(VnMedia)- Khóa huấn luyện sẽ giúp các em nhỏ hiểu rõ về 12 giá trị căn bản của mỗi cá nhân, gồm: Tôn trọng, khoan dung, trách nhiệm, khiêm tốn, trung thực, tự do, hạnh phúc, hợp tác, giản dị, đoàn kết, yêu thương, bình an.
Đây là một trong những nội dung hợp tác giữa Trường mầm non Vinschool và Trung tâm nghiên cứu và tư vấn về giá trị sống (LVRC).
Theo thông tin chính thức, chương trình "Giá trị sống" xoay quanh 12 giá trị căn bản của mỗi cá nhân, với hàng loạt các hoạt động mang tính trải nghiệm, các phương pháp thực hành, giúp con người khám phá và phát triển các giá trị, gồm: Tôn trọng, khoan dung, trách nhiệm, khiêm tốn, trung thực, tự do, hạnh phúc, hợp tác, giản dị, đoàn kết, yêu thương, bình an. Bên cạnh đó chương trình còn cung cấp cho các học viên những hoạt động về các giá trị có tính thực nghiệm và những phương pháp thực tiễn để ứng dụng trong công tác giảng dạy sau này để giúp các em học sinh khám phá và phát huy được các giá trị đó.
Trong ngày học đầu tiên, sau khi được giới thiệu về lịch sử hình thành và tổng quát về chương trình đào tạo, các học viên được tham gia ngay vào các hoạt động khám phá giá trị bản thân, khám phá các giá trị với tư cách là người thầy, người cô và phát triển các giá trị của trẻ. Các hoạt động nhóm được diễn ra với nhiều hình thức khác nhau, từ thảo luận, lập nhóm 2-3 người tới các hoạt động vận động tập thể, trong đó, bài tập “Hồi tưởng giấc mơ” là một trong những hoạt động được các học viên thích thú nhất. Đây cũng là hoạt động được khuyến khích dùng cho cả trẻ em vì khả năng khơi dậy sự tập trung và trí tưởng tượng, qua đó nhận ra các giá trị tích cực. Trong các ngày học tiếp theo, các học viên tiếp tục được tìm hiểu, khám phá các giá trị thông qua các hoạt động về khen ngợi và xây dựng các hành vi tích cực, giải quyết xung đột. Học viên được thực hành hướng dẫn hoạt động 12 giá trị cho từng lứa tuổi cụ thể, tạo mô hình cho các giá trị.
Với việc tham gia khóa học hữu ích này, giáo viên tại Vinschool sẽ có được những kinh nghiệm thiết thực để vận dụng vào việc dạy học thực tế, đặc biệt là lồng ghép vào trong cách đối xử, chăm sóc và giảng dạy trên lớp, thay đổi về cách tiếp cận và truyền đạt để chất lượng giáo dục đạt kết quả tốt hơn, đặc biệt có thể hướng tới cho học sinh hiểu hơn và khám phá, phát huy những giá trị của bản thân để vươn tới những điều tốt nhất.
Ý kiến bạn đọc