Những chuyện “hoang đường” năm Quý Tỵ

07:11, 30/01/2014
|

(VnMedia) - Chúng ta đang chờ đón năm mới Giáp Ngọ với một niềm hy vọng những khó khăn sẽ qua đi và nhiều điều tốt đẹp hơn sẽ đến. "Tống tiễn" năm cũ, VnMedia xin điểm lại một số vụ việc “dở khóc dở cười" của năm Quý Tỵ để chúng ta cùng suy ngẫm.

“Nhân bản” hơn 1000 phiếu xét nghiệm

Năm 2013, có một nhân vật đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và khích lệ đặc biệt của người dân, đó là y tá Hoàng Thị Nguyệt, mà sau này được yêu mến gọi là “chị Nguyệt Hoài Đức”.

Là một y tá làm việc tại bệnh viện huyện Hoài Đức (Hà Nội), chị Nguyệt đã dũng cảm tự đi thu thập chứng cứ và đứng lên tố cáo việc làm gian dối, vô nhân đạo của một số người, trong đó có cả lãnh đạo bệnh viện. Nhờ có sự dũng cảm của chị Nguyệt, người ta đã phát hiện ra việc “nhân bản” hơn 1000 phiếu xét nghiệm máu, trong khi nhiều mẫu máu được lấy từ bệnh nhân đã bị đem vứt bỏ. Nguyên nhân chỉ vì lòng tham đã khiến cho những người khoác áo lương y mờ mắt và hành động vô nhân đạo. Kết quả, đã có nhiều người bị truy tố trước pháp luật. Một điều trớ trêu trong vụ việc, đó là chị Nguyệt Hoài Đức sau đó được Sở Y tế Hà Nội tuyên dương và thưởng… 320.000 đồng, trong khi chị Oanh, một người đã cùng sát cánh với chị Nguyệt trong việc thu thập chứng cứ vụ việc, lại bị khởi tố. Rất may, thông tin mới nhất cho biết, chị Oanh hiện đã được đình chỉ điều tra.

Ảnh minh họa

Chị Nguyệt Hoài Đức rơi nước mắt trong lễ trao thưởng


Làm giả hài cốt liệt sĩ từ xương động vật

Không chỉ “nhân bản” phiếu xét nghiệm để trục lợi trên người bệnh, có những kẻ tham lam, vô đạo đức còn đang tâm làm giả hài cốt liệt sĩ để trục lợi từ những người đã hy sinh xương máu cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Những ngày cuối năm 2013 vừa qua, một vụ lừa đảo hài cốt liệt sĩ đã được phanh phui. Theo đó, một người tự xưng là “cậu Thủy” (tên thật là Nguyễn Bá Thúy), vốn là một cán bộ ngành Công an đã bị đuổi, đã lén lút chôn xương vụn và xương động vật rồi giả làm hài cốt liệt sĩ. Viện Pháp y Quân đội đã có kết luận giám định về các di vật cũng như các mẫu xương mà Thúy cho là hài cốt liệt sĩ khai quật ngày 25/7/2013 tại xã Gio Mai, huyện Gio Linh. Kết quả cho thấy, phần lớn di vật, hài cốt là xương động vật như: xương lợn sề, xương mèo... Còn các di vật như bi đông khắc tên liệt sĩ, dép liệt sĩ... là những di vật được làm giả.

Tiếp đó, chiều 7/1 vừa qua, Ban chuyên án Bộ Công an cùng với cơ quan chức năng tiếp tục hoàn tất việc khai quật 70 bộ “hài cốt liệt sĩ” do “cậu Thủy” quy tập tại Đắk Lắk để giám định ADN.

Vụ việc đã gây nên một sự phẫn nộ đặc biệt trong dư luận bởi trong khi cả xã hội đang dồn nhiều tâm sức, tiền của để quy tập mộ liệt sĩ nhằm an ủi thân nhân của những liệt sĩ đã ngã xuống vì Tổ quốc thì những kẻ vô lương tâm đã dùng mọi thủ đoạn để kiếm tiền trên xương máu của những liệt sĩ đó. Điều đáng nói là hầu hết các vụ lừa đảo đó đã dễ dàng qua mắt được lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội, và họ đã chi cho mỗi bộ hài cốt do Thúy làm giả mạo là 75 triệu đồng, tổng cộng là hơn 7 tỷ đồng.

Tài xế vụ hôi bia được phong danh hiệu… công dân ưu tú

Thời gian vừa qua, dư luận xã hội rất bức xúc trước vụ việc hàng trăm người dân Đồng Nai đổ ra đường để “hôi của” khi một ô tô chở bia bị tai nạn. Hàng ngàn lời chỉ trích được đăng tải trên các trang mạng xã hội, cho rằng đây là hành vi thiếu văn hóa, vô nhân đạo và đáng xấu hổ bởi nhiều người đã mang cả… xe ba gác ra chở bia mặc dù người tài xế đã quỳ xuống van xin. Thậm chí, một người dân Đồng Nai còn chăng biển “xin lỗi” thay cho những người đã có hành vi đáng trách này. Vụ việc sau đó đã bị khởi tố điều tra và 2 người tham gia hôi bia đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của sự việc có lẽ lại chính là chuyện người tài xế làm lật xe bia được phong… công dân ưu tú tỉnh Đồng Nai. Lý do để tỉnh này phong tặng danh hiệu này là vì người tài xế đã trả lại cho những “mạnh thường quân” giúp anh ta khoản tiền đền số bia bị “hôi”. Dư luận lại một lần nữa lắc đầu ngao ngán bởi kết cúc “có hậu” một cách hết sức lạ đời này.

Ảnh minh họa

Việc tài xế làm đổ bia ra đường sau đó được "vinh danh" là công dân ưu tú trở thành một câu chuyện khó tin nhất năm 2013


Chuyện hoang đường về "Kiều nữ Hải Dương"

Một trong những vụ việc gây xôn xao dư luận trong thời gian gần đây là thông tin về một “kiều nữ Hải Dương” nhiều phen hiếp dâm tài xế taxi. Theo mô tả trên một tờ báo thì hàng loạt tài xế taxi đã “bạt vía kinh hồn” khi bị một phụ nữ “chân yếu tay mềm” cưỡng bức đến thân tàn ma dại. Thậm chí, tờ báo này còn cho rằng, có nhân chứng khẳng định bị ép quan hệ với “nữ thí chủ” đến… 30 lần trong 2 ngày – một “kỳ” tích mà y học hiện đại lẫn cổ xưa đều chưa đều cho rằng không thể xảy ra.

“Kiều nữ Hải Dương” sau đó được xác định là một Việt kiểu ở Mỹ đã gửi thư đến các cơ quan công luận kêu cứu, khẳng định mình bị vu khống, bôi nhọ. Hiện nạn nhân đã về Việt Nam và đang chuẩn bị mọi chứng cứ pháp lý để kiện tờ báo và phóng viên nọ ra tòa. Vụ việc gióng lên hồi chuông về đạo đức của người làm báo trước số phận và nhân cách nhân vật nói riêng và với xã hội nói chung.

Ảnh minh họa

"Kiều nữ Hải Dương" cho biết đã bị bôi nhọ và làm nhục qua câu chuyện hoang đường


Nhà vệ sinh trường học miền núi giá… 600 triệu

Ngôi trường của huyện miền núi nằm ngay trung tâm trị trấn huyện Minh Long với hơn 170 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9. Cách dãy phòng học không xa là công trình nhà vệ sinh được đưa vào hoạt động từ tháng 1/2013. Nhà vệ sinh rộng 29 m2 này chia làm hai bên dành cho nam và nữ. Bên phòng nữ có 3 bệ tiểu nhưng không có cửa, phòng vệ sinh nam có bốn bệ tiểu, một hố xí và bồn rửa tay... Các vật dụng thuộc loại bình thường. Công trình nhà vệ sinh 600 triệu đồng do Sở GD&ĐT Quảng Ngãi làm chủ đầu tư, thiết kế, lập dự toán.

Ngay khi vụ việc được báo chí đưa tin, hàng loạt ý kiến của bạn đọc đã gửi về các tòa soạn báo, trong đó nhiều ý kiến cho biết, với số tiền này, họ có thể xây được cả một ngôi nhà khang trang, rộng hàng trăm m2. Sau khi các cơ quan báo chí liên tục phản ánh vụ việc, đích thân Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đã có công văn hỏa tốc yêu cầu Bộ NN&PTNT phối hợp UBND tỉnh Quảng Ngãi làm rõ thông tin.

Ảnh minh họa

Nhà vệ sinh được xây dựng với chi phí lên đến 600 triệu đồng gây bức xúc trong dư luận


Thưởng Tết tương ớt, thu liên hoan… 5 triệu


Đến hẹn lại lên, trong những ngày cuối năm này, chuyện thưởng Tết lại trở thành đề tài để mọi người bàn tán, chia sẻ. Sẽ là những lời trầm trồ “ghen tị” khi có người được thưởng đến vài trăm triệu đồng. Tuy nhiên, trong năm “kinh tế buồn” này thì đó chỉ là những trường hợp hết sức đặc biệt. Phần lớn chuyện thưởng Tết mà mọingười nói đến trong thời gian gần đây là những trường hợp thưởng “bèo”, như là thùng tương ớt, giấy vệ sinh, gạch lát nhà và thậm chí là cả…. quần đùi.

Trong khi đó, thông tin về một trường học thu của giáo viên mỗi người… 5 triệu đồng để liên hoan cuối năm đã khiến dư luận hết sức bất bình.

Tháng 12/2010, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Nghị định Số 116/2010/NĐ-CP về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. 3 năm sau, tháng 12/2013, các giáo viên trường THPT Trà Bồng mới được truy lĩnh khoản tiền trợ cấp theo quy định tại Nghị định này.Người nhiều thì được vài chục triệu, người ít chỉ được vài triệu.

Thế nhưng, tiền chưa về đến nơi thì họ đã bị trừ mỗi người 5 triệu đồng để… liên hoan cuối năm và “trả ơn” những người ăn lương bằng tiền thuế của dân để thực thi chính sách của nhà nước. Trả lời báo chí về vụ việc, lãnh đạo trường này cho rằng, vì bỗng dưng được nhận một khoản tiền lớn nên ai cũng “vui vẻ”, “tự nguyện” đồng ý trích lại 5 triệu đồng.


Tuấn Nghĩa

Ý kiến bạn đọc