0 điểm.


Phương án 2 quy định thí sinh thi 5 môn, gồm 3 môn thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ và 2 môn do thí sinh tự chọn trong số các môn: Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử.


Với môn ngoại ngữ, thí sinh GDTX và thí sinh giáo dục THPT không theo học hết chương trình hiện hành hoặc có khó khăn về điều kiện dạy học sẽ được tự chọn một môn thi thay thế trong số các môn Vật lí, Hóa học, Sinh học, Địa lí và Lịch sử sao cho không trùng với hai môn tự chọn nói trên.


Về hình thức thi, các môn Toán, Ngữ văn, Địa lí và Lịch sử sẽ thi theo hình thức tự luận. Các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học: trắc nghiệm. Môn Ngoại ngữ có 2 phần thi: trắc nghiệm và viết luận.


Thời gian làm bài thi môn Toán và Ngữ văn là 150 phút. Môn Địa lí, Lịch sử và Ngoại ngữ là 90 phút và các môn Vật lí, Hóa học và Sinh học là 60 phút.


Về xét công nhận và xếp loại tốt nghiệp, theo Dự thảo, việc công nhận và xếp loại tốt nghiệp được thực hiện theo Quy chế thi. Điểm xét và công nhận tốt nghiệp được xác định như sau: Điểm xét tốt nghiệp là điểm TB các bài thi + điểm TB cả năm lớp 12)/2 + Tổng điểm khuyến khích (nếu có)/số bài thi.


Điểm xếp loại tốt nghiệp = Điểm TB các bài thi + Điểm trung bình cả năm lớp 12 ) /2


Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết mong nhận được ý kiến đóng góp cho các nội dung của phương án điều chỉnh, thời gian đưa vào áp dụng và các công việc cần triển khai để thực hiện.

Ý kiến đóng góp xin gửi theo địa chỉ: Cục khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục, 30 Tạ Quang Bửu - Quận Hai Bà Trưng - Hà Nội hoặc email: cucktkd@moet.edu.vn trước ngày 20/01/2014.

 


Xuân Hưng

Ý kiến bạn đọc