(VnMedia) - Mỗi năm, cả nước có hàng ngàn lao động chết và bị thương vì tai nạn lao động, tỉ lệ người mắc bệnh nghề nghiệp ngày càng tăng...
Ông Đỗ Trần Hải - Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Kỹ thuật Bảo hộ lao động Việt Nam - cho rằng trong bối cảnh đất nước đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nhiều nghề, nhiều công đoạn sản xuất với công nghệ mới, sử dụng các loại hóa chất độc hại làm phát sinh nhiều yếu tố nguy hiểm đối với an toàn và sức khỏe người lao động (NLĐ). Thế nhưng, công tác an toàn - vệ sinh lao động (AT-VSLĐ) chưa được coi trọng đúng mức. Nhận định trên được ông Hải đưa ra tại hội thảo về chiến lược khoa học công nghệ trong lĩnh vực AT-VSLĐ tổ chức ở TP HCM mới đây.
bị đầy đủ phương tiện bảo hộ lao động Ảnh: KHÁNH AN
Ý thức các bên còn kém
Theo Bộ LĐ-TB-XH, trong nhiều năm liên tiếp, các tỉnh - thành phía Nam như Đồng Nai, Bình Dương, TP HCM… luôn đứng đầu cả nước về số vụ tai nạn lao động (TNLĐ) và số vụ TNLĐ gây chết người. Đơn cử như tại Đồng Nai, 6 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 1.001 vụ, Bình Dương 199 vụ... Riêng tại TP HCM, 9 tháng đầu năm 2013 đã xảy ra 76 vụ TNLĐ làm chết 78 người, tăng 12 người so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu do NLĐ và người sử dụng lao động thiếu ý thức chấp hành công tác AT-VSLĐ.
Theo ông Dương Chí Thạch, Phó Ban Chính sách - Pháp luật LĐLĐ tỉnh Bình Dương, nhiều DN ở địa phương này “quên” hẳn việc đầu tư cho công tác AT-VSLĐ. “Qua kiểm tra cho thấy tình trạng môi trường lao động bị ô nhiễm về ánh sáng, tiếng ồn chiếm tỉ lệ cao, đặc biệt là hơi khí độc. 100% mẫu đo kiểm tại các DN sản xuất liên quan đến bụi chì đều vượt chuẩn” - ông Thạch nói.
Nhân lực vừa thiếu vừa yếu
Đa số các đại biểu cho rằng hiện đang rất thiếu cán bộ có chuyên môn về AT-VSLĐ. Theo bà Mai Thị Kim Hoa, hiện tỉnh Tây Ninh chưa thể biên soạn được quy trình AT-VSLĐ cho từng công việc, máy móc thiết bị và khâu sản xuất. Việc huấn luyện cho NLĐ cũng không làm đến nơi đến chốn vì thiếu cán bộ am hiểu về AT-VSLĐ. Bà Nguyễn Thúy Lan Chi, quyền Trưởng Khoa Môi trường và Bảo hộ lao động Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết nhu cầu nhân lực về ngành AT-VSLĐ rất lớn, minh chứng là 100% sinh viên của khoa tốt nghiệp đều có việc làm, thậm chí nhiều sinh viên được DN tuyển dụng ngay trong thời gian thực tập.
Xây dựng văn hóa an toàn lao động Bà Nguyễn Trần Phượng Trân, Phó Chủ tịch LĐLĐ TP, cho rằng để bảo đảm AT-VSLĐ, nguyên tắc phòng ngừa phải được đặt lên hàng đầu. Mỗi DN nên xây dựng văn hóa an toàn lao động như một bộ phận cơ bản, chính yếu của văn hóa DN. Xây dựng văn hóa an toàn lao động là thực hiện trách nhiệm xã hội của DN về an toàn và sức khỏe cho NLĐ - một trong những điều kiện quan trọng để DN hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. |
Ý kiến bạn đọc