Thế mạnh của công đoàn trong an toàn vệ sinh lao động

16:21, 02/01/2014
|
(VnMedia) - Cùng với việc phát động các phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh, những năm qua, các cấp Công đoàn trong tỉnh cũng luôn quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ).

Theo Liên đoàn Lao động tỉnh Bắc Ninh thì hàng năm, đơn vị đều xây dựng kế hoạch ATVSLĐ để triển khai tới các cấp Công đoàn, mà trọng tâm là các doanh nghiệp và người lao động. Với phương châm “mọi hoạt động hướng về cơ sở”, các cấp Công đoàn luôn chủ động phối hợp cùng chuyên môn xây dựng các phong trào thi đua như: sáng kiến cải thiện điều kiện lao động; đơn vị “an toàn-xanh-sạch-đẹp”; văn hóa an toàn tại nơi làm việc…Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền pháp luật về ATVSLĐ dưới nhiều hình thức như: tập huấn, tọa đàm, cấp phát sách, đĩa về ATVSLĐ, cung cấp bản tự chấm điểm có nội dung hoạt động của các phong trào tới cơ sở được chú trọng. Các hội thi tìm hiểu pháp luật lao động và hội thi ATVSLĐ giỏi… cũng được tổ chức thường xuyên.


Thực hiện tốt công tác ATVSLĐ góp phần giảm thiểu nguy cơ tai nạn lao động
và bệnh nghề nghiệp.

Để tuyên truyền các nội dung về ATVSLĐ tới người sử dụng lao động và người lao động đạt hiệu quả, các cấp Công đoàn thường gắn hoạt động với thực tế ở cơ sở như: thông tin tình hình tai nạn lao động trong cả nước và trên địa bàn tỉnh; trao đổi kinh nghiệm trong việc triển khai thực hiện công tác ATVSLĐ tại cơ sở; giải quyết và xử lý dứt điểm các tình huống gây mất an toàn lao động, tai nạn lao động…

Việc xây dựng và phát triển đội ngũ an toàn vệ sinh viên cũng được Công đoàn các cấp quan tâm. Năm 2013, toàn tỉnh đã có 2.562 đơn vị thành lập bộ phận an toàn vệ sinh lao động, với tổng số 3.787 an toàn vệ sinh viên. Trong đó trên 50% đơn vị có bộ phận y tế theo quy định. Các đơn vị có mạng lưới an toàn vệ sinh viên đã và đang hoạt động có hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng công tác bảo đảm ATVSLĐ, giảm thiểu tình trạng mất an toàn lao động tại các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Một số doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn sử dụng các thiết bị máy móc cũ, lạc hậu, nhà xưởng không bảo đảm ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm, tiếng ồn. Đặc biệt, nhận thức và tính kỷ luật, kỷ cương của người lao động còn hạn chế, nhất là đối với lao động trẻ, mới bước vào nghề, tác phong công nghiệp kém... Việc trang bị bảo hộ lao động chưa được chú trọng dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động xảy ra gây thiệt hại đến tính mạng người lao động và tài sản của các doanh nghiệp.

Để có sự can thiệp kịp thời đối với vấn đề ATVSLĐ, giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động, từng bước đưa công tác ATVSLĐ đi vào chiều sâu, hàng năm, các cấp Công đoàn đều phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc thi hành pháp luật về ATVSLĐ ở các doanh nghiệp trong tỉnh. Riêng năm 2013, các cấp Công đoàn trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra ATVSLĐ ở 244 đơn vị, trong đó phối hợp với chuyên môn là 107 đơn vị. Qua kiểm tra, nhắc nhở và hướng dẫn của Công đoàn cấp trên, tổ chức Công đoàn tại các doanh nghiệp đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động, khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.

Theo đồng chí Bùi Ngọc Quang, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ tỉnh thì để phát huy hơn nữa vai trò của mình trong vấn đề đảm bảo ATVSLĐ, thời gian tới các cấp Công đoàn cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người sử dụng lao động và người lao động. Việc phối hợp với các ngành chức năng tăng cường hoạt động kiểm tra và tập huấn về ATVSLĐ cũng cần được chú trọng hơn. Đây là cơ sở để công tác đảm bảo ATVSLĐ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh ngày càng được cải thiện, góp phần bảo vệ sức khỏe cho người lao động và giảm thiểu những nguy cơ xảy ra tai nạn lao động.


Tổng hợp

Ý kiến bạn đọc