(VnMedia) - Theo kế hoạch, sáng nay (2/1), Tổng Công ty Đầu tư phát triển Đường cao tốc Việt Nam sẽ cho thông xe, đưa vào khai thác tạm cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây, đoạn từ TPHCM - quốc lộ 51 (Đồng Nai) dài khoảng 20 km.
>>11 người bị kỷ luật vì 'rút ruột' cao tốc sắp thông xe
>>Cao tốc 20 ngàn tỷ sắp thông xe bị rút ruột
>>>>Năm 2014 hoàn thành tuyến cao tốc TPHCM – Dầu Giây
Sau khi thông xe, các đối tượng xe máy chuyên dùng có tốc độ thiết kế nhỏ hơn 70km/h; Xe lam, xe công nông, máy kéo; Xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự; Xe máy thi công tự hành, xe bánh xích (trừ các loại phương tiện làm nhiệm vụ bảo dưỡng, kiểm tra, sửa chữa đường cao tốc); Xe chở chất độc hại, dễ cháy, vật liệu nổ (trừ xe được cấp có thẩm quyền cấp phép); Người đi bộ, xe thô sơ, súc vật; Xe rơ mooc, xe sơ mi rơ mooc; Xe có tải trọng trên 10 tấn, xe kéo móc chuyên dùng, xe container….sẽ bị cấm đi vào tuyến đường này.
Trước đó, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam dự định sẽ đưa đoạn đường từ TPHCM – quốc lộ 51 vào khai thác sử dụng từ ngày 30/12/2013 vừa qua, để phục vụ nhu cầu các phương tiện giao thông. Tuy nhiên, do phải khắc phục sự cố cột hộ lan kém chất lượng tại gói thầu số 3 nên ngày thông xe phải lùi lại. Sau lễ thông xe, các phương tiện sẽ bắt đầu được phép lưu thông (có đóng phí).
|
Theo kế hoạch sáng nay (2/1), Tổng Công ty phát triển Đường Cao tốc Việt Nam sẽ tổ chức thông xe và đưa vào sử dụng trước 20km cao tốcTPHCM - Long Thành - Dầu Giây, đoạn từ TPHCM - quốc lộ 51 (Đồng Nai) Ảnh: VEC |
Theo kế hoạch, phần còn lại đường cao tốc đang thi công gồm đoạn từ ( quốc lộ 51, thị trấn Long Thành đến Dầu Giây dài 31km sẽ hoàn thành vào tháng 12/2015 và đoạn từ nút giao thông An Phú, quận 2 đến đầu tuyến đường cao tốc ở quận 9 (TPHCM) dài 4 km sẽ hoàn thành vào tháng 2/2015.
Dự án cao tốc TPHCM -Long Thành-Dầu Giây dài 55 km đi qua 2 tỉnh thành phố là TPHCM và Đồng Nai. Tổng vốn đầu tư hơn 20.600 tỷ đồng, tốc độ thiết kế chung cho các loại xe là 120 km/giờ, riêng cầu Long Thành 100 km/giờ.
Đường cao tốc này có điểm đầu tuyến là nút giao thông Dầu Giây, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai và điểm cuối là nút giao thông An Hòa, thuộc quận 2, TPHCM.
Dự án đường cao tốc được khởi công xây dựng vào ngày 3/10/ 2009 với quy mô 4–8 làn xe trên tổng chiều dài 55,7 km. Chủ đầu tư là Công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Tuyến đường cao tốc được chia thành hai đoạn do 2 đơn vị cấp vốn gồm: Thành phố Hồ Chí Minh–Long Thành do JICA cấp vốn và Long Thành - Dầu Giây do ADB cấp vốn.
Liên quan đến cao tốc này, trước đó, một bạn đọc ngụ tại huyện Long Thành (Đồng Nai) đã gửi đến báo chí tố cáo một số hạng mục của dự án cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây (đoạn đi qua khu vực cầu Xéo thuộc địa phận thị trấn Long Thành, Đồng Nai), có dấu hiệu bị “rút ruột” nghiêm trọng, thi công cẩu thả không đảm bảo chất lượng.
Người tố giác khẳng định từng làm công nhân thi công gói thầu số 3 nên phát hiện nhiều sai phạm tại đây. Trong đó, nghiêm trọng nhất là trụ bê tông gắn thanh sắt lan can 2 bên đường và giữa dải phân cách. Sau khi báo chí phản ánh, Bộ Giao thông vận tải đã vào cuộc kiểm tra và chỉ ra một số sai phạm.
Sau kết luận của Bộ Giao thông vận tải, VEC đã tiến hành họp và ra quyết định kỷ luật với mức từ khiển trách, cảnh cáo đến đình chỉ công tác với 11 người liên quan đến vụ việc. Trong đó, đáng chú ý ông Cho Yang Cook, Giám đốc thi công gói thầu số 3 và Đội trưởng Nguyễn Nhất Nguyên, đội phó Trần Minh Cường - những người trực tiếp phục trách thi công hộ lan mềm đoạn cầu Ruột Ngựa bị đình chỉ công tác. Sau sự việc trên, VEC đã cho nhanh chóng tổ chức khắc phục sự cố liên quan đến tuyến đường để kịp thông xe và đưa vào sử dụng.
Ý kiến bạn đọc